Bạn đã đi Pù Luông chưa? Nếu chưa, tại sao không lên đường ngay bây giờ đi? Pù Luông là điểm du lịch nổi lên từ 2 năm trở lại đây. Lúc này Pù Luông đang đẹp lắm, lúa vào mùa gặt, chín vàng khắp nơi. Vẻ đẹp yên bình, êm ả của Pù Luông khiến ta nhẹ lòng như tìm được nơi trú ẩn cho tâm hồn.
Thời điểm đi Pù Luông
Pù Luông thuộc địa phận hai huyện Quan Hoá và Bá Thước, cách thành phố Thanh Hoá khoảng 130 km về phía Tây Bắc, cách Hà Nội khoảng 200km trước chỉ quen thuộc với dân phượt là chính. Nhưng bởi Pù Luông quá đẹp, nên người ta rỉ tai nhau, và thế là Pù Luông ngày một nổi tiếng hơn rồi.
Nếu bạn quyết định đi Pù Luông, hãy lưu ý hai thời điểm tuyệt vời vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 và cuối tháng 9 đầu tháng 10. Đây là lúc Pù Luông vào mùa lúa. Thật may vì Pù Luông có 2 vụ lúa, nên nếu bạn lỡ dịp này có thể đi bù vào dịp sau. Những thửa ruộng bậc thang xanh mướt sẽ chuyển dần sang vàng uốn lượn như những dải lụa mềm mại. Mùa gặt sẽ bắt đầu từ đầu tháng 6 tới giữa tháng 6 và từ đầu tháng 10 tới giữa tháng 10. Một vài chỗ cấy muộn hơn sẽ gặt sau hai khoảng thời gian đó một đến 2 tuần. Bạn sẽ có nhiều thời gian để ngắm bức tranh mùa vàng rực rỡ trong ánh nắng nhé.
Nếu bạn muốn ngắm lúa xanh thì đi sớm hơn thời điểm kể trên 2-3 tuần là được.
Đi Pù Luông như thế nào?
Từ Hà Nội đi Pù Luông sẽ có hai cách đi sau:
Cách 1:
Hà Nội – Hòa Bình – Mai Châu – Pù Luông = 200km/4h30
Cách 2:
Hà Nội – Ninh Bình – Cẩm Thủy – Pù Luông = 200km
Khoảng 30km trước khi đến Pù Luông thì đường đi khá xấu, nhiều ổ gà, đường nhỏ, có những chỗ bị sạt lở, đá trên núi lăn xuống rệ đường. Nhưng rất nhanh thôi bạn sẽ vượt qua đoạn đường đó và đến với Pù Luông thanh bình.
Làm gì ở Pù Luông?
Ở Pù Luông bạn sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, được tận hưởng không khí trong lành. Bạn có thể đi bộ thăm bản làng, xuyên qua những cánh đồng lúa chín.
Bạn sẽ gặp gỡ và tìm hiểu đời sống của người dân bản địa hay trải nghiệm chèo bè tre trên sông:
Bạn sẽ thăm quan hệ thống các cọn nước được dùng trong nông nghiệp:
Hay đạp xe khám phá bản làng:
Bạn nào thích đi bộ nhiều có thể thử cung trek qua các bản Đôn, Ươi, Lặn Trong, Lặn Ngoài kéo dài tới bản Hiêu hay trek lên đỉnh Pù Luông ngắm cảnh toàn vùng. Khách có thể tắm ở thác Hiêu trước khi quay về điểm ngủ. Tổng khoảng cách là 16km (khoảng 5h đi bộ).
Cung này khá vất vả và đỏi hỏi bạn phải thật sự dai sức. Nếu bạn muốn đi thì nên thuê người dẫn đường nhé.
Lựa chọn điểm ngủ ở Pù Luông
Khu vực Pù Luông hiện có rất nhiều cơ sở homestay, resort, cho bạn lựa chọn. Mô hình homestay (ngủ ở nhà dân) đã không còn xa lạ với khách du lịch. Người dân ở Pù Luông tuy chưa có nhiều kinh nghiệm làm du lịch, nhưng với sự thân thiện, nhiệt tình và tốt bụng, họ đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho khách tới thăm quan. Bạn có thể dễ dàng tìm cho mình một điểm ngủ ở Bản Hang, Kho Mường hay Bản Hiêu. Đa số các điểm đón khách này đều là nhà sàn Thái được trang bị đầy đủ chăn đệm và rất sạch sẽ.
Bạn cũng có thể sử dụng các dịch vụ cao cấp hơn như khu nghỉ dưỡng Pù Luông Retreat, Les Bains de Hieu hay Pu Luong Hillside Lodge.
Chúng tôi đã nghỉ tại nhà sàn của Pù Luông Retreat, nơi nhìn ra những thửa ruộng bậc thang tràn một sắc vàng. Mỗi người một đệm nằm cạnh nhau, tối thủ thỉ nói chuyện trong tiếng kêu râm ran của côn trùng ngoài ruộng. Cảm giác như được quay trở về tuổi thơ, trong căn nhà nhỏ, lắng nghe tiếng dế kêu ngoài vườn. Bỗng dưng lòng lại thấy nao nao!
Điều đáng tiếc nhất của chúng tôi khi ở Pù Luông Retreat là không được tận hưởng bể bơi vô cực chanh sả vốn là ưu điểm nổi bật của resort. Nguyên nhân là do hôm trước mưa nhiều, bể ngoài trời nên có nhiều lá cây, bụi đất rơi vào, lại chưa được xử lý kịp thời để phục vụ du khách. Chúng tôi gọi vui đó là bể vầy, vì nó nhỏ xinh và nước lúc đó khá đục. Giữa mùa hè nhưng lại không thể tắm mình trong nước mát, thật tiếc!
Đặc sản Pù Luông
Đến Pù Luông, ngoài những đặc sản quen thuộc như gà đồi, lợn mán, bạn nhất định phải thử món ốc núi. Ốc núi hay còn gọi là ốc đá chỉ sinh trưởng vào mùa mưa, tầm tháng 5-7 và có nhiều nhất ở khu vực Mai Châu, Ninh Bình.
Nhìn thoáng qua thì rất giống ốc sên nhất là khi nó bò rồi giương hai cái râu lên vẫy vẫy. Bởi thế nhiều người sợ không ăn được ốc núi, trong khi nó rất ngon, mềm, sạch. Mà ăn thì phải ăn toàn bộ phần ruột của nó mới tốt bởi đây phần bổ nhất. Ốc hấp mắm hoặc chanh sả. Ăn nóng, chấm với nước mắm gừng ớt chanh, đủ vị cay chua mặn ngọt. Nếu muốn ăn đúng kiểu người địa phương thì phải giã củ kiệu với tí gừng rồi chấm khô nhé.
Hành trình tham khảo
Giờ bạn đã sẵn sàng đi Pù Luông chưa? Nếu có, tham khảo chương trình 2 ngày 1 đêm của chúng tôi dưới đây để có thêm ý tưởng cho hành trình của bạn nhé:
Ngày 1: Hà Nội – Pù Luông
7h30 xuất phát từ điểm tập trung trường Đại Học Quốc Gia, đi theo đường Hồ Chí Minh
Hơn 12h thì về tới Pù Luông (sở dĩ chúng tôi đi lâu vì có dừng 2 lần trên đường đi)
Ăn trưa tại Pù Luông Retreat
Về nghỉ ngơi tại nhà sàn Tiền Sen của Pù Luông Retreat
14h30: xe đón ra điểm đi bè mảng
15h -17h00: đi bộ dọc qua những ruộng lúa, thăm cọn nước, gặp gỡ người dân, kết thúc bằng hành trình đi bè mảng vô cùng thú vị
Ăn tối và nghỉ đêm tại nhà sàn
Ngày 2: Pù Luông – Hà Nội
Sáng sớm thức dậy tận hưởng không khí trong lành, thưởng thức bữa sáng đơn giản tại nhà sàn
Đi bộ thăm bản làng, chụp ảnh
Trả phòng và lên đường quay về Hà Nội. Trên đường rẽ vào thăm suối cá thần, ăn trưa ở nhà hàng bình dân trên đường
18h00 về tới Hà Nội. Kết thúc 2 ngày ở Pù Luông đầy nắng và gió.
Đừng chần chừ nữa, Pù Luông cũng như Mai Châu, được mệnh danh là Sapa của đồng bằng, bạn hãy đi ngay để chiêm ngưỡng vẻ đẹp Pù Luông trước khi nó trở nên ồn ào nhé.