Cao Bằng, chuyến đi rừng đáng nhớ (ngày 1)

Bạn đã bao giờ đi bộ xuyên qua núi mà trước đó chưa hề có sự tập luyện? Cứ lên lại xuống, băng qua những ruộng ngô, qua những đồng lúa, qua những rừng cây, bị lá cây cứa vào chân tay và nếm trải cảm giác khát khô giữa trời nắng nóng?

Tôi đã trải qua những ngày đi bộ như thế ở Cao Bằng, đầy ấn tượng và cảm xúc. Đến bây giờ khi ngồi viết những dòng này, tôi vẫn nhớ như in những giây phút tuyệt vời ấy.

Hành trình của chúng tôi kéo dài 4 ngày nhưng thực chất chỉ có 3 ngày phải đi bộ nhiều, còn ngày cuối cùng dành cho di chuyển. Ngay ngày đầu tiên đã là buổi chinh phục núi vắt kiệt sức người.

Lịch trình tóm tắt như sau:
Ngày 1: Hà Nội – Cao Bằng – trekking Trưng Vương – Phia Thắp
Ngày 2: Phia Thắp (leo núi) – trekking Làng Dưới – Lũng Rì – Phia Thắp
Ngày 3: Phia Thắp – Trùng Khánh – Lũng Niếc – Bản Giốc
Ngày 4: Bản Giốc – Cao Bằng – Hanoi

CaoBang-HoaChio

Ngày 1: Đi xuyên qua núi, mồ hôi ướt đẫm người, vẫn rạng rỡ nụ cười chiến thắng

Chúng tôi xuất phát ở Hà Nội lúc 6h15, chạy theo đường cao tốc Thái Nguyên. Mọi người làm quen, nói chuyện rôm rả, đùa nhau như những người bạn lâu năm, dù có những người như tôi mới chỉ lần đầu tham gia nhóm.

Xe chạy bon bon chẳng mấy chốc đã tới Thái Nguyên và dừng cho mọi người ăn sáng. Bát phở ở đây to thật to, đầy thật đầy. Bánh phở cũng to, mềm nhưng không bở, kết hợp với thịt gà quê giòn giòn, ớt đỏ cay, chanh tươi chua khiến người ta chảy nước miếng. Đây là bát phở ngon nhất mà tôi từng ăn ở vùng cao, và lại không thể ăn hết vì quá nhiều, mặc dù bụng đang đói. 30k cho 1 bát phở thật quá tiêu chuẩn ngon bổ rẻ.

Sau bữa sáng đơn giản chúng tôi tiếp tục đi Bắc Kạn. Bắt đầu từ Chợ Mới (Bắc Kạn) con đường thẳng tắp đã chuyển thành con đường uốn lượn quanh núi với những khúc cua liên tục khiến tôi thót tim.

Xe dừng ở Đèo Gió cho mọi người nghỉ lấy sức. Lúc này đã là 10h40. Quán nhỏ chân đèo bán đủ món ăn vặt cho khách lựa chọn: dưa mèo to bằng bắp chân, mắc cọp quả nhỏ ngọt mát, đào giòn tươi, ngô luộc nóng hổi. Ai cũng hào hứng nếm những món ăn rất đỗi quen thuộc nhưng lại là cứu cánh trong lúc đói.

Nhưng chính bữa ăn nhẹ này lại là nỗi kinh hoàng của chị em trong đoạn kế tiếp, khi mà đường ngày một ngoằn nghèo hơn, các khúc cua càng gần nhau hơn, xe càng lắc lư hơn. Kết quả là chị em bắt đầu đua nhau cho ra sản phẩm. Anh lái xe vui tính trêu chúng tôi: “xe mình không có ai tên Huệ sao chị em cứ gọi uệ uệ?”

Và tôi, bao lâu nay chỉ duy nhất một lần say xe do bị ốm, cũng ngã gục một cách dễ dàng. Cảm giác nôn nao kéo dài thật đáng sợ!

CaoBang-HoaChio
Bữa trưa ngon miệng trên đường về Cao Bằng

Nhờ bữa trưa vui vẻ cả đoàn nhanh chóng hồi phục. Tôi cũng thấy thoải mái hơn nhiều. Đồ ăn quả là có sức mạnh phi thường mà!!! 😀

13h46 xe rẽ vào xóm Trưng Vương để chuẩn bị cho chặng đi bộ đầu tiên. Đường đi bé, mấp mô sỏi đá lẫn bùn nước, nhưng 2 bên là rừng núi, ruộng lúa xanh mướt khiến tôi mải miết nhìn.

Tới nơi tập kết, mọi người xuống xe, xách theo hành lý gọn nhẹ, nước uống và hăm hở đi theo người dẫn đường. Tôi nhìn điện thoại, đánh dấu mốc 14h20. Chỉ được chừng 200m đường mòn là bắt đầu lên núi và thế là bắt đầu chặng đường gian khổ mà không một ai ngờ tới.

Đường núi sau cơn mưa vừa trơn vừa lầy. Là cây ướt quệt vào người, cứa vào tay vào mặt ran rát. Đôi giầy của tôi nhanh chóng nhuốm bùn. Tuy đi trong rừng nhưng không hề thấy mát vì thời tiết oi nóng của mùa hè, mồ hôi ướt đầm áo. Tôi chơi trội nhất đoàn khi mặc quần váy đi rừng (can tội chủ quan không đọc chương trình trước đây mà).

Lên tới đỉnh đầu tiên, chúng tôi gặp bà con đi bẻ ngô đang ngồi nghỉ. Cả đoàn cũng tranh thủ dừng chân nghỉ lấy sức, nói chuyện cùng bà con. Anh chị em thi nhau thử sức nâng gánh ngô. Nhưng tiếc quá, không có lực sĩ nào đạt chuẩn 😀
Nhìn những sọt ngô nặng trịch mà tôi thấy sợ, tưởng tượng mình gánh chắc gẫy cả vai. Ấy vậy mỗi ngày bà con đi mấy chuyến leo núi như thế đó, thật đáng nể!

Sau khoảng 1,5km đầu tiên chúng tôi đến xã Đoài Khôn. Đoạn đường tuy ngắn mà cũng mất cả tiếng đồng hồ mới vượt qua được. Lại tiếp tục leo núi, đi qua ruộng, lội bùn, trèo lên đá… Chân tay lấm lem bùn đất, đầy vết cây cứa vào. Dường như mọi người đã bắt đầu quen dần nên tốc độ đi cũng nhanh hơn. Tôi cảm giác như đang trải qua một cuộc huấn luyện đặc biệt dành cho những tân binh yếu sức mà phần thưởng là phong cảnh thiên nhiên núi rừng tuyệt đẹp ngắm mãi không chán.

Chúng tôi đến đỉnh dốc cuối cùng, từ đó bắt đầu đi xuống để đến bản Phia Thắp. Mặt trời cũng đang xuống núi, những tia nắng cuối ngày nhảy nhót trên cây rừng, tạo nên khung cảnh tuyệt vời. Tôi đứng lại chụp vội khoảnh khắc ấy bởi không biết đến bao giờ sẽ thấy lại cảnh như vậy nữa. Nhìn xuống phía dưới mà thấy lâng lâng, con dốc dựng đứng, cây cối rậm rạp, không rõ đâu là đường đi. Lạy trời không có rắn, không có sâu bọ, không có vắt!

Em hướng dẫn cầm dao đi đầu vừa đi vừa phạt cây để mở lối, như em nói thì đường này lâu nay vốn không có người dân đi. Em chỉ cho mọi người tránh xa cây lá han, mặt trên lá màu xanh, mặt dưới tía đỏ giống lá tía tô, động vào sẽ rất ngứa. Nếu chẳng may bị ngứa thì bẻ chính cây đó lấy nhựa xát vào vết ngứa sẽ khỏi.

Tôi bị trượt chân, bám vội vào một cành cây, xui xẻo đúng cây gai, đau muốn chảy nước mắt. Mọi thứ thật quá sức tưởng tượng mà!!!

Cuối cùng cũng xuống tới chân núi và đến con đường mòn nhỏ dẫn vào bản Phia Thắp. Đôi chân đã mỏi, giầy đã nhuộm đất bùn ướt sũng… Nhìn anh chị phía trước sánh vai nói chuyện, tự nhiên trong đầu tôi nảy ra mấy câu:

Ngày ấy khi chúng ta còn trẻ
Sánh vai nhau đi khắp những cung đường
Qua núi, vượt đèo, khoảnh khắc yêu thương
Vương lại mãi trong tiếng cười vui vẻ

Vào nhà dân nghỉ ngơi cũng gần 6h30. Bản Phia Thắp nằm men theo sườn núi, nổi tiếng bởi nghề làm hương truyền thống từ nguyên liệu tự nhiên, không sử dụng hóa chất. Chúng tôi nghỉ ở nhà chú Kim, nhìn ra cánh đồng lúa đang lên xanh ngắt. Ngôi nhà của chú Kim đã được dự án Cred hỗ trợ cải tạo và nâng cấp nên đẹp, mới và khang trang, may mắn vẫn giữ được nét truyền thống của người Nùng.
Tôi đừng ngắm mặt trời khuất dần sau núi, thấy yêu vô cùng khung cảnh thanh bình này.

Rất nhanh bóng tối sập xuống. Cả làng chìm trong một màn đen, thấp thoáng ánh sáng đèn điện ở các nhà. Tiếng sẩm vang dền báo hiệu một cơn mưa lớn đang sắp đến. Chúng tôi buôn chuyện trong lúc chờ cơm tối, lắng nghe tiếng sấm và tiếng côn trùng kêu râm ran.

Bữa cơm tối tràn ngập tiếng cười, tiếng nói chuyện. Mọi người chia sẻ những sự cố trong ngày đầu đi bộ, chỉ cho nhau những vết xây xát do cây rừng, khoe nhau đôi giầy lấm lem bùn đất, cười ầm ĩ khi hay tin chị nhà báo nước ngài đi xe ôm bị ngã. Tất cả đã quen thân nhau như trong một gia đình.

Ngày đầu tiên đã qua trôi qua ấn tượng như thế đấy!

 

Timeline ngày đầu tiên:

6h15: Xuất phát từ Hà Nội
8h00: Ăn sáng tại Thái Nguyên
8h42: Bắt đầu chặng đường quanh co từ chợ Mới (Bắc Kạn)
10h40: Nghỉ ở Đèo Gió
12h15: Ăn trưa
13h46: Bắt đầu đến Trưng Vương
14h20: Bắt đầu trek Trưng Vương – Phia Thắp
18h15: Về tới Phia Thắp
Thời gian đi bộ từ Trưng Vương – bản Phia Thắp: 3h
Số km đi bộ: 7km
Đỉnh cao nhất: 760m

Tổng kết kinh nghiệm sau ngày đầu đi bộ:

  • Nhất định phải đọc kỹ chương trình và làm checklist: Không hiểu sao lần này tôi lại chủ quan thế, chỉ lướt qua chương trình mà không nghiên cứu kỹ điểm đi, vậy là chuẩn bị đồ lung tung cả.
  • Mặc quần dài, áo dài tay để tránh bị lá cây cứa vào người
  • Mang nhiều tất (thay liên tục nếu ướt giầy, giầy không khô nhanh nhưng thay tất khô cũng đỡ khó chịu)
  • Chuẩn bị đồ ăn bổ sung năng lượng như chocolate, kẹo, cafe, C sủi… Nhờ chuyến đi này mà tôi đã biết loại kẹo Kalfany thần thánh giúp phục hồi sức lực nhanh chóng 😀
  • Chuẩn bị kem bôi muỗi đốt, ngứa (Nói lại nhớ lọ kem HP đa năng của tôi, bôi vào là tịt các nốt muỗi đốt, ngứa do côn trùng. Anh trong đoàn bị muỗi đốt sưng đỏ, gãi liên tục như bị ghẻ, vậy mà bôi kem đó dịu luôn. Ai muốn mua thì click Vào đây để tìm hiểu và đặt hàng nhé)
  • Đi giầy rộng 1 chút để khi xuống núi không bị đau mũi chân. Bạn tôi đã phải bỏ cuộc vì đôi giầy quá chật đấy.

Tạm thời như vậy cho ngày đầu tiên nha!

Review ngày 1:

Xem tiếp ngày 2: Hành trình thách thức sức chịu đựng của con người 🙂

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *