Mũi Đôi, còn được gọi là Mũi Bà Dầu, thuộc bán đảo Hòn Gốm, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ngay sau khi được khám phá, căn cứ vào tọa độ của Mũi Đôi, người ta đã công nhận đây là điểm cực đông của tổ quốc và một chóp inox đã được gắn lên Mũi Đôi khắc tọa độ của điểm. Việc này đã gây tranh cãi khá nhiều do trước đó Mũi Đại Lãnh (Phú Yên) đã được coi là điểm cực Đông của nước ta, thậm chí gần ngọn hải đăng Mũi Điện còn có tấm bảng lớn bằng đá hoa cương ghi rõ “Nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam”. Vậy là mặc dù đã có những số liệu cụ thể, nhưng mỗi người lại ghi nhận một Cực Đông khác nhau. Không biết bạn chọn Mũi Đôi hay Mũi Điện?
Cá nhân tôi chọn Mũi Đôi, bởi sau khi trải qua hành trình chinh phục Mũi Đôi đầy gian khổ, đứng giữa mênh mông trời biển, ngắm những vệt sáng mờ mờ đầu tiên trong ngày, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc vô cùng, niềm tự hào khi đã vượt qua chặng đường khó khăn, khiến tôi cứ mãi muốn đứng hít gió gió biển và tắm mình trong nắng. Trong khi đó hành trình đến Mũi Điện quá dễ dàng khiến tôi ngoài việc nheo mắt vì nắng gắt và chụp vội vài kiểu ảnh xung quanh thì chẳng thấy có cảm giác thành tựu gì. Mũi Đôi, nó là phần thưởng xứng đáng cho những người quả cảm, xứng đáng là điểm cực đông của tổ quốc.
Trong bài này tôi sẽ kể cho các bạn hành trình chinh phục Mũi Đôi của nhóm chúng tôi và chia sẻ với các bạn những kinh nghiệm quý giá để chuẩn bị cho chuyến đi này.
Tóm tắt nội dung
Chinh phục Mũi Đôi vào thời điểm nào?
Rất nhiều bài viết trên mạng khuyên chúng ta nên đi Cực Đông vào khoảng đầu năm, tức là trong khoảng tháng 1 tới tháng 4 vì khi đó thời tiết còn mát mẻ, các bạn đi sẽ không mất sức.
Tuy nhiên theo những người dẫn đường dày dạn kinh nghiệm thì từ tháng 5 hết tháng 8 mới là khoảng thời gian đẹp để chinh phục Mũi Đôi. Đây là giai đoạn mùa hè, nắng rất mạnh, nhưng biển lại rất đẹp, vô cùng đẹp, thời tiết thì cực kỳ thuận lợi để ngắm bình minh. Tất nhiên vẫn có một phần trăm nhỏ những người kém may mắn gặp hôm nhiều mây, che mất ánh mặt trời. Khoảng thời gian đầu năm tuy mát nhưng sáng sớm trên biển hay bị mây che khiến bạn không thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của bình minh.
Từ tháng 9 đến tháng 12 là mùa mưa, biển động nhiều, không thích hợp để đi Mũi Đôi.
Tổng kết lại:
- Tháng 1 – tháng 4: thời tiết mát mẻ thích hợp cho đi bộ, nhưng biển lại hay nhiều mây ảnh hưởng tới việc ngắm bình minh
- Tháng 5 – tháng 8: mùa hè nóng nực, đi bộ rất mệt, nhưng biển đẹp, trời đẹp, thuận lợi ngắm bình minh
- Tháng 9 – tháng 12: mưa nhiều, biển động, tốt nhất nên ở nhà.
Chuẩn bị những gì cho chuyến đi?
Danh sách dưới đây chỉ là đồ cần cho chuyến đi 1 ngày 1 đêm chinh phục Mũi Đôi, không phải là check list cho cả hành trình dài 4, 5 ngày đâu nha.
- Áo mưa + áo mưa che balo
- 1 bộ đồ thay, chọn quần thun gọn nhẹ
- Ví tiền + giấy tờ cá nhân (ngoài đảo thì chả có chỗ tiêu tiền đâu, nhưng vẫn phải mang đi phòng thân thôi)
- 1 đèn pin (nên sử dụng loại đeo trên đầu)
- Pin dự phòng
- Khoảng 3l nước lọc (xách 2 chai nước khoảng loại 1,5L là ok)
- Đồ ăn vặt dọc đường + nước ngọt, nước tăng lực tùy cá nhân (tốt nhất nên mua 1 túi lương khô + hộp kẹo cafe để ngậm lúc mệt).
- Bàn chải – kem đánh răng. Với con gái thì đồ sẽ lỉnh kỉnh hơn với sữa rửa mặt, kem dưỡng da, v.v…
- Mũ rộng vành, khăn choàng chống nắng, áo chống nắng, kem chống nắng, kính râm, kem chống nắng (ai mà da trâu không sợ muỗi thì không cần mang cái này)
- Găng tay (cái này để làm gì thì đọc cuối bài sẽ rõ nhé)
- Đồ bơi, khăn lau người. Có thể thêm 1 đôi tông đi biển.
- Thuốc cá nhân cơ bản: viêm mũi, đau dạ dày, men tiêu hóa
- Giày có độ bám tốt, êm chân tránh các loại giày thời trang hoặc dép cứng làm đau gót chân.
- Máy ảnh đã sạc đầy pin
- Cuối cùng là điện thoại. Cái này quan trọng nha, mặc dù gần hết chặng đường là không có sóng, nhưng điện thoại dùng nghe nhạc, chụp ảnh, chiếu đèn trong đêm, rất nhiều tác dụng đó.
Nhìn có vẻ nhiều đồ nhưng cũng chỉ bỏ gọn trong 1 balo bé xinh thôi đó.
Có nên thuê người dẫn đường chuyên nghiệp?
Câu hỏi này cũng gây tranh cãi khá nhiều. Không ít phượt thủ quá tự tin vào năng lực bản thân cho rằng có thể tự đi ra Mũi Đôi. Tôi tin điều đó là có thể làm được, nhưng sẽ tốn thời gian hơn gấp nhiều lần, và cũng rủi ro hơn gấp bội. Do đó, tôi ủng hộ việc thuê người dẫn đường chuyên nghiệp. Điều đó sẽ giúp tôi:
- Tiết kiệm thời gian, chi phí cơ hội
- Được hướng dẫn chi tiết về hành trình đi, những điều nên/không nên, được đảm bảo an toàn
- Không phải lo về đồ ăn, chỗ ngủ vì người dẫn đường họ sẽ lo trọn dịch vụ luôn
- Cơ hội để biết thêm rất nhiều về cuộc sống của người dân địa phương thông qua những câu chuyện kể của người dẫn đường
Nhóm chúng tôi rất may mắn vì đã có được 2 người dẫn đường tuyệt vời. Tuy họ cá tính tới mức lập dị, nhưng sự nhiệt tình, thân thiện, am hiểu của họ đã khiến hành trình của chúng tôi trở nên thú vị vô cùng.
Đi Mũi Đôi thôi!!!
Chúng tôi đến Đầm Môn lúc 10h15. Nắng đã chói chang lắm rồi.
Dương, người chuyên dẫn tour Mũi Đôi, đón chúng tôi với nụ cười tươi rói. Dương là người quen của hai cô em trong nhóm nên mọi người làm quen cũng nhanh hơn. Đi cùng Dương và chúng tôi là Duy, biệt danh là Chiếp Chiếp (cái biệt danh đầy nữ tính này khiến chúng tôi ai cũng buồn cười, nhưng cũng không phải là không có cơ sở. Trong cuộc hành trình chúng tôi đã cơ hội kiểm chứng điều đó).
Chúng tôi ăn cơm tại quán cô Mai ngay cổng chợ. Hình như đây là quán cơm bình dân duy nhất ở khu đó, vì tôi nhìn quanh không thấy có quán nào khác. Mọi người xung quanh cũng đổ về quán ăn. Bữa cơm đầu tiên nhanh chóng kết thúc, theo lời khuyên của Dương, mọi người đều ăn thật no, sẵn sàng cho cuộc chiến sắp tới.
Sau bữa trưa, Dương và Duy mang vali của chúng tôi đi gửi. Mỗi người chỉ xách 1 balo gọn nhẹ với đồ đạc cần thiết nhất như đã kể ở trên, kèm theo 1 chai nước 1,5L. Còn lại là Dương và Duy mang hết. Nhìn hai bạn đeo 1 balo to đùng mà thấy nể. Tôi lại nhớ lần leo Fanxipan, chúng tôi mỗi người 1 balo bé tí, còn các bạn porter thì gùi nặng trĩu lưng.
Chúng tôi nấn ná chờ cho qua chính ngọ, xuất phát lúc 12h15. Nếu mẹ tôi mà ở đây thì kiểu gì cũng mắng chúng tôi là khùng, giữa trưa dắt nhau đi vượt đồi cát. Mới đầu nhìn trời nắng chúng tôi cũng thấy sợ. Nhưng đi là đi, xách balo và cất bước!
Cát trải dài dưới chân chúng tôi, bốn bề là cát, không có bóng cây, không có nhà nghỉ. Chỉ có mây, trời, nắng, cát. Chúng tôi chọn hành trình đi bộ chứ không sử dụng xe máy chút nào. Tổng cộng khoảng 13km đường bộ.
Mới đi được một lúc thôi mà chúng tôi đã cảm nhận được cái nắng nóng mãnh liệt. Bước chân chầm chậm không còn hăng hái như khi mới bắt đầu. Nhưng vẫn chăm chỉ chụp ảnh lắm. Vì tuy nắng, nhưng cảnh rất đẹp. Đặc biệt là khi bắt đầu xuống đồi cát chuẩn bị đến điểm nghỉ nhà chú Năm, chúng tôi đã phải trầm trồ xuýt xoa khi biển hiện ra trước mặt một màu xanh ngắt. Sóng biển trắng xóa vỗ xì xoạp vào bờ cát. Cảnh đẹp khiến người ta mê mẩn.
Nhà chú Năm là điểm nghỉ lý tưởng cho khách đi Mũi Đôi. Gọi là nhà nhưng đấy chỉ là một căn lán nhỏ giản đơn nằm kề bờ biển. Quán nước của chú nép dưới bóng những cây dứa dại, gió thổi qua mát lạnh. Đặt lưng xuống võng nằm mấy phút mà chỉ muốn ngủ một giấc.
Sau khi thưởng thức nước chanh muối của chú Năm, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Lại vượt qua đồi cát, lên núi, xuống núi, lại lên, lại xuống. Chúng tôi đến nhà chú Ba, điểm dừng chân tiếp theo. Tiếc là chú Ba đi biển nên không có nhà. Theo lời của Dương, thì chú Ba chính là người đầu tiên vác cái chóp inox đánh dấu tọa độ lên Mũi Đôi. Chú cũng hay dẫn đoàn đi Cực Đông. Ở nhà chú có một đống vỏ chai nhựa rất to, nói như Dương thì chú phải nhặt về nếu không người ta cứ đi theo dấu vỏ chai nhựa là tới Cực Đông thì chú mất nghề còn đâu. Nói vui vậy thôi nhưng đủ để thấy dân phượt mình bỏ lại rác trên hành trình chinh phục Cực Đông nhiều như nào. Thực tế tôi cũng đã được thấy rất nhiều vỏ chai bị bỏ lại trên dọc đường đi. Thật tiếc!
Chúng tôi tiếp tục vượt núi. Đoạn hành trình tiếp sau chỗ nghỉ nhà chú Ba có thể gọi là mất sức nhất, vì phải leo lên liên tục. Cuối cùng cũng được xuống núi và 17h15 thì chúng tôi về tới bãi cắm trại sát bờ biển, gọi là bãi Rạng. Có thể cắm trại ở Eo Gió cách đó không xa, nhưng vị trí không đẹp bằng.
Cả dọc bờ biển chỉ có nhóm 7 người chúng tôi, không có điện, không có tivi, không có sóng điện thoại. Hệt như Robinson ngoài đảo hoang! Cảm giác thật kỳ diệu.
“Các chị đi giữa tuần thế này là may đấy, chứ cuối tuần thì đông người lắm”, Duy vừa dựng lều vừa quay ra nói với chúng tôi. Ừ, tôi cũng thấy may, chứ đông người quá tôi lại không thích.
Dựng lều xong, Duy lúi húi nấu ăn, mùi thơm của mực nướng, tôm nướng nhanh chóng lan khắp bờ biển. Trong khi đó Dương kiếm đâu ra hai cột tre chôn xuống đất, rồi lại lấy từ trong balo ra hai dây đèn, chăng từ lều ra cột tre, tạo thành hình vuông vắn.
Chúng tôi vẫn tò mò nhìn Dương làm, không hiểu sẽ lấy gì để thắp sáng đèn khi không có điện. Lại thấy em mò trong balo ra hai cục pin dự phòng, cắm vào đầu dây đèn, thế là bùm, ánh sáng đủ màu sắc hiện ra khiến khung cảnh bỗng chống trở nên huyền ảo. Chưa hết, cậu chàng còn lăng xăng ôm về một đống củi, khom mình đốt lửa, trải bạt ngay trước lều. Thế là ngay giữa màn đêm đen sẫm giữa biển, chúng tôi chính thức có bữa tối vô cùng ấn tượng.
Đây cũng là một trong những ưu điểm khi thuê người dẫn được. Nếu các bạn tự đi tôi dám chắc các bạn sẽ không thể mang được nhiều đồ và tạo được khung cảnh lãng mạn như vậy.
Bãi biển này là khu cắm trại dành cho dân đi Mũi Đôi. Tại đây anh em hướng dẫn viên đã chung tay xây 1 căn bếp nhỏ đựng đồ ăn uống và dụng cụ nấu ăn để phục vụ cho các đoàn. Lán có để sẵn các can nước ngọt mà anh em huống dẫn đã vận chuyển vào,được bán với giá 40k/can 20L. Khan hiếm như vậy nên không có chuyện bạn tắm rửa thỏa thích, rửa mặt thỏa thuê đâu nhé. Vì việc vận chuyển nước vào đó cũng không dễ chút nào, nên mọi người chỉ cần ít nước ngọt tráng qua người sau khi tắm biển hoặc rửa mặt đánh răng thôi. Khi đã ở trên đảo hoang này thì hãy vứt hết những nguyên tắc vệ sinh sạch sẽ của bạn đi và làm quen với cuộc sống hoang dã nhé 😀
Đêm ấy, gần 11h chúng tôi mới ngủ, sau khi đã được cười đã đời vì những ca pha trò của hai bạn dẫn đường cùng với tiếng đàn ghi ta bập bùng của hai bạn và ánh sáng huyền ảo hắt ra từ đống lửa. Cả nhóm đều bị ám ảnh bởi điệu nhảy hoang dã cũng như giọng hát có một không hai của hai người.
Trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ trước nay chưa từng có!
Chúng tôi thức dậy từ 3h30 để chuẩn bị đi đón ánh mặt trời. 4h chúng tôi xuất phát. Balo để lại trong lều. Chúng tôi chỉ mang máy ảnh, điện thoại, ví tiền. Băng qua con đường mòn chúng tôi bắt đầu nhảy ghềnh. Gọi là nhảy ghềnh (thực ra chính là nhảy đá) vì toàn bộ phần cuối hành trình này là những hòn đá nhấp nhô, để vượt qua được thì người ta cứ nhảy từ tảng này sang tảng khác. Đấy là với người đi quen, chứ với chúng tôi thì phải dò dẫm từng tí một, có những đoạn phải bò hoặc chui qua lỗ như cún. Trời tối mịt chỉ có ánh đèn pin soi lối, càng làm tăng cảm giác phiêu lưu. Với các bạn lần đầu đi cung này thì chuẩn bị thêm găng tay để khi bám vào đá không bị rát. Nhóm chúng tôi toàn chị em tay yếu chân mềm nên bị xước rát đỏ 2 bàn tay đó.
Khi chúng tôi đến mỏm Mũi Đôi thì những tia nắng đầu tiên trong ngày đã lấp ló. Tiếc quá đúng ngày nhiều mây nên chân nắng đã bị che đi nhiều. Để leo lên chỗ chóp inox thì phải trèo lên cái thang dây đu mình trên vách đá. Đó quả là thử thách lớn vì không phải ai cũng đủ can đảm đu mình lên dây. Có bạn trai to khỏe hẳn hoi mà còn không dám leo lên, chỉ nằm dưới nghỉ ngơi ngắm chóp từ xa thôi.
Chào Mũi Đôi, Chào Bình Minh, tự hào vì mình đã vượt được qua 1 chặng đường gian khổ!
Sau khi chụp ảnh thỏa thuê chúng tôi quay về khu cắm trại, thu dọn đồ, tắm biển, ăn sáng, rồi chờ tới 9h tàu đó quay về bến, kết thúc hành trình chinh phục Cực Đông đầy ấn tượng.
Thông tin cần biết
Có thể bạn sẽ cần tới những thông tin này để hỏi về chương trình cập nhật nhất cho chuyến đi Mũi Đôi hoặc để đặt ăn đấy:
- Dương – sn 90, dẫn đường chuyên nghiệp, chuyên tổ chức tour Mũi Đôi, Tà Năng-Phan Dũng: 01284358855, https://www.facebook.com/khanhduong.tranho.9
- Cô Mai, chủ quán cơm ở đầu chợ Đầm Môn: 0165275919
- Tổng chi phí cho 1 ngày 1 đêm ăn chơi bét nhè là 1.300K/người (nhóm 5 người).
- Nếu bạn có bệnh về tim, hô hấp thì không nên tham gia hành trình này. Theo lời Dương thì từng có một em giấu không nói cho hướng dẫn về bệnh tim của mình để đi cùng đoàn, kết quả là em đã bị mất vì suy tim khi đang dang dở chuyến đi. Bởi vậy bạn nên cân nhắc kỹ vì sự an toàn của chính bạn.
- Thông thường các đoàn sẽ xuất phát từ sáng sớm nên sẽ có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, có thể ghé nhà chú Hai chơi. Như nhóm chúng tôi là đi vào buổi trưa, có vẻ gấp, nhưng tôi thấy vậy là quá đủ (và hợp lý).
Chương trình chi tiết của chúng tôi
Dưới đây là chương trình chi tiết của chúng tôi, xuất phát từ Hà Nội. Các bạn tham khảo để xây dựng lịch trình của mình nhé.
Ngày 1: Hà Nội – Tuy Hòa – Đầm Môn
- Chuyến bay Hà Nội – Tuy Hòa lúc sáng sớm 7h15 – 8h55
- 9h30: đi xe từ sân bay Tuy Hòa về Đầm Môn (xe 7 chỗ, 550k, khoảng 55km)
- 10h15: tới cổng chợ Đầm Môn
- Nghỉ ngơi, dọn đồ. Gửi đồ. Ăn trưa
- 12h15: xuất phát.
- 13h15: đến điểm nghỉ đầu tiên nhà chú Năm
- 13h40: tiếp tục hành trình
- 15h10: đến điểm nghỉ nhà chú Ba.
- 16h00: leo lên đến đỉnh núi cao nhất
- 17h15: đến bãi cắm trại.
Tổng đi từ 12h15 đến 17h15 chúng tôi vượt khoảng 5 ngọn núi, cứ lên lại xuống lại lên.
Ngày 2: Cực Đông – Đầm Môn
- 3h30: dậy để đi đón ánh mặt trời
- 4h00: xuất phát
- 5h00: lên đỉnh Mũi Đôi
- 7h30: thu dọn lều, ăn sáng, tắm biển
- 9h00: lên tàu về bến, xe đón đưa về quán cô Mai
- 10h00: Về tới quán, nghỉ ngơi, tắm rửa, ăn trưa, sau đó tạm biệt hướng dẫn viên và đi tiếp hành trình khác.
Từ đây có rất nhiều lựa chọn: ở lại Đầm Môn chơi, đi về Tuy Hoà, đi Nha Trang, đi Điệp Sơn hoặc Ninh Chữ – Vĩnh Hy, hoặc bay chuyến chiều về Hà Nội luôn.
Tham khảo thêm:
– Khám phá Ninh Chữ, Vinh Hy
– Khám phá Điệp Sơn
Cùng xem để hiểu thêm về chuyến đi của chúng tôi nhé: