Thăm chợ Bắc Hà

Chào mừng tới chợ Bắc Hà!

Quả không ngoa khi nói rằng chợ Bắc Hà là chợ lớn nhất ở khu vực Tây Bắc. Từ sáng sớm nó đã bị đánh thức bởi tiếng xe đi lại, tiếng người nói râm ran, tiếng gà kêu. Mọi người đang chuẩn bị cho phiên chợ chủ nhật được mong chờ cả tuần và thu hút không biết bao du khách.

Cho tới 8h, mọi ngả đường đổ về chợ đã đông nghịt người với xe. Khách sạn của khách nằm phía cuối chợ nên nó cho khách bắt đầu từ khu vực bán trâu. Không thể tin được là một con trâu giá trung bình 30 triệu. Con to béo có thể lên tới 40 triệu. Mấy con nghé nhỏ nhỏ thì 20 triệu. Nghe nó nói giá, hai vị khách nhẩm nhẩm đổi sang tiền euro rồi ồ lên: Đắt thật đấy!

Từ khu chợ trâu, nó đi ngược lên khu thổ cẩm, khu đồ lưu niệm, vòng sang khu bán thực phẩm, khu bán chim, rẽ qua các hàng ăn, chỗ bán ngựa, xuyên qua khu bán hoa lan và rau củ rồi về chỗ bán gà, chó. Kết thúc hơn hai tiếng đồng hồ thăm chợ.

Điều nó thích nhất ở chợ Bắc Hà là được ngắm những người H’mong Hoa trong trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu, được xem cách họ mua bán, ăn uống. Dù nó đã thăm chợ tới lần thứ 3 nhưng vẫn luôn thấy mới mẻ và bị lôi cuốn. Thi thoảng bắt gặp mấy em mặc đồ dân tộc nhưng đi tất lưới, giầy thể thao, nó bất chợt thở dài. Sao nó vẫn yêu cái thuần khiết hơn là sự kết hợp đó nhỉ? Hay là nó đã quá cổ hủ rồi?

Vì chợ Bắc Hà chỉ diễn ra vào sáng chủ nhật nên nếu bạn có ý định đến Bắc Hà, nhớ để ý ngày kẻo bỏ lỡ phiên chợ nhé.

Chợ Bắc Hà

Hôm ấy, sổ tay của nó đã đầy thêm một chút những kinh nghiệm. Note tạm vài ý ra đây để nhớ, có thể có ích cho những người mới bắt đầu, chứ không dám múa rìu qua mắt bao thợ guide chuyên nghiệp 🙂

=> Chuẩn bị kỹ trước khi đi: chỗ chụp ảnh đẹp, món ăn, phong tục. Tới nơi hỏi thêm người dân/chủ nhà những gì hay ho nhất ở trong làng để dẫn khách đi xem.

=> Luôn luôn hứng khởi, tạo cảm hứng cho khách. Khách bảo là sao lúc nào mày cũng đầy năng lượng thế. À, thì tao không biết khi nào cuộc sống của tao sẽ chấm dứt nên tao cứ phải tận hưởng tối đa hiện tại.

=> Chân thành, thành thật và thân thiện. Vì nếu chưa có kinh nghiệm mà lại bốc phét hay nói linh tinh thì khách vặn lại là lúng túng ngay.

=> Làm gì để không lạc khách giữa chợ Bắc Hà đông nghịt người?
– bắt đầu xuất phát thì nói với khách hướng mình sẽ đi thăm chợ thành 2 vòng, để khách biết rồi cứ đi theo thế.
– luôn đảo mắt như rang lạc để biết chắc khách đang đứng đâu
– ưu tiên chăm sóc khách nữ vì nữ thường kém nhạy bén phương hướng hơn nam và hay sa vào mua sắm
– phải tự kìm nén thú vui mua sắm của bản thân để chăm khách🤣🤣🤣

=> Điện thoại luôn kết nối 3/4G để tiện tra từ khi bí hoặc tìm hình ảnh cho khách. Cũng đừng quên note từ mới vào để học.

=> Khách cầm tượng gỗ hình cô gái và hỏi: cái này có chắc là của Việt Nam không hay của Trung Quốc?
Con bé tỉnh bơ đáp:
– 100% của Việt Nam. Ông nhìn này, đây là cái nón lá của phụ nữ Việt Nam, đây là trang phục Áo Dài của phụ nữ Việt Nam. Cả hai thứ chỉ có ở Việt Nam thôi. Nghĩa là hình ảnh này là biểu tượng của Việt Nam. Do đó chỉ có thể là người Việt làm.
Hơn nữa ông nhìn đi, tượng gỗ làm tỉ mỉ thế này chỉ có người Việt Nam vốn cẩn thận mới làm được.
Đây là sản phẩm do các làng nghề thủ công sản xuất và chuyển đi khắp nước. Ví dụ như làng gỗ Đồng Kỵ ở Hà Nội hay các làng nghề phía Tây của Hà Nội.
Khách dễ tính, gật gù hài lòng với câu trả lời. May quá không vặn vẹo gì thêm. Thật may quá! 🙂

Chợ Bắc Hà
Thắng cố – món ăn truyền thống của người Mông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *