Để yên cho bác sĩ hiền

Tuần mới bắt đầu rồi, Đọc sách gì để khởi động một tuần đầy năng lượng đây? “Để yên cho bác sĩ hiền” là một lựa chọn cực hay cho bạn nhé. Nó sẽ giúp bạn thấy phấn chấn vô cùng, phút chốc quên hết những buồn chán tẻ nhạt hay mệt mỏi còn sót lại sau ngày cuối tuần vui chơi quá độ 🙂

Để yên cho bác sĩ hiền tập hợp những bài viết của bác sĩ Ngô Hùng, được chia làm 4 phần lớn: Nghiệp, Nghề, Đời, Tôi. Tiêu đề của từng phần cũng đã ít nhiều hé mở cho ta thấy nội dung bên trong, hứa hẹn những điều thú vị ứng với từng giai đoạn cuộc đời.

Ngay phần mở đầu, tác giả đã đưa ra những cảnh báo rất dễ thương:

Đeo khẩu trang trước khi mở sách
Chuẩn bị khăn thấm nước
Không vừa ăn vừa đọc nếu chưa được huấn luyện về phương pháp lấy dị vật đường thở
Dễ bị cho là biến thái nếu sử dụng ở nơi công cộng
Không dành cho phụ nữ có thai và cho con bú

Đọc tới đó tôi còn tưởng tác giả nói quá lên cơ, kiểu giật tít gây tò mò, kích thích người ta đọc, đồng thời lại tôn mình lên một bậc. Hóa ra là tôi nhầm, sự thật đúng như cảnh báo đấy. Khổ, tôi vừa ngồi xe bus vừa đọc và đã cười rinh rich như một đứa dở khiến mấy người bên cạnh cũng liếc nhìn. Ấy chỉ vài giây sau tôi lại thấy bùi ngùi khi đọc sang đoạn kế tiếp. Phải gập sách lại, nhìn ra ngoài đường, chớp chớp mắt cho trở lại trạng thái bình thường.

Hồi nhỏ tôi đã từng mơ ước sau này làm bác sĩ đi chữa bệnh cho mọi người. Ước mơ của đại đa số bọn trẻ con hồi đó, theo kiểu phong trào nhưng thực tế thì chả mấy đứa thực hiện được. Đúng thế thật, tôi cũng không trở thành bác sĩ. Mà éo le thay tôi còn rất sợ các bác sĩ. Nghĩ đến cảnh họ mặt lạnh quát mình là đã thấy run rồi. Họ cũng dễ quát lắm, chả hiểu vì sao nữa.
Tôi nghĩ bụng, người đi khám bệnh thì lo lắng đủ điều, có am hiểu gì bệnh tật đâu, nên có hỏi han hay thắc mắc hoặc lo cuống lên cũng dễ hiểu. Vậy sao các bác sĩ không thông cảm, cứ hơi tí quát mắng là sao? Cho đến khi đọc xong quyển này, tôi mới à ồ vỡ ra đôi chút. Thì ra họ cũng chẳng nhàn nhã gì đâu, cũng áp lực lắm lắm. Thì ra mình đã chủ quan và hơi phiến diện rồi. 🙂

Đọc đi, rồi bạn sẽ hiểu họ phải trải qua quá trình học tập như thế nào mới có thể hành nghề. Nếu bạn chỉ mất 4 năm đại học thì các bác sĩ phải mất gấp rưỡi đến đôi thậm chí gấp ba thời gian ấy. Riêng thời gian học hành thôi cũng đủ khiến cho người ta mệt mỏi. Rồi những áp lực khi đi làm, không đơn giản như chúng ta là áp lực liên quan doanh số, tiền nong, đơn hàng, áp lực của họ chính là mạng sống của con người. Mà để so sánh với mạng sống thì tất cả những thứ chúng ta vẫn kêu ca cũng chẳng là gì cả.

Đảm bảo đọc xong quyển này, mỗi khi đi khám bệnh, bạn sẽ chậm lại hơn, nhẹ nhàng hơn và nhìn các bác sĩ với con mắt thiện cảm hơn. Tất nhiên ở đây tôi không bàn tới những trường hợp xấu con sâu làm rầu nồi canh nhé, cho nên đừng bắt bẻ và tranh luận với tôi.

Giọng văn hóm hỉnh của bác sĩ Hùng đã khiến những đoạn viết về nghề, nghiệp không hề khô khan chút nào. Hơn nữa lại là người thật, việc thật nên sinh động vô cùng. Ví như đoạn này, không thể khiến tôi ngừng cười được:

Để yên cho bác sĩ hiền - HoaChio.com

Tôi còn nhớ mãi bức thư tình bác sĩ viết hộ người bạn trong phần ĐỜI. Nhờ có nó mà tôi cũng mới biết cách lý giải ngôn ngữ rất xì tin này. Ví dụ nhé:

Hành kinh nghĩa là học hành kinh sử, giao lưu hợp tác gọi tắt là… “giao hợp”, “cô hồn” nghĩa là cô gái hồn nhiên hoặc “đạo văn” nghĩa là cái đạo của người làm văn

Trời ơi, tôi không thể nhịn được cười ấy. Còn đây là nội dung bức thư tình:

Để yên cho bác sĩ hiền - HoaChio

Thế nào, bạn có thể định nghĩa được Thâm Độc, Nhẫn Tâm, Phong Lưu… là gì không?

Sau phút giây cười sảng khoái, cũng có lúc bạn sẽ trùng xuống trước những tâm sự của tác giả về gia đình. Tôi đã không kìm được nước mắt khi đọc bức thư của mẹ tác giả dặn dò chồng trước khi ra đi. Tim cũng thấy thắt lại, nghẹn ngào. Đó là những nốt trầm cần thiết để tạo nên sự hấp dẫn của bản nhạc, khiến câu chuyện càng thêm ý nghĩa.

Để yên cho bác sĩ hiền quả thực là bức tranh sinh động về nghề bác sĩ, giúp cho ta hiểu thêm những vất vả phía sau họ. Để từ đó thêm cảm thông với họ và cũng để ta tự nhìn lại cách cư xử của chính mình.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *