Tôi mất trọn một đêm để đọc “Thầy Lang”, thực sự bị đắm chìm trong những tình tiết hấp dẫn của truyện, đã bắt đầu là không thể dừng lại.
Thầy Lang là tác phẩm tiêu biểu của Tadeusz Dolega Mostowicz, tiểu thuyết gia nổi tiếng ở Ba Lan trong những năm 20 – 30 của thế kỷ 20. Truyện do Nguyễn Hữu Dũng dịch và được tái bản rất nhiều lần, đủ để thấy sức hút của nó như thế nào. Điều tôi không ưng nhất trong ấn phẩm xuất bản năm 2003 mà tôi có là dịch giả đã phiên âm toàn bộ tên nhân vật sang tiếng Việt. Tôi có tính cố chấp của dân ngoại ngữ, đọc truyện văn học châu Âu chỉ thích để tên nguyên bản của nhân vật, vậy mới không bị giảm hứng khởi.
Thầy Lang kể về cuộc đời của Rafal Wilczur, giáo sư y khoa nổi tiếng của Ba Lan, bắt đầu từ lúc ông đang ở đỉnh cao của danh vọng và hạnh phúc. Mọi việc tưởng như hoàn hảo không vết xước, bỗng nhiên xuất hiện một ngã rẽ làm đảo lộn mọi thứ. Ngay trong ngày kỷ niệm 8 năm ngày cưới, giáo sư Wilczur tràn đầy hứng khỏi trở về nhà sau một ngày làm việc, với những dự định lãng mạn ngập tràn trong đầu để khiến vợ bất ngờ, cuối cùng chính ông lại là người bất ngờ nhất khi phát hiện ra người vợ ông hết mực yêu thương cùng đứa con gái bé bỏng đã bỏ đi, để lại ông ở nhà với sự bàng hoàng tột độ.
Đau khổ, thất vọng, chán chường, uất ức, hoài nghi… tất cả đều không có giải đáp, khiến ông tìm đến rượu trong bế tắc, bị bọn lưu manh lừa gạt, rồi đẩy ngã xuống bãi rác. Khi tỉnh lại, ông hoàn toàn không nhớ mình là ai, không biết vì sao mình lại ra nông nỗi này, cũng chẳng biết cuộc sống của mình vốn như thế nào. Ông quên sạch mọi chuyện đã xảy ra, như thể một người vừa được sinh ra trên cõi đời này.
Cả nước Ba Lan sôi sục vì sự mất tích của giáo sư Wilczur, người ta tìm kiếm khắp nơi nhưng vẫn không có chút tin tức nào. Rất nhiều giả thiết được đưa ra mà lại không có gì để kiểm chứng. Ngày qua ngày, người ta dần quen với sự mất tích của ông và rồi cũng không còn ai tìm kiếm hay đưa tin về ông nữa. Trong khi đó, giáo sư Wilczur đang bắt đầu một cuộc sống mới, cuộc sống của kẻ lang thang không nhà cửa.
Wilcuzur sống mà không biết mình là ai, cứ phiêu dạt nơi này qua nơi khác, lúc nào cũng cô độc một mình. Cuối cùng ông dạt tới ở khu nhà cối xay của ông tại cối xay bột của lão Krokop dưới cái tên Antonio Kosiba. Tại đây ông đã chữa khỏi chân cho Wasil, con trai lão Krokop, người bị liệt nằm một chỗ bao lâu nay. Chính sự kiện này khiến ông tìm lại được một phần nào con người mình, những kiến thức về giải phẫu mà bản thân ông cũng không hiểu vì sao mình lại có. Ông chữa bệnh cho mọi người không màng tới công danh, cộng với sự chân thành, đúng mực, khiến hết thảy ai cũng yêu mến.
Cơ duyên dẫn ông gặp gỡ Marysia, cô gái làm thuê trong tiệm tạp hóa ở trên thị trấn. Cô đã mất mẹ, mất cha, chỉ còn lại một mình trên cõi đời. Dường như sự cô đơn chính là sợi dây nối hai người lại với nhau. Họ tin tưởng lẫn nhau và quan tâm tới nhau hết sức chân thành như những người thân quen trong gia đình.
Tiệm tạp hóa nơi Antonio gặp Marysia cũng chính là nơi nuôi dưỡng tình yêu của Marysia với cậu chủ Leszek Czinski giàu có. Vượt qua mọi định kiến, mọi rào cản, hai người yêu nhau một cách say đắm, tràn đầy niềm tin vào tương lai. Nhưng họ vẫn chưa thể cùng nhau về đến đích cuối cùng, khi mà Zenek, với mối tư thù cá nhân, đã ngụy tạo chướng ngại vật cản xe họ khiến cả hai xảy ra tai nạn. May thay vào giây phút nguy kịch ấy lương tâm của Zenek bỗng thức tỉnh, hắn chạy đi kêu cứu chứ không bỏ mặc họ. Cũng may thay người ta đưa Marysia và Leszek tới chỗ ông thầy lang Antonio chứ không phải đi bác sĩ. Antonio đã dùng hết sức mình để cứu giúp cho đôi trẻ, nhưng trớ trêu thay ông lại bị đẩy vào tù vì chính hành động nhân ái của mình.
Bên cạnh những nhân vật chính, sự xuất hiện của các nhân vật phụ dù ít dù nhiều cũng góp phần làm cho truyện thêm hấp dẫn. Tôi rất thích bố mẹ của Leszek, họ là những người giàu có học thức, đúng chuẩn mực, chứ không phải dạng trọc phú nhìn những kẻ nghèo khó với con mắt khinh bỉ. Nếu như không phải họ dùng sự bao dung của mình để cho Leszek và Marysia cơ hội đến với nhau thì hẳn câu chuyện đã đi theo hướng khác. Hành động ấy của họ đã giúp họ xóa đi sự áy náy khi họ cố giấu Leszek về tình hình của Marysia, đồng thời mở ra cho cặp đôi tương lai hoàn toàn mới.
Tôi cũng rất thích cách Tadeusz miêu tả nội tâm nhân vật, đặc biệt là hình ảnh bác sĩ Prokop với sự giằng xé trong sâu thẳm tâm hồn về việc nên làm hay không nên làm, về lựa chọn cách sống, về những lo toan rất đời thường.
Dưới ngòi bút khéo léo của Tadeusz Dolega Mostowicz, câu chuyện được đẩy đến cao trào, đưa người đọc đi qua mọi cung bậc cảm xúc, cuối cùng vỡ òa trong niềm hạnh phúc bởi kết thúc có hậu cho những người xứng đáng. Câu chuyện khép lại ở cảnh Antonio khôi phục trí nhớ, biết được bản thân mình là ai và tìm được con gái yêu quý của mình. Không cần miêu tả dài dòng nhưng đủ cho người đọc hình dung được diễn biến tiếp theo sẽ tươi đẹp như thế nào.
Một câu chuyện mang dáng dấp cổ tích khiến người ta càng thêm tin tưởng vào những điều tốt đẹp, tin tưởng vào tình yêu, vào sự bao dung vị tha giữa người với người, cũng là minh chứng cho triết lý ở hiền sẽ gặp lành.
Xuyên suốt tác phẩm của mình, tác giả cũng vẽ lại chi tiết xã hội Ba Lan trong thời kỳ cận đại với những tư tưởng sống đề cao cái tôi danh dự, tự trọng, với những khác biệt về giai cấp, với những con người nông dân chân chất, nhân hậu. Đằng sau tất cả là những phẩm chất tốt đẹp của con người, những khao khát về cuộc sống gia đình ngập tràn yêu thương và hạnh phúc.
Giữa thời kỳ mà ngôn tình Trung Quốc đang ngập tràn, bước vào hiệu sách chỉ thấy những tiêu đề tình yêu lãng mạn, Thầy Lang thật sự là một cái tên khác lạ. Quả thực rất đáng để đọc…