Tour trek rừng Samu Tà Xùa: 1001 những điều bạn nên biết

Không cần nhiều lý do để bắt đầu một chuyến đi mới. Mọi thứ có khi chỉ bắt đầu từ một bộ phim, một bài hát, một bức ảnh… Khoảnh khắc khi bạn đến được cái đích của chuyến đi, nhìn ngắm mọi thứ xinh đẹp đang thu vào tầm mắt, lúc đó bạn sẽ nhận ra mọi sự nỗ lực của mình là vô cùng xứng đáng.

Bắt đầu từ những bức ảnh tình cờ thấy trên Facebook, cộng thêm mong muốn của bản thân về một chuyến du xuân thật đặc biệt, tôi cùng đồng đội đã có chuyến đi trek rừng Samu Tà Xùa vô cùng ấn tượng. Sau những con dốc dài, những quãng đường lên xuống, tôi càng thấm thía Khoảnh khắc khi bạn đến được cái đích của chuyến đi, nhìn ngắm mọi thứ xinh đẹp đang thu vào tầm mắt, lúc đó bạn sẽ nhận ra mọi sự nỗ lực của mình là vô cùng xứng đáng”.

Nếu bạn chưa biết tới rừng nguyên sinh Samu Tà Xùa và đang mong muốn có thêm thông tin về địa danh này để chuẩn bị cho chuyến đi mới, nhất định hãy đọc hết bài viết này của tôi. Bạn có thể chuyển nhanh tới phần Nhật ký hành trình chinh phục đỉnh Samu để dõi theo từng bước chân của chúng tôi. Hoặc cứ kiên nhẫn đọc lần lượt từ đầu nhé. 

Tour trek Samu Tà Xùa

1. Rừng Samu Tà Xùa ở đâu?

Nói tới Tà Xùa có lẽ nhiều người nghĩ ngay đến vùng núi Tà Xùa ở Trạm Tấu, Yên Bái, địa danh đã quá quen thuộc với những người yêu thiên nhiên và đam mê trekking. Nhưng ít người biết rằng còn có một Tà Xùa khác ở huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, chính là khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa, nơi có rừng Samu mà tôi vừa được chiêm ngưỡng.

Samu là tên gọi của khu rừng nguyên sinh ở Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La. Đây là một trong 3 khu rừng già thuộc rừng Tà Xùa, vốn được người dân địa phương gọi là Tam giác quỷ. Hai nơi còn lại trong tam giác quỷ là đỉnh U Bò và khu vực xác máy bay Pháp rơi.

Khu rừng còn giữ được vẻ nguyên sơ, kỳ bí với nhiều thảm thực vật chồng lên nhau: cỏ dại xanh mướt trên nền đất, lá khô rơi rụng phủ lên trên, rêu bám đầy lối đi, trên đá và trên những thân cây cổ thụ cao vút hàng trăm năm tuổi. Tất cả chung sống hài hòa, cộng sinh, cứ thể bền bỉ qua thời gian chẳng biết bao lâu, để tới bây giờ có khu rừng đẹp không lời nào tả hết. 

Hiện có hai cung trek rừng Samu đi theo hai lối khác nhau. Một đường phía Xím Vàng, cách sống lưng khủng long Háng Đồng chừng 30km. Đường còn lại chính là đường chúng tôi đã đi, nằm ngay gần sống lưng khủng long Háng Đồng, cách chừng 2km.
Theo kinh nghiệm của các hướng dẫn viên địa phương, hai khu vực này tương đồng nhau về thời tiết, thảm thực vật, chỉ khác nhau về địa hình, cảnh quan và hướng đi.

Toàn bộ nội dung bài viết của tôi sẽ xoay quanh cung trek rừng Samu Háng Đồng chứ không phải Samu Xím Vàng (hay Sím Vàng như nhiều người thường viết).

Tổng quãng đường lên xuống của cung là 12km. Đỉnh cao nhất là 2769m.

Tour trek rừng Samu Tà Xùa
Nắng rọi rừng Samu

2. Cách đi tới rừng Samu Tà Xùa

Từ Hà Nội, bạn di chuyển đến Sơn La, về huyện Bắc Yên, về tận thị trấn Tà Xùa. Nếu không biết đường thì cứ men theo chỉ dẫn của Google là tới. Đường dễ đi nhưng nhiều khúc cua quanh co, rất dễ say xe. 

Ở Tà Xùa, bạn dễ dàng tìm thấy nhiều homestay dọc đường, nhìn về phía sống lưng khủng long, nơi các tín đồ săn mây thường tìm tới nhằm “test nhân phẩm”.

Dưới đây là 3 địa chỉ lưu trú ở Tà Xùa cho bạn lựa chọn:

  • Homestay Phố Núi: khu nghỉ có nhiều căn nhà tổ chim riêng biệt nhìn ra thung lũng, nằm gần lối xuống sống lưng khủng long.
  • Homestay Sơn Tra: cách sống lưng khủng long chừng 10p đi xe máy, nằm trên lưng chừng núi nhìn toàn cảnh thung lũng và sống lưng khủng long. Khu nghỉ có phòng riêng khép kín và phòng cộng đồng. Phòng cộng đồng chỉ có các đệm đôi được phân cách nhau bởi ri-đô rất dày. Kéo kín bốn góc thì cũng thành khu riêng biệt (không có cách âm). 
  • Tà Xùa Ecolodge: khu nghỉ dưỡng mới đi vào hoạt động ở Tà Xùa, có các căn bungalow riêng biệt hướng thung lũng, có bể bơi và khuôn viên rộng.
Trek rừng Samu Tà Xùa: 1001 những điều bạn nên biết
Đường đi tới Tà Xùa theo chỉ dẫn của Google

3. Thời điểm đẹp để khám phá rừng nguyên sinh Samu Tà Xùa

Bạn có thể khám phá Samu vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên tháng 11 vẫn được coi là tháng đẹp nhất để trải nghiệm toàn bộ vẻ đẹp khu rừng.

Thời tiết tháng 11 tương đối lạnh. Vừa mới sau mùa mưa nên cây cối vẫn còn xanh mướt, lá phong đỏ tươi trong rừng, cũng là lúc hoa đỗ quyên bắt đầu nở. Đi trek rừng Samu trong giai đoạn này phải lưu ý đồ giữ ấm cho đêm cắm trại giữa rừng.

Sau tháng 11, bạn có thể chọn giai đoạn từ tháng 1 tới tháng 3, cây cỏ tuy bớt xanh hơn, những vẫn còn hoa đỗ quyên. Lá phong đã rụng, cùng với các lá cây khác tạo thành lớp lá khô phủ đầy trên mặt đất. Đặc biệt trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều hoa đào nở đỏ trên sườn núi. 

Trek rừng Samu Tà Xùa
Lá phong đỏ nghiêng mình trong nắng (Ảnh: ngocnta13photothành viên trong đoàn trek)

4. Lịch trình tour xuyên rừng Samu Tà Xùa

Ngày 1: Hà Nội – Tà Xùa

  • 6h15: xuất phát từ Nhà Hát Lớn
  • Trên đường đi dừng thăm đồi chè Long Cốc
  • Ăn trưa tại Bắc Yên
  • Check in sống lưng khủng long và uống cafe ngắm hoàng hôn
  • Ăn tối và nghỉ đêm tại homestay

Ngày 2: Trek rừng Samu Tà Xùa

  • 5h30: săn mây tại sống lưng khủng long
  • 6h30: ăn sáng
  • 7h30: bắt đầu hành trình trek rừng Samu
  • Ăn trưa picnic
  • Cắm trại và ngủ trong rừng

Ngày 3: Tà Xùa – Hà Nội

  • Đón bình minh trong rừng
  • 7h30: Xuống núi
  • 11h khởi hành về Hà Nội
  • Ăn trưa tại Bắc Yên
  • Dừng chân mua sữa chua Ất Thảo
  • 19h23: về tới Nhà Hát Lớn, kết thúc hành trình.

Nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian và cũng không muốn check in sống lưng khủng long thì có thể đi xe đêm. Lịch trình sẽ là:

  • Ngày 1: Hà Nội – Tà Xùa: đi xe đêm
  • Ngày 2: Tà Xùa – Rừng Samu: tới Tà Xùa, tập kết tại điểm nghỉ, ăn sáng, sau đó xuất phát đi trek. Nghỉ đêm trong rừng.
  • Ngày 3: Xuống núi. Về điểm homestay tắm rửa, nghỉ ngơi, ăn trưa. Sau đó lên đường về Hà Nội.
Tour trek rừng Samu Tà Xùa
Thảm thực vật xanh mướt trong rừng Samu

5. Cần chuẩn bị những gì để đi trek rừng Samu?

5.1. Đồ cá nhân

Chuyến đi trek không dài nên bạn đừng tham mang nhiều đồ, vừa nặng lại có thể không dùng tới. Tham khảo danh sách đồ cá nhân bạn cần chuẩn bị dưới đây nhé. 

  • Balo nhỏ đựng các vật dụng cần thiết và đeo bên người, tốt nhất là balo chống thấm nước, có dây đeo chắc chắn, có trợ lực ôm sát phần lưng và hông. 
  • Balo to hơn đựng các đồ dùng cho cả chuyến đi: có thể gửi tại khu nghỉ hoặc gửi porter nếu cần thiết. Mỗi công ty sẽ có quy định về hành lý gửi porter nên bạn lưu ý chỉ mang những đồ cần thiết. Ví dụ đoàn chúng tôi thì cứ 2 khách sẽ có 1 porter và mỗi người được phép gửi porter 2kg đồ.
  • Gậy trekking và giày trekking hoặc giày thể thao ôm chân, có độ bám tốt, chống nước. Nên chọn giày to hơn 1 size và cắt ngắn móng chân để tránh va chạm khi mang giày suốt quá trình leo.
  • Quần áo theo nhu cầu. Ưu tiên quần gió nhanh khô, áo gió mỏng. Trong quá trình đi trek thường chỉ cần mặc áo phông bên ngoài một áo giữ nhiệt vì đi bộ sẽ khá nóng. Tuy nhiên khi ngủ đêm thì cần thêm áo, khăn để giữ ấm. 
  • Áo khoác: 1 áo phao lông vũ giữ ấm và 1 áo gió 2 lớp chống nước. Ưu tiên màu nổi bật đẻ dễ nhìn thấy nhau trong rừng và chụp ảnh cũng đẹp hơn
  • 01 đôi dép tổ ong sử dụng tại khu cắm trại, điểm nghỉ
  • Khăn: 1 khăn che mặt thấm hút mồ hôi, 1 khăn quàng cổ tránh rét ban đêm.
  • 03 đôi tất dài, dày (không dùng tất cổ thấp)
  • Đồ dùng cá nhân khác tùy nhu cầu như: kem chống muỗi, kính mắt, mũ, máy ảnh, đồ lót, đồ dùng vệ sinh, bật lửa, dao cá nhân, sạc dự phòng, thuốc, xà cạp, găng tay…
  • Đèn pin: ưu tiên đèn pin đeo đầu
  • Giấy tờ tùy thân

Cũng giống như hầu hết các công ty chuyên về trek, bên XAdventures cũng trang bị cho chúng tôi các đồ dùng cơ bản như gậy trek, găng tay, áo mưa, xà cạp. Nhờ đó balo bớt nặng đi một chút 😀 

5.2. Rèn luyện trước chuyến đi trek rừng Samu

Sức khỏe là điều quan trọng bạn cần chuẩn bị thật kỹ. Hãy dành thời gian rèn luyện để đảm bảo mình có sức bền cũng như thể lực vừa đủ. Có rất nhiều hoạt động bạn có thể lựa chọn nhằm tăng cường sức khỏe như:

  • Leo 10 tầng cầu thang mà không nghỉ 
  • Chạy 3km trên địa hình bình thường trong vòng 30 phút 
  • Đi bộ 10,000 bước mỗi ngày 
  • Nhảy dây 100 cái mỗi nhịp. 
  • Đạp xe trung bình 10km/ ngày

Luyện tập đều đặn tối thiểu 2 tuần trước chuyến đi và có thể nghỉ 1-2 ngày trước ngày khởi hành.

Tour trek rừng Samu Tà Xùa
Mỗi ngày tập luyện một chút, bạn sẽ thừa sức đi trek rừng Samu

6. Nhật ký hành trình chinh phục đỉnh Samu

Đúng 7h30 đoàn chúng tôi rời homestay Sơn Tra, bắt đầu chặng đường trek rừng Samu Tà Xùa. Homestay Sơn Tra nằm dưới chân núi, nên bạn có thể hình dung để vào sâu trong rừng cần leo ngược lên như thế nào.
Chúng tôi men theo con đường uốn mình trên sườn núi lên cao mãi. 

Tour trek rừng Samu Tà Xùa
Băt đầu xuất phát

Chúng tôi bước đi đầy phấn khởi, đón những tia nắng ban mai đầu sáng, chụp ảnh với hoa đào rừng đỏ rực hay hoa sơn tra trắng muốt. 
Nhưng chỉ sau một chặng dốc là mọi người bắt đầu thở phì phò và đi trong lặng lẽ hơn. Dù vậy vẫn không quên tận hưởng thiên nhiên theo cách riêng của mình.

Cứ men theo sườn núi đi lên được khoảng 1h10p, chúng tôi tới cửa rừng. Nhìn lên thấy con dốc cao sừng sững. Tôi không khỏi thốt lên đầy cảm thán: Ái chà chà… 🥹 Ai ngờ hơn một tiếng vừa qua chỉ mới là khởi động mà thôi.

Tour trek rừng Samu Tà Xùa
Điểm bắt đầu của con dốc cao vút
Tour trek rừng Samu Tà Xùa
Lúc này là cũng mệt lắm rồi đấy.

Sau con dốc cao vút ấy là chặng đường thoai thoải, thi thoảng mới có thêm một đoạn dốc lên. Suốt 3 tiếng tiếp theo chúng tôi cứ liên tục đi như vậy trong rừng, chân bước trên lớp lá khô lạo xạo, đi mệt lại nghỉ, cười nói rôm rả. Mọi người chỉ cho nhau những gốc cây, mỏm đá đẹp mê người, rồi hò nhau chụp ảnh lưu niệm. 

Chẳng hiểu sao tôi cứ bị mê hoặc bởi những cành cây, tán lá, hay những bông hoa dại chẳng ai biết tên. Cảm giác xòe tay đón nắng, cho gió lùa qua kẽ tay thú vị lắm lắm.

Khoảng 12h, chúng tôi tới nơi hạ trại, tranh thủ nghỉ ngơi để tận hưởng bữa trưa picnic đơn giản gồm xôi nếp cẩm chấm muối lạc, thịt trâu khô. 

rừng Samu
Bữa trưa đơn giản mà vẫn ngon miệng (Ảnh: ngocnta13photo)

Tranh thủ nghỉ trưa đi tắm nắng nào ☺️

rừng Samu Tà Xùa

Sau bữa trưa, chúng tôi để đồ tại trại, chỉ mang theo nước, gậy trek, tiếp tục đi vào rừng. Chặng đường này vô cùng đẹp, với rất nhiều cây cổ thụ có hình dáng kỳ lạ.

rừng Samu
Bộ rễ cây cổ thụ giống như mạng nhện khổng lồ
rừng Samu
Rất nhiều cây có hình dáng kỳ lạ như thế này
Cây đã bao nhiêu tuổi mà to và cao thế?
Thấy mình thật là nhỏ bé giữa núi rừng
Chúng tôi gọi đây là ngai vàng 😀

Chúng tôi đi tiếp tới cây thần kỳ, có thể là cây to cao nhất trong rừng. Tương truyền rằng cây này rất thiêng, nếu bạn vừa đi vòng quanh cây vừa nghĩ về điều mình mong muốn thì nó sẽ thành hiện thực.
Tất nhiên tôi không tin vào điều đó, nhưng tôi không thể phủ nhận sự huyền bí, hùng vĩ của cây và hiểu vì sao các anh mở tour gọi nó là cây thần. 

Cuối cùng thì chúng tôi đã tới cột mốc Háng Bờ La ở độ cao 2700m, biên giới phân tranh giữa hai dân tộc H’mông và Dao trước thế kỷ 20. Nơi đây cũng vương lại nhiều mảnh vỡ của xác máy bay trong chiến tranh, tuy nhiên đã bị người dân nhặt đi từ lâu.
Tôi cứ ngó nghiêng xung quanh, dán mắt xuống đất, hy vọng may mắn tìm được mảnh nào sót lại, tiếc là chỉ thấy lá cây và xác hoa đỗ quyên rực rỡ.

rừng Samu
Ranh giới Háng Bờ La
Trek rừng Samu
Hoa đỗ quyên rụng đầy trên mặt đất

Cách cột mốc Háng Bờ La chừng vài mét là khu cột mốc mà XAdventures đánh dấu là điểm cuối trong hành trình. Tại đó chúng tôi nhận huy chương chứng nhận đã thành công chinh phục đỉnh Samu.

Cùng nhau nhận huy chương chiến thắng nào 🙂

Sau khi chụp ảnh khoe huy chương, anh Lượng dẫn chúng tôi đi thêm một đoạn để ngắm cây Samu sừng sững hiên ngang giữa núi rừng, tán tròn xoe thành từng tầng vô cùng đẹp mắt. 

rừng Samu
Cây Samu sừng sững giữa đất trời

Chúng tôi quay trở lại điểm cắm trại. Trời cũng về chiều. Gió thổi mạnh hơn rất nhiều. Mọi người đưa đồ cá nhân về trại của mình, rồi cùng nhau nghỉ ngơi, chuẩn bị bữa tối. Vì trong rừng không có nước nên không thể tắm rửa thoải mái. Mỗi người có một biện pháp riêng để xử lý vệ sinh cá nhân.
Bên tour đã thiết kế một khu nhà vệ sinh dã chiến, có lều che chắn kèm vỏ trấu cho mọi người phủ lên sau khi đã giải quyết xong nỗi buồn.

Khu cắm trại của chúng tôi ở giữa rừng

Sau bữa tối ấm cúng trong lều, chúng tôi tự do nghỉ ngơi, quây quần bên bếp lửa chuyện trò và ngắm trời sao. Không thể tin được bầu trời lại trong vắt và đầy sao như thế. Thật rất muốn ghi lại khoảnh khắc ấy nhưng lực bất tòng tâm, điện thoại không thể chụp được mà máy ảnh chuyên nghiệp lại không có. Tôi thi thoảng ngước lên nhìn trời, đếm từng ngôi sao, mong lưu được nhiều nhất có thể khoảnh khắc sáng đẹp ấy.

Đêm hôm đó là đêm tôi sẽ không bao giờ quên được. Chúng tôi chia thành các lều 2 người, lều 4 người. Gió thổi mạnh khiến tôi cảm giác như lều sắp bay lên khỏi mặt đất. May mà chúng tôi đã chặn balo ở 4 góc và dùng sức mạnh cơ thể của mình để giữ lều ở lại. Dù đã mặc áo giữ nhiệt, một lớp áo phao, một lớp áo gió, quàng thêm khăn, chui vào túi ngủ, tôi vẫn cảm thấy cái lạnh bao trùm khắp người. Gió cứ rít lên từng hồi, chạy từ xa tít trong rừng chạy về, vờn quanh lều chúng tôi.
Tôi trằn trọc không sao ngủ được, đành giết thời gian bằng cách nằm nghe tiếng nói chuyện ở lều bên cạnh, còn lấy điện thoại ghi âm tiếng gió rừng. Có lúc thiu thiu ngủ được thì lại bị lều đập bốp vào người, do tôi nằm ngay phía ngoài, thế là giật mình tỉnh. Tự hỏi lòng mình bao giờ thì sẽ hết đêm? 😂

Tôi nhớ lúc ăn lẩu, thấy có ánh lửa xa xa phía trong rừng, hỏi mọi người thì được biết đấy là lửa các bạn porter theo đoàn đốt lên nhằm xua thú dữ và trừ tà (dù trong rừng chẳng có lấy một bóng động vật ngoài con chó cứ lẽo đẽo theo chúng tôi). Thế là tâm trí tôi cứ bay bổng theo tiếng gió, tưởng như ánh lửa còn lập lòe đâu đây, sợ đến mức không dám dậy để giải quyết nỗi buồn. Hóa ra cũng có lúc yếu đuối thế tôi ơi 😭

Sáng sớm hôm sau nói chuyện cùng các thành viên khác mới biết, đêm qua ai cũng khó ngủ. Người vì lạnh, người đau lưng, người sợ gió, người buồn vệ sinh nhưng chẳng dám đi (giống tôi)… Mỗi người một vẻ, tựu chung lại thì đều vô cùng đáng nhớ. Nói như vậy không phải để dọa bạn, đơn giản vì chúng tôi chưa quen cảnh này, chứ các bạn porter ngủ ngon lành ấy. Hoặc lần sau đi, chúng tôi sẽ chuẩn bị các phương án dự phòng để ngủ ngon hơn: đeo nút chống ồn vào tai, mặc thêm áo ấm, buồn đi vệ sinh thì cứ đánh thức thằng bên cạnh đi cùng, lót đệm dày hơn cho khỏi đau lưng, v.v… 

Bữa sáng có tới 3 món cho mọi người lựa chọn: cháo gà nấu từ tối hôm qua, bánh bao do chị Vinh tự làm ở nhà mang đi cho đoàn, mì tôm nấu tại chỗ. Chẳng có bàn ghế nên ai cũng đứng ăn như tiệc buffet. Vừa ăn vừa tranh nhau kể lại cảm giác mình đã trải qua trong đêm rồi cười ha hả vì thích thú.

Chúng tôi bắt đầu xuống núi lúc 7h30, sau khi đã thu dọn đồ và rác cá nhân. Đội porter sẽ dọn dẹp sạch sẽ khu nghỉ và đi sau.
Lên và xuống cùng là một đường. Vì vậy hôm qua lên dốc, nay sẽ là xuống dốc. Dốc càng cao càng dễ trượt ngã, đặc biệt khi mọi người đã mỏi chân sau một ngày dài đi bộ. Em Nam hướng dẫn viên theo sát chúng tôi, chỉ cho chúng tôi cách đặt gót chân xuống trước thay vì mũi chân, hoặc đi ngang thay vì đi dọc. Như vậy sẽ giúp giảm tốc và bước đi nhẹ nhàng hơn.

Lên núi đã khó mà đi xuống cũng chẳng dễ chút nào
Nắng nhảy nhót trên lá, trên vai chúng tôi

Trên đường quay về, cả đoàn thư thả hơn. Ai chưa kịp chụp những góc ảnh lạ thì nay sẽ chụp bù. Nhưng vào buổi sáng nắng chưa lên cao nên không thể rực rỡ như lúc chiều được.

Rừng Samu
Bức ảnh ngẫu hứng mà tôi rất thích
Chụp lại bức ảnh với cây đào rừng đỏ rực
Dưới bóng cây sơn tra
Hoa sơn tra nở trắng muốt

Gọi là hoa sơn tra cho thơ mộng, lãng mạn, chứ tên thân quen của nó là táo mèo. Sở dĩ tôi nhất quyết phải chụp một bộ ảnh ở cây này vì tôi nhớ tới truyện Cùng anh ngắm hoa sơn tra đã lấy đi của tôi bao nhiêu là nước mắt. Nên cứ ấp ủ một ngày sẽ đứng trước cây sơn tra chụp 7749 kiểu ảnh cho thật đã.

Tadaaaa, cuối cùng cũng về tới khu nghỉ rồi!

Lúc này là 10h, vừa đúng giờ dự định trong chương trình. Kết thúc hành trình 2 ngày trek trong rừng Samu ma mị.

7. Những điều ấn tượng nhất trong chuyến đi trek rừng Samu

Trên chuyến xe quay về Hà Nội, đại diện bên tổ chức tour đặt cho chúng tôi câu hỏi: 3 điều bạn ấn tượng nhất về chuyến đi trek rừng Samu là gì? Mỗi người lần lượt chia sẻ những điều mà bản thân thấy nhớ nhất.
Với tôi, không chỉ có 3 điều, có quá nhiều ấn tượng không thể nào quên được, khác hẳn với những lần đi trek trước đây.

7.1 Vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng

Trước khi lên đường, anh Phong đã nói với tôi: “Chắc chắn mọi người sẽ phải ú òa suốt dọc đường đi vì cảnh núi rừng quá đẹp”.

Cứ tưởng anh quá lời, ai ngờ là thật, mà lại còn hơn cả thế. Samu đẹp từ gốc cây, ngọn cỏ, từ lớp lá khô nằm trên mặt đất hay lớp rêu phong bám trên thân cây. Đi được một đoạn tôi lại thầm thán phục trong lòng, hay có lúc không kìm được mà kêu ầm lên: Đẹp quá!

Ảnh chụp bao nhiêu cũng không thể lột tả được hết vẻ đẹp của thiên nhiên. Chỉ có thể thu vào tầm mắt và lưu lại trong ký ức những hình ảnh tuyệt vời ấy. 

Thiên nhiên thật hùng vĩ

7.2. Người bạn dẫn đường thân thiện

Điều tiếp theo phải kể đến chú chó đen bé nhỏ, người dẫn đường thân thiện của chúng tôi mà tôi đã nhắc tới ở trên. Chú chó theo chúng tôi từ đầu tour cho tới ngày hôm sau, tận khi kết thúc hành trình. Chú cứ chạy lẽo đẽo phía trước. Khi chúng tôi nghỉ nó cũng nằm nghỉ. Khi chúng tôi đi thì nó mới bắt đầu đi. Có lúc tôi đứng lại chụp ảnh một lúc lâu, tự dưng thấy chú chó đã đi xa lại quay về dưới chân tôi như thể đi tìm tôi. Tôi xoa đầu nó, bảo: “nào, đi nào, tao đây rồi”. Và rất bất ngờ, nó vẫy đuôi quay lưng đi trước tôi, tiếp tục dẫn đường cho tôi.

Những lúc đoàn ngồi ăn, nó lặng lẽ ngồi 1 bên rất ngoan, không đòi hỏi, không kêu gào, ai cho gì ăn nấy.

Tôi vốn không phải fan của chó, nhưng cũng vô cùng bất ngờ trước sự dễ thương của chú chó này. Thậm chí tôi có thể dễ dàng xoa đầu nó, cho nó ăn mà không sợ nó cắn. Lần đầu tiên tôi đi rừng mà có một người dẫn đường khác lạ như vậy.

Người bạn đường thân thiện của chúng tôi

7.3. Câu chuyện tán gái của chàng trai người H’mông

Đây là câu chuyện do bạn Nam – hướng dẫn viên của đoàn chia sẻ, khiến chúng tôi cười không dừng. Chuyện kể rằng:

Người H’mông gặp gỡ, làm quen và yêu nhau nhanh lắm. Ngày thứ nhất cho hai cái cầm dao gặp nhau (tức là nắm tay nhau). Ngày thứ hai cho hai cái ăn cơm gặp nhau. Ngày thứ ba cho hai cái đi đái gặp nhau. Thế là nên duyên chồng vợ. Bạn tự suy luận xem cái ăn cơm và cái đi đái là gì nhé.😄
Có anh hướng dẫn viên lên bản, cũng học theo cách của người H’Mông, thế là được cô vợ, ở lại luôn bản không về xuôi nữa. 
Cứ tưởng chuyện thế là thôi. Một ngày anh hướng dẫn đi đoàn khách, có người porter là người H’mông, trong đoàn khách lại có cặp đôi là hai nam. Thế là bạn porter người Mông, với giọng Mông đặc sệt đã nói đầy cảm thán: Ôi không được đâu, thế là cho cái đi đái gặp cái đi ị à, ôi người Kinh chúng mày lạ quá…

Chúng tôi đã cười bò ra, chảy cả nước mắt, nhất là khi chuyện được kể bằng giọng H’Mông lơ lớ. Trong ánh lửa bập bùng, giữa đêm khuya, tiếng cười bay vọng ra xa, hòa vào tiếng gió lạo xạo.

Trek rừng Samu
Các bạn H’mông vác đồ rất khỏe, cũng là những người chăm lo hậu cần cho đoàn, mang tới nhiều câu chuyện thú vị.

7.4. Lần đầu được đeo huy chương 

Hầu hết các chuyến đi trek trước đây của tôi như chinh phục Fansipan, Tà Năng – Phan Dũng, Cao Bằng, Tà Chì Nhù… đều là anh em bạn bè rủ nhau đi, do đó tôi chưa từng được biết thế nào là có huy chương mang về.

Lần này đi theo tour, lần đầu tiên được trải nghiệm có người đeo cho mình tấm huy chương, bắt tay và “chúc mừng bạn đã chinh phục thành công đỉnh Samu”. Tự dưng cũng có cảm giác chinh phục thật sự, tự hào và lâng lâng vui sướng.

Nhận huy chương chinh phục đỉnh Samu thành công
Cận cảnh chiếc huy chương vàng lóng lánh 😀

7.5. Bữa lẩu ngon nhất một lần ở độ cao hơn 2000m

Tin được không, ở giữa rừng già với độ cao hơn 2000m, nơi không có suối, không có nguồn nước, vậy mà chúng tôi đã được thưởng thức bữa lẩu nóng hổi thơm ngon. Rau tươi roi rói, thịt mềm, ngô ngọt, xúc xích, nấm, đậu phụ… Toàn những thứ đơn giản nhưng sao lại ngon đến lạ? 
Đội porter đã phải chuẩn bị từ trước khi đi. Tất cả các nguyên liệu đều được sơ chế sạch sẽ, cho vào túi mang lên. Tới nơi chỉ nhóm bếp và nấu nước lẩu.

Quả thực là bữa lẩu đáng nhớ, nói theo cách của đoàn chúng tôi thì là bữa lẩu ngon nhất một lần!

7.6. Thưởng thức rượu vang nóng giữa núi rừng

Uống rượu vàng thì ai cũng từng uống, nhưng uống rượu vang giữa núi rừng, lại được đun trên bếp thì chắc chắn không phải ai cũng biết. Nhờ tay nghề điêu luyện của anh Nam Phong, chúng tôi đã được thưởng thức cốc rượu vang có một không hai.

Thực ra đây chính là món vang nóng (Mulled wine) gồm rượu vang đỏ pha với các nguyên liệu như cam, quế, hồi, nụ đinh hương rồi đun nóng lên. 
Đầu tiên phải gọt lấy vỏ cam, vắt lấy tinh dầu (nước cốt từ vỏ cam). Quả cam đã gọt được vắt lấy nước mang đi đun nóng. Các nguyên liệu khác như quế được bóp nhỏ, bỏ vào nồi nước. Khi nước đã sôi thì cho rượu vang vào, rồi thêm tinh dầu cam. Vậy là sẽ được vang nóng thơm lừng.

Nói thì đơn giản nhưng thực tế thì không hề dễ chút nào do phải canh lửa cho nước đun tới nhiệt độ vừa phải. Tất cả các nguyên liệu đều có tỉ lệ chứ không phải thích cho bao nhiêu thì cho. Tôi đứng nhìn anh Phong loay hoay chế biến, nếm thử rượu, lấy thùng giấy quây bếp ga để che gió, rồi lại chờ cho nước hạ nhiệt để đạt nhiệt độ chuẩn… thì tự biết mình sẽ chẳng bao giờ có thể làm được món này. Thôi thì đành mang hết sức ra uống để không phụ công người chế biến.

Cùng nhau thưởng thức rượu vang nóng

7.7. Những người bạn đồng hành đáng mến

Đi đâu không quan trọng, quan trọng là đi với ai. Nghĩ lại thì điều này chẳng sai chút nào.
Đoàn chúng tôi có 16 người, 16 bông hoa màu sắc khác nhau, có lạ có quen. Chỉ sau những giây phút bỡ ngỡ ban đầu mọi người đã có thể nói chuyện rôm rả, trêu đùa nhau đầy hài hước. 

Nhiều khoảnh khắc đáng nhớ là do những người bạn đường mang lại. Sự mệt mỏi tan biến nhờ nghe chuyện cười bạn kể. Bữa ăn đạm bạc trở nên ngon miệng bởi có bạn quây quần. Đến được đích dễ dàng là vì có bạn động viên mọi lúc. Có ảnh đẹp mang về vì bạn không quản mệt mỏi lăn lê trên đất bấm máy nhiệt tình.

Nhờ vậy có những thành viên chưa từng đi chuyến trek nào, trước ngày lên đường con lo lắng không thôi, nhưng đã xuất sắc về đích, thậm chí về top đầu.

Cảm ơn tất cả các bạn đã cùng tôi đi trek rừng Samu và cho tôi những kỷ niệm đáng giá. 

Quan trọng là đi với ai 😍
Trek rừng Samu
Hỏi ảnh đẹp ở đâu mà ra? 😀

8. Đặt tour trek rừng Samu ở đâu?

Nắng rọi rừng Samu là tên gọi do XAdventures đặt cho cung trek rừng Samu Tà Xùa. Đây cũng là đơn vị đầu tiên tìm ra cung trek này, lấy tên Samu để đặt cho khu rừng. 

Theo lời anh Nam Phong, rừng Samu rất dễ đi lạc. Dù anh đã đi nhiều lần, nhưng mỗi lần quay lại đều thấy một vẻ đẹp khác của núi rừng. Và nếu đi đường không cẩn thận cũng sẽ bị lạc. Bởi vậy anh còn gọi Samu là khu rừng ma mị.

Bạn có thể liên hệ trực tiếp XAdventures qua Fanpage Facebook để được trải nghiệm hành trình khám phá rừng Samu. 

Vác cờ đoàn của XAdventures tung tăng lên đỉnh

9. Giá tour trek rừng Samu là bao nhiêu? 

Chi phí cho toàn bộ hành trình 3 ngày như của chúng tôi là 4,8 triệu/người, với các dịch vụ bao gồm như sau: 

  • Xe riêng với lái xe thông thạo địa hình miền núi.
  • Hướng dẫn viên nhiều kinh nghiệm, có thẻ hướng dẫn và được đào tạo sơ cứu
  • Porter khuân vác lương thực, hành lý và trợ giúp leo núi (tiêu chuẩn 2 khách/ porter) 
  • Giấy phép thăm quan 
  • Các bữa ăn: gồm 5 bữa chính với Bữa tối ngày đầu BBQ lợn quay tại Homestay, bữa tối ngày 2 với Lẩu gà nóng hổi giữa rừng. Các bữa ăn với đặc sản địa phương theo chương trình. 
  • Lưu trú 1 đêm đầu tiên tại Homestay Tà Xùa, phòng cộng đồng  
  • Lều ngủ đêm kín gió, túi ngủ ấm cho đêm cắm trại trong rừng 
  • Nước uống và đồ ăn nhẹ khi leo núi 
  • Bảo hiểm du lịch 
  • Trang bị đầy đủ các dụng cụ phục vụ trekking: găng tay chống trơn, áo mưa, xà cạp, cung cấp gậy leo núi.

Chúng tôi chỉ việc chuẩn bị đồ cá nhân kèm theo sức khỏe tốt cùng một tâm hồn đẹp để lên đường.😍 

Mọi thứ đã có XAdventures lo hết, mình chỉ việc tận hưởng thế này thôi 😌

10. Ai có thể đi trek rừng Samu?

Trong đoàn chúng tôi có 4 người chưa từng đi trek hay leo núi bao giờ, trong đó có 3 người đã ở ngưỡng 40 tuổi và 1 bạn sinh viên sinh năm 2004, thậm chí một chị còn có vấn đề về sức khỏe nên trước ngày lên đường câu hỏi: “Liệu mình có đi nổi không” luôn là vấn đề được quan tâm nhiều nhất.

Chúng tôi đã động viên nhau, cùng giữ một tinh thần lạc quan, hãy vừa đi vừa lắng nghe cơ thể mình, rồi sẽ về đến đích. 
Anh Phong cũng nhiều lần giải thích cho chúng tôi rằng cung này rất dễ, chỉ có một đoạn leo dốc tương đối khó, còn lại giống đi bộ trên đường mòn trong rừng. Mọi người có thể sẽ hơi bị ngợp ở phần đầu, vì vừa vào cung là đã phải lên dốc rồi, nhưng sau đó sẽ dễ chịu hơn. 

Thực tế đúng như vậy. Toàn bộ phần đầu khá mất sức do phải leo lên cao. Nhưng khi đó tinh thần ai cũng đang còn hăng hái, hào hứng, nên đã dễ dàng vượt qua. Và đoạn sau thì lại đẹp quá, nên vừa đi vừa chụp ảnh vừa tận hưởng thiên nhiên cũng giảm bớt đi mệt mỏi.

Cho tới khi kết thúc chuyến đi, tất cả đều vui vẻ, tự hào: mình đã thành công rồi!

Bạn hãy yên tâm, chỉ cần bạn có sức khỏe ổn định, chịu khó luyện tập một chút như tôi đã nói ở phần trên, bạn hoàn toàn đi được cung này. Đây là cung trek dễ, dành cho người mới bắt đầu, nói văn vẻ như chúng tôi là “cung đường dành cho người già, phụ nữ có thai và trẻ em mới lớn”.

À, trêu nhau vui như vậy thôi, không có nghĩa là trẻ em cũng đi được nhé. Cá nhân tôi thấy trẻ em từ 12 tuổi nếu đã được rèn luyện đi trek, có thói quen tập luyện thể thao hằng ngày thì mới có thể trải nghiệm. Giống như lần leo Tà Chì Nhù, tôi đã vô cùng bất ngờ khi gặp một bé lớp 5 leo cùng bố, khỏe mạnh và dẻo dai hơn nhiều người trưởng thành. Các bé nhỏ tuổi chỉ quen đi nhẹ nhàng thì sẽ không thích hợp theo cung này đâu.

Đang mệt mà bảo chụp ảnh là cũng diễn được ngay 😀

11. Làm thế nào để bảo vệ vẻ đẹp của rừng Samu?

Tôi nhớ lần mình đi bộ trong bản Hang Đá trên Sapa, thấy vô cùng yêu thích vẻ đẹp yên bình của bản làng và tự dưng nảy sinh suy nghĩ giá có thể giấu nơi này đi để không ai biết tới, để nó mãi hoang sơ như vậy. 

Lần này đi vào rừng Samu, tôi đôi lúc cũng có suy nghĩ ấy. Nhưng như vậy hẳn rất ích kỷ, vì thành độc chiếm cái đẹp cho riêng mình. Làm thế nào để tất cả mọi người cùng được khám phá thiên nhiên hùng vĩ mà lại không làm ảnh hưởng tới thiên nhiên?

Suốt dọc đường đi trek, bạn Pao – hướng dẫn viên người Mông của đoàn luôn nhắc chúng tôi đừng vứt rác, hãy bỏ rác vào túi. Hay buổi sáng trước khi xuống núi, anh Lượng – thành viên trong đoàn, đã lặng lẽ đi thu gom rác bỏ vào túi. Mọi người ăn uống gì cũng đều nhét luôn rác vào túi của mình để có thể bỏ vào đúng chỗ. Đó chỉ là một trong những hành động rất nhỏ nhằm giúp cho Samu không bị rác hóa như nhiều cung trek khác. 

Rừng Samu Tà Xùa vẫn còn rất hoang sơ

Tôi vẫn nhớ những lời bạn Phương chia sẻ trên chuyến xe về cảm giác khó chịu của bạn khi thấy mọi người trèo cây chụp ảnh, và lúc bạn bị cuốn theo sự hào hứng của mọi người nên cũng trèo lên cây. 
Tôi cũng nhớ lại tuổi thơ dữ dội của mình, những lần tôi trèo cây thoăn thoắt, ngồi vắt vẻo trên cành cây, mắt lim dim tận hưởng sự mát mẻ của gió, thấy mình như được thiên nhiên ôm trọn. 
Bởi vậy khi đứng trước những tán cây xanh rì giữa rừng, tôi như được trở về với tuổi thơ, được sống lại những thời khắc vô tư nhất.
Tôi không biện minh gì cả, sự thực là tôi đã trèo lên cây rồi. Và tôi không thể quay trở lại thời điểm đó để ngăn tôi của lúc ấy. Đôi khi cảm xúc đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của lý trí.

Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người đều trèo cây? Tôi thực sự mong rằng, sẽ không còn ai lặp lại sai lầm của chúng tôi, để sau không còn phải áy náy về điều mình đã làm. Muốn chụp ảnh thì sẽ chỉ chọn những gốc cây đã khô gãy, hoặc ngồi ở những rễ cây to nổi sát mặt đất. Tất cả cùng chung tay giữ cho khu rừng được trường tồn. 

Cũng chắc chắn một điều, khi nhiều người đi trek rừng Samu, đường đi sẽ ngày càng thành hình thành lối, rồi theo nhu cầu có thể sẽ có lán ngủ được dựng lên, mọi thứ sẽ thay đổi, chỉ mong mọi người đi rồi đừng để lại rác, chỉ để lại dấu chân đúng như tất cả vẫn hay hô hào.

Không để lại gì ngoài những dấu chân (Ảnh: Nam Phong)

Khi viết tới đây, cốc cà phê của tôi cũng cạn. Tự dưng thèm được uống lại cốc cà phê nóng hổi giữa rừng dù chỉ là cafe hòa tan. Thèm được nghe tiếng gió rít lên từng hồi và nghe tiếng cười giòn tan của bạn đồng hành.

Rồi một ngày tôi sẽ trở lại rừng Samu, để một lần nữa trek rừng Samu cho thỏa niềm yêu thích!

Hẹn gặp lại nhé, Samu!





11 thoughts on “Tour trek rừng Samu Tà Xùa: 1001 những điều bạn nên biết

    • Hoa Chio says:

      Đoàn tôi đi vào 10-12/2 mà đỗ quyên đã rụng nhiều lắm rồi bạn ơi. Trong bài có ảnh xác hoa đỗ quyên đó.
      Nên sang tháng 3 thì chắc chỉ còn cây với lá thôi😅.
      Mà cung này không nhiều đỗ quyên đâu, chỉ có một ít chỗ Háng Bờ La, toàn cây cao vút, ngẩng mỏi cổ mới thấy hoa 😅

  1. Hoa Chio says:

    Mỗi bức ảnh hơn chục Mb, thậm chí có bức >30Mb, tổng hơn 8Gb ảnh cho chuyến đi có 3 ngày 😀
    Ảnh trong bài là đã được resize giảm dung lượng ảnh khá nhiều, thành ra hơi nhòe. Các bạn hãy đi để trải nghiệm thực tế nhé.

    • Hoa Chio says:

      Mình đi về lại muốn đi nữa. Cung Samu không quá khó mà đẹp quá trời luôn. Đợt mình đi là cung này chưa nổi lắm, nên còn rất vắng. Năm nay thấy mọi người đi đông dữ luôn.

    • Hoa Chio says:

      Thực tế còn đẹp hơn nhiều ấy bạn. Mình resize ảnh nhiều nên ảnh bị mờ đi rồi. Với lại trình chụp ảnh của mình cũng còi nên chẳng diễn tả hết được thực tế hehe.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *