Tour đi bộ Pù Luông – Chinh phục đỉnh Pù Luông

Nhiều ngày sau khi kết thúc tour đi bộ Pù Luôngchinh phục đỉnh Pù Luông tôi vẫn thấy lâng lâng đầy cảm xúc. Vẫn nhớ núi rừng và bị ám ảnh bởi những điều mình đã gặp trên đường đi. Đấy là chuyến đi trek ấn tượng nhất từ trước tới nay của tôi, để lại trong tôi quá nhiều điều thú vị. Nếu bạn yêu thiên nhiên, thích đi bộ, thích trải nghiệm những vùng đất thật mới thì tôi khuyên là không nên bỏ qua cung này.

Chinh phục đỉnh Pù Luông ở đâu?

Với dân phượt sành sỏi thì Pù Luông không còn là cái tên xa lạ. Nhưng tiện thì tôi vẫn nhắc nhé, Pù Luông hay khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc địa phận hai huyện Quan Hoá và Bá Thước của Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hoá khoảng 130 km về phía Tây Bắc, cách Hà Nội khoảng 200km. Nơi đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của dân tộc Mường và Thái. Rừng nguyên sinh tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông là loại rừng kín nhiệt đới thường xanh theo mùa, có hệ động thực vật cực kỳ phong phú mà bạn sẽ được tận mắt chứng kiến khi đi trek. 

Theo tiếng Thái, Pù Luông nghĩa là đỉnh núi cao nhất trong vùng, thực tế đỉnh cao 1700m. Đứng ở lối vào Bản Đôn (xã Thành Lâm), cũng dễ dàng thấy được đỉnh Pù Luông cao chót vót, được phủ một màu xanh mướt. Chính từ đây chúng tôi đã bắt đầu chuyến đi bộ chinh phục đỉnh Pù Luông đáng nhớ. 

Nếu bạn thắc mắc về thời điểm đi Pù Luông thì có thể xem lại bài viết này của tôi: https://hoachio.com/dung-bo-lo-pu-luong-mua-lua-chin 

Cảnh báo: Có một website du lịch đã đưa thông tin về Pù Luông nằm ở Yên Bái. Thật lẫn lộn quá. Lưu ý là chỉ có 1 Pù Luông ở Thanh Hóa thôi nhé các bạn. 

Tour đi bộ chinh phục đỉnh Pù Luông
Bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh Pù Luông

Hành trình chinh phục đỉnh Pù Luông

Chúng tôi dành 3 ngày để đi Pù Luông, trong đó ngày thứ 2 sẽ leo đỉnh. Còn lại dành thời gian thăm thú, nghỉ dưỡng. Đưới đây là lịch trình cụ thể của 3 ngày:

Ngày 1: Hà Nội – Pù Luông

  • 8h: xuất phát từ Hà Nội đi Pù Luông
  • 12h30: Về tới khu nghỉ Pù Luông Hillside Lodge
  • Ăn trưa và nghỉ ngơi
  • 14h30: Đi bộ xuyên rừng qua bản Cổ Lũng, Chiềng Lâu
  • 18h00: Về tới lodge ăn tối và nghỉ ngơi

Ngày 2: Chinh phục đỉnh Pù Luông

  • 7h30 xuất phát
  • Đi bộ từ Pù Luông Hillside Lodge băng qua Bản Đôn, xuyên qua đường lên núi.
  • 11h30 lên tới đỉnh Pù Luông
  • Nướng thịt, ăn trưa
  • 13h30 xuống núi
  • 18h00 về tới bản

Ngày 3: Pù Luông – Hà Nội

  • Ăn sáng
  • Đi bộ thăm bản Hiêu
  • Ăn trưa
  • 13h00 trả phòng và quay về Hà Nội

Nếu bạn muốn ngắm bình minh trên đỉnh Pù Luông thì có hai cách:

  • Ngày thứ 2 dậy thật sớm, xuất phát từ 3h-4h sáng. Nếu đi khỏe, không sợ vắt thì chỉ cần 3 tiếng là đã tới đỉnh. Dân bản đi quen, chưa đầy tiếng đã lên tới nơi, thậm chí lấy được gỗ mang về mà đoàn chúng tôi vẫn lay lắt lưng chừng con dốc. 
  • Mang theo lều trại ngủ một đêm trên đỉnh. Sáng hôm sau ngắm bình minh thoải mái luôn. Nếu đi như thế này thì nên xuất phát từ chiều hôm trước, lên tới đỉnh dựng lều, thắp lửa, ăn tối, đốt lửa trại rồi đi ngủ chờ tới bình minh thôi. Đi buổi chiều như thế này có khi lại hay, vì trời nắng lên sẽ làm lũ vắt trốn sâu trong rừng, chuyến đi của bạn nhờ thế sẽ bình yên hơn.

Nếu trời mưa thì bạn hãy thay đổi chương trình luôn nhé. Vì đường lên núi khá trơn. Sau cơn mưa lại nhiều vắt. Khi đó bạn sẽ rất vất vả đấy.

Vắt là đặc sản của núi rừng Pù Luông. Không phải chỗ nào cũng có. Nó chỉ sống ở những nơi ẩm ướt nhiều lá cây, cỏ dại ở mặt đất. Do đó trên cả chặng hành trình leo núi thì ⅓ chặng đầu đường nắng, khô ráo sẽ không có vắt. Đoạn giữa và gần tới nơi sẽ ẩm thấp, rậm rạp là nơi lý tưởng cho vắt sinh sôi. Đoạn cuối khoảng 200m lên đỉnh thì là đồi trọc nắng nóng nên không có.
Đặc biệt về sáng sớm (do sương ban đêm làm nền đất ẩm ướt) và sau cơn mưa thì vắt xuất hiện rất rất nhiều. Bạn hãy chuẩn bị tâm lý thật kỹ để đối phó với chúng. 

Ấn tượng chinh phục đỉnh Pù Luông

Tôi đã đi nhiều chuyến trek xuyên rừng như Cao Bằng, Ba Bể, leo Fanxipan… nhưng chưa có lần nào bị ám ảnh nhiều như chuyến chinh phục đỉnh Pù Luông. Nguyên nhân chỉ vì VẮT. Bên tổ chức tour đã sơ suất không báo trước cho chúng tôi về chuyện này nên cả đoàn đều bất ngờ, còn tôi thì phải nói là hoảng loạn. Giữa rừng hoang mà nghe tiếng hét thì cũng giật mình lắm nhỉ?
Thực tế là mọi người thường xuyên được cười no bụng khi chứng kiến cảnh tôi nhảy loi choi tránh vắt hay chạy ầm ầm lên dốc như thế nào. Bạn hướng dẫn địa phương đã lấy quả mắc câng cắt đôi, đưa chúng tôi hạt để xát vào chân với giầy nhằm chống vắt, giống như người dân trong vùng vẫn làm. Đáng tiếc vắt quá khỏe, quá hung hãn. Dù bạn có chạy nhanh thì chúng vẫn bám được vào giày của bạn, chui vào trong tất của bạn, cắn bạn, hút máu bạn.

Nửa chặng đường đầu tiên đường khô, thoáng, lối đi nhiều đá, hoa mua nở tím, đẹp tuyệt vời. 

Đoạn giữa là rừng già rậm rạp, ẩm ướt, là thiên đường của vắt.

Đoạn cuối là đồi trọc đầy nắng và gió.

Cảm xúc của tôi từ hào hứng, tươi vui, tới sợ hãi, rồi lại được vỡ òa khi lên tới đỉnh, đứng ngắm cảnh toàn vùng và hít căng làn gió mát mẻ. 

Ở trên đỉnh bạn dẫn đường cho chúng tôi bắt đầu nhóm lửa, nướng thịt, trong khi chúng tôi chia nhau bày đồ ăn, hoặc mệt quá tranh thủ nằm nghỉ, hoặc chụp ảnh tới tấp. Tạm thời quên hết mọi nỗi sợ vắt, mỏi chân, đau người, cả đoàn tận hưởng bữa trưa picnic trên đỉnh đơn giản mà ngon tuyệt vời.

13h, chúng tôi bắt đầu chuẩn bị quay về. Nỗi sợ vắt lại ập tới. Cả đoàn lấy dầu cao bôi cổ chân, bôi lên khắp giầy với hy vọng là dầu cao nóng sẽ ngăn được vắt phần nào. Nhưng may quá, do buổi chiều trời nắng, nên đường khô, và lối xuống núi lại nhiều sỏi đá, khác hẳn với lối lên, nên tôi không thấy con vắt nào. Đi đường thấy nhẹ nhõm hẳn. Hóa ra không phải, do số tôi đỏ thôi, chứ mọi người trong đoàn vẫn thấy vắt, có người lại bị vắt chui vào giày, nhưng tất cả đều không dám nói với tôi vì lo tôi sẽ lại… hoảng loạn.

Thật tiếc vì chưa ngắm được bình minh trên đỉnh. Nhưng nghĩ lại cũng may, nếu nghe lời bạn dẫn đường, xuất phát từ 4h sáng, hẳn không biết tôi sẽ thành gì khi nhận ra vắt bám đầy chân mình.

Ngoại trừ vấn đề vắt ra thì không có gì phải chê cả. Núi rừng mênh mông, cực kỳ yên tĩnh, cảnh đẹp tuyệt vời. Hoa mua nở tím bên sườn núi. Rừng măng đắng đẹp như trong phim chưởng. Những lùm cây mâm xôi sai trĩu quả. Tất cả như chưa hề có dấu chân người đi qua, thật là tuyệt vô cùng. 

Hãy xách balo lên và đi ngay đi các cậu, khi Pù Luông vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ vốn có, cho bạn sống trọn những khoảnh khắc quý giá giữa núi rừng.

Chuẩn bị gì cho tour đi bộ chinh phục đỉnh Pù Luông?

Đây là một chuyến đi xuyên rừng, leo núi, nên bạn hãy chuẩn bị thật kỹ. Tham khảo list đồ sau nhé:

  • Quần áo mỏng, thoáng, tiện lợi cho đi bộ. 
  • Giầy đi bộ
  • Mũ có vành hoặc lưỡi trai
  • Balo đựng đồ cá nhân, nên có ngăn đựng bình nước bên cạnh để tiện lấy nước
  • Thuốc xịt muỗi (chống muỗi đốt) 
  • Bao buộc chân chống vắt. Tốt nhất là đi ủng nhựa cao ngang gối. 
  • Đồ linh tinh khác tùy theo nhu cầu của bạn

Chuyện quan trọng nên phải nhắc lại lần nữa: Hãy chuẩn bị thật kỹ đồ nghề chống vắt! Đi hai lớp tất cao cổ (kiểu tất dài bộ đội càng tốt), hoặc bao buộc chân, đi ủng nhựa. Cẩn thận mang thêm xịt côn trùng xịt khắp chân, giày. Thấy mọi người bảo vắt sợ mấy đồ xịt xịt này. Chỉ tiếc là tôi không có cơ hội được kiểm chứng.

Tour đi bộ chinh phục đỉnh Pù Luông
Đứng nghỉ sau một cơn chạy vắt bở hơi tai

Thông tin liên hệ tour chinh phục đỉnh Pù Luông

Nếu bạn muốn đi cung này thì không nên tự đi, hãy thuê người dẫn đường để đảm bảo đi đúng đường nhé.

Chúng tôi đặt dịch vụ trọn gói của Mr Thắng – Pù Luông Hillside Lodge – 0389506696, bao gồm: 

  • Xe đưa đón Hà Nội – Pù Luông – Hà Nội
  • Phòng riêng tại Pù Luông Hillside Lodge
  • Ba bữa ăn/ngày
  • Hướng dẫn địa phương 
  • Hành trình tour như ở trên
  • Nước uống trong tour

Bạn chẳng cần làm gì ngoài việc chuẩn bị sức khỏe tốt và tâm lý KHÔNG sợ vắt để lên đường thôi!

Pù Luông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *