Marketing du lịch – hành trình đầy mồ hôi và nước mắt của tôi (phần 1)

Tôi là dân ngoại ngữ chính hiệu. Học ngoại ngữ chuyên ngành sư phạm, lẽ ra phải trở thành giáo viên. Vậy mà cuối cùng tôi lại làm marketing du lịch. Hai ngành vốn chẳng có tí gì liên quan đến nhau. Có chăng chỉ là cùng sử dụng ngoại ngữ. Tôi đã trải qua những năm tháng đầy đau thương lẫn cả hạnh phúc.

Có những cú ngã dập mặt, có những lần rơi nước mắt, có những lần mừng vui phấn khích. Để đến giờ nhìn lại con đường mình trải qua, tôi mới biết thì ra mình cũng làm được rồi. Tự học marketing không phải điều gì quá khó khăn và làm marketing du lịch cũng không có gì quá ghê gớm. Chỉ cần bạn có lòng tin, nhiệt huyết, cộng thêm tinh thần trách nhiệm cũng như sự tự giác cao ngất trời. Rồi bạn sẽ thấy làm marketing du lịch là điều tuyệt vời vô cùng!

Vì sao tôi đầu quân vào ngành du lịch?

Thi thoảng có người vẫn hỏi tôi Vì sao lại làm marketing du lịch. Đó là cả một câu chuyện dài. Trước tiên hãy để tôi kể vì sao tôi lại đầu quân vào ngành du lịch.

Tôi đi học sư phạm ngoại ngữ không phải do tôi thích làm giáo viên mà vì nghe lời khuyên của bố. Tôi của tuổi 18 ngây ngô, mơ mộng lắm, chẳng biết được sau này mình sẽ làm gì. Lúc thích làm nhà báo, lúc thích học ngành y. Cuối cùng trước ngưỡng cửa đại học đành ngoan ngoãn nghe theo bố mẹ. Nhưng sau 4 năm học, trải qua những buổi đi dạy gia sư tại nhà, những giờ dạy thêm ở trung tâm ngoại ngữ, những buổi lên lớp giảng dạy trong kỳ thực tập, tôi hiểu rằng mình không yêu nghề giáo một chút nào. Có thể dạy một vài buổi chứ nếu kéo dài cả đời sẽ là thảm họa.
Do đó khi học xong đại học, tôi không hề có ý định theo nghề sư phạm, dù bố tôi đã định nhờ mối quan hệ xin cho tôi về trường cấp 3 cũ của tôi để làm giáo viên.

Tôi tự bơi tìm việc. Tôi quyết định chỉ chọn những công việc sử dụng ngoại ngữ để không lãng phí 7 năm học tiếng Pháp của mình. Tôi trúng tuyển vào một công ty xúc tiến thương mại chuyên tổ chức cho các doanh nghiệp Việt Nam đi hội chợ ở các nước châu Âu. Công việc của tôi là giao dịch với đối tác, rồi dịch lại cho sếp, chuẩn bị hồ sơ giấy tờ cần thiết liên quan hội chợ cho các doanh nghiệp. Nhờ thời gian làm ở đó tôi đã biết được rất nhiều điều. Từ cách viết email, cách sử dụng thành thạo office văn phòng cho tới cách ứng xử với đồng nghiệp, với ban giám đốc.

7 tháng sau khi vào công ty, do những thay đổi và định hướng mới từ phía công ty khiến tôi thấy mình không thể tiếp tục được nữa. Tôi xin nghỉ, rồi đăng CV của mình lên các trang tuyển dụng miễn phí. Một ngày đẹp trời, có cuộc gọi từ một công ty du lịch mời tôi đi phỏng vấn. Thế là tôi bén duyên với ngành du lịch từ đó.

Tôi bắt đầu ở vị trí sales, tức là nhân viên tư vấn du lịch, giao dịch trực tiếp với khách hàng bằng tiếng Pháp. Sau đó được thăng chức làm trợ lý tài chính cho tổng giám đốc. Sếp tổng cất nhắc tôi bởi tôi là đứa ngoan ngoãn, thật thà, đáng tin cậy, chứ thực ra tôi đoảng lắm, làm tài chính không hợp.
Quả nhiên một thời gian, sếp phải cho tôi thôi vị trí ấy, chuyển sang làm trợ lý cho Giám đốc điều hành khi đó cũng đồng thời là trưởng phòng sales. Hàng ngày tôi vừa phải phân chia booking của khách cho các sales xử lý trong đó có chính mình, vừa nhập thông tin khách hàng vào bảng quản lý, vừa tự làm các booking, vừa training nhân viên mới khi có. Nói chung cũng bù đầu tóc rối liên tục.
Điều làm tôi vui nhất là được sử dụng 100% vốn ngoại ngữ mình đã học với người bản địa, đồng thời thường xuyên được đi khảo sát khắp các vùng miền. Với một đứa ham chơi như tôi thì đó là đều vô cùng đáng giá.

Đến đây mọi người sẽ hỏi, mọi thứ đang tốt đẹp như vậy sao tôi phải sang làm marketing?

Đến giờ tôi cũng không hiểu vì sao mình lại quyết định thế. Công ty thay đổi chiến lược phát triển, sếp cần người cho những vị trí mới. Có lẽ sếp thấy tôi phù hợp với công việc marketing nên đã đề nghị tôi chuyển sang. Tôi cũng không hiểu sếp nhìn thấy ở mình có điểm gì vượt trội có thể làm được marketing?

Nhưng tôi đã bị thuyết phục bởi những lý do mà sếp đưa ra: Được thăng chức làm trưởng phòng quản lý trực tiếp 3 nhân viên, được nâng lương, được hưởng chính sách thưởng ưu việt, được thử sức với những công việc mới mẻ. Có ai là không ham thích quyền lực và lương thưởng không?

Thế là tôi chuyển. Chính thức bước chân vào lĩnh vực marketing mới mẻ mà tôi chưa có một chút xíu kinh nghiệm trong đầu.

Có một điều chắc chắn là tôi chưa bao giờ hối hận về quyết định đấy, dù sau này có những thời điểm tôi mất động lực đến cùng cực khiến tôi phải tự hỏi hay mình lại quay về làm sales?

Chẳng có con đường nào trải đầy hoa hồng cả, toàn là sỏi đá gai góc thôi. Có đi cũng phải lựa từng bước để không bị đau chân hay vấp ngã dập mặt. Nhưng cứ bước chầm chậm thật chắc chân, bạn sẽ vượt qua dễ dàng.

Marketing du lịch thực chất là gì?

Tôi không được học một khóa học marketing du lịch nào, nên nếu để trả lời câu hỏi này thật bài bản và chuẩn chỉnh e rằng hơi khó. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng cho dù lý thuyết chuẩn thì thực tế vẫn có thể khác đi. Không có gì là tuyệt đối.

Tôi sẽ dần dần tổng kết và chia sẻ với các bạn những kinh nghiệm thực tiễn trong nhiều năm làm marketing ở ngành này. Lưu ý là có thể trật hoàn toàn với kiến thức chuẩn chỉnh được dạy ở các trường.

Marketing du lịch, tức là làm marketing trong ngành du lịch, bao gồm cả digital marketing và marketing truyền thống. Đó là quá trình thực hiện một chuỗi các hoạt động khác nhau của công ty nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, để khách hàng biết tới công ty và mua sản phẩm của công ty. Từ đó tăng lợi nhuận cho công ty.

À, tất nhiên đây là định nghĩa của công ty chúng tôi về marketing du lịch. Nhưng tôi thấy cũng khá hợp lý. Trong team vẫn đào tạo và truyền cho nhau như vậy.

Tôi đã trực tiếp tiếp tham gia các hoạt động marketing du lịch sau:

  • Nghiên cứu: Nghiên cứu khách hàng, nghiên cứu đối thủ, nghiên cứu thị trường… Ti tỉ thứ cần phải nghiên cứu. Mà khi mới chân ướt chân ráo bước sang mark, không được đào tạo chuyên môn, thì bạn sẽ làm gì để nghiên cứu những thứ kia?
  • Xây dựng phòng marketing: Tuyển dụng và đào tạo nhân viên mark.
  • Lập kế hoạch marketing: hàng năm cứ khoảng tháng 10-11 là tôi phải lên bản kế hoạch marketing tổng thể cho năm sau, dựa trên kế hoạch kinh doanh của công ty, từ đây cũng đưa ra KPI cho bộ phận mình, làm mục tiêu phấn đấu trong suốt cả năm.
  • Xây dựng website: Website đẹp thôi chưa đủ, quan trọng phải phù hợp với khách hàng mục tiêu nữa. Muốn làm được website chuẩn phải lưu ý:
    • Biết được khách hàng của mình là ai và điều họ mong muốn là gì
    • Tìm hiểu các công ty đối thủ
    • Tìm hiểu xu thế chung của thời đại
    • Bám sát bộ nhận diện thương hiệu của công ty cũng như các sản phẩm của công ty
  • Email marketing:
    • Phân chia tệp khách hàng
    • Soạn nội dung email phù hợp với từng tệp ở trên
    • Gửi email marketing và theo dõi hiệu quả để có những cải tiến phù hợp.
  • Promotion: Nghiên cứu và thiết kế các chương trình khuyến mại, khuyến mãi cho khách hàng
  • Quảng cáo adwords: Học và tự chạy quảng cáo adwords
  • SEO: kết hợp với seoer để làm seo
  • Blog – network site: xây dựng hệ thống network site cho công ty, gồm các blog chính thức và hệ thống blog phụ (network site)
  • Mạng xã hội: Xây dựng thương hiệu công ty trên tất cả các trang mạng xã hội: Facebook, Youtube, Linkedin, Twitter, Pinterest, Instagram…
  • Forum: Tạo profile của công ty trên các forum lớn, chuyển thông tin cho bộ phận chăm sóc khách hàng để họ nhờ khách viết đánh giá
  • Quảng cáo online và offline
  • Famtrip: Tổ chức các tour nhà báo, blogger, đối tác
  • Pr – Event: tổ chức sự kiện , hợp tác với các tổ chức, tài trợ cho các chương trình nghệ thuật
  • Truyền thông nội bộ, các hoạt động của công ty, các công việc liên phòng

Cơ bản là như vậy đó. Chưa kể có tới hàng trăm công việc không tên tuổi khác mà tôi không muốn kể lắt nhắt. Hội marketer chúng tôi vẫn tự ví mình là tạp vụ chính hiệu, việc gì cũng tới tay.

Tôi thấy nhiều bạn kêu ca thật khó để có 1 marketer biết làm mọi thứ như seo, website, thiết kế, quay và biên tập video, v.v… Thậm chí nhiều người còn lên án các công ty đòi hỏi nhân sự đa năng như vậy. Nhưng các bạn có biết rằng, ở công ty chúng tôi, 1 marketer đúng nghĩa sẽ phải biết làm tất cả những thứ đó? Không biết thì học. Tự học không được thì đi tìm thầy. Không làm được thì sẽ bị đào thải. Bạn chấp nhận bị đào thải hay sẽ hoàn thiện mình để đáp ứng được yêu cầu công việc?

Để tiếp thu được toàn bộ khối kiến thức kể trên, tôi đã mất nhiều năm vừa học vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm. Có những thứ làm đi làm lại vẫn thấy như mới. Có những lần tranh luận sôi nổi với đồng nghiệp, có lần tủi thân vì dự án không được sếp duyệt, có lúc chán vì không đạt KPI, có lúc thất vọng vì chính sách không như mong muốn, có lúc tưởng như bị sa thải tới nơi… 

Nhưng tại sao tôi vẫn tiếp tục làm marketing du lịch?

Trước hết tôi muốn nói với các bạn rằng, đôi khi chúng ta không được lựa chọn nghề – nghiệp, mà là do duyên số tự đưa chúng ta đến với nó. Với tôi đúng là như vậy. Tôi chỉ làm một việc duy nhất là tự quyết định không đi làm giáo viên, các mốc còn lại đều do sự run rủi của số phận.

Cho nên, khi đã bén duyên rồi, hãy bình tĩnh để làm hết sức. Hãy tự cho mình thời hạn nhất định để khẳng định giới hạn bản thân. Nếu như sau 6 tháng đầu tiên làm mark, tôi vội vàng bỏ đi, thì mọi việc sẽ thế nào? Nếu như không phải tôi được làm việc với những người tin tưởng tôi thì sẽ ra sao?

Rất may không có nếu như!!! Hiện tại mới là điều quan trọng 🙂 Một điều rất rõ ràng rằng, công việc marketing này đã mang tới cho tôi quá nhiều thứ đáng giá, giúp tôi trưởng thành hơn, cũng cho tôi nhiều người bạn trân quý.

Tôi vốn không giỏi giang gì nên ngày ngày vẫn đang chăm chỉ làm tốt những phần việc của mình. Để sau dù có chuyện gì vẫn có thể bình thản mỉm cười, bởi vì mình đã cố gắng hết sức rồi.

Tạm thời chia sẻ tới đây nhé. Trong phần tiếp theo, tôi sẽ kể cho bạn nghe những năm tháng đầu đời marketing của tôi và những bài học đầu tiên vô cùng quý giá. Chắc chắn sẽ có ích cho không ít người đang muốn dấn thân vào nghề marketing du lịch.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *