Cóc, xoài, trứng luộc, bánh giò, bánh sắn đây! Mời các bác cóc, xoài, trứng, bánh giò, bánh sắn nào…
Tiếng rao của cô nhân viên trên tàu làm nó tỉnh giấc. Ngẫm nghĩ một lúc nó mua túi bánh sắn 15 nghìn được 5 cái, ngồi nhâm nhi từng miếng. Cũng phải 20 năm có lẻ giờ nó mới ăn lại món này. Có lẽ do quá lâu mới được ăn mà nó thấy hương vị bánh ngon khác thường, hơn hẳn vị bánh ngày xưa. Hoặc cũng có thể do trước đây nhà nó chỉ làm bánh không nhân nên thiếu đi độ ngậy chăng? Mỗi cái bánh nhỏ bằng 3 ngón tay chụm lại, nó ngồi một lúc đã ăn gần hết.
Tuổi thơ của nó gắn liền với sắn. Ai bảo nó sinh ra đã ở trên đất sắn. Nhà nhà trồng sắn, người người ăn sắn. Trong thời kỳ bao cấp nghèo khó ấy, sắn càng là món ăn không thể nào thiếu được.
Trước khi nó vào lớp 6, nhà nó đã qua 3 lần chuyển nhà. Ở chỗ nào cũng vậy, luôn có một khoảng đất để trồng sắn. Những cây sắn cao gấp đôi người nó, đung đưa trong gió, trở thành nơi cho nó chơi những lúc trốn ngủ trưa, thậm chí có lần nó còn lấy khăn len buộc vào hai cây sắn to đùng giả làm xích đu.
Mùa sắn đến, nó theo mẹ và chị đi nhổ sắn. Nó lẽo đẽo xách từng củ sắn bỏ vào đống, nhiều lúc mải nghịch chỉ làm vướng chân mọi người. Sắn được cạo sạch đất, chia làm nhiều loại để xử lý, hoặc bóc vỏ cắt miếng phơi khô hoặc để nguyên củ đi bán.
Hầu như ngày nào nhà nó cũng ăn sắn. Dưa sắn, Sắn luộc, sắn duôi miếng nhỏ trộn với cơm, xôi sắn mỡ hành. Sắn khô xay thành bột để nấu canh, làm bánh.
Nó nhớ nhất là món canh sắn và bánh sắn. Canh sắn là món tủ của bố, còn bánh sắn là sở trường của mẹ. Để làm hai món này đều phải dùng bột sắn.
Bột sắn nhào với nước ấm, vo viên nhỏ tơi, vừa vê bỏ vào nồi nước đã sôi vừa khuấy nhẹ cho sắn sánh và trong. Thêm gia vị, chút thì là thái nhỏ, vậy là có bát canh sóng sánh dậy mùi thơm thì là. Hôm nào sang chảnh có thêm trùng trục xào thơm hành mỡ cho vào, ăn càng thêm đậm đà.
Bánh sắn của nhà nó còn đơn giản hơn nữa. Nhào bột sắn với nước thành khối dính, rồi đắp bột quanh cái đũa ăn cơm thành nắm nhỏ nhỏ, rút đũa ra là được cái bánh bầu dục có lỗ ở giữa, bỏ vào nồi luộc, khi nào bánh trong veo nổi lên thì vớt ra là xong. Chị em nó vẫn gọi là bánh tu hú. Khi ăn thì chấm với đường hoặc mật. Hồi ấy nhà nghèo lắm, chỉ làm bánh chay thế thôi chứ làm gì có thịt với đỗ mà làm nhân mặn. Vậy mà mỗi lần mẹ làm là chị em nó vẫn ăn đầy hào hứng. Nó thích nhất lúc ngồi nặn bánh, tranh thủ vừa nặn vừa nghịch cho đã.
Bánh sắn bây giờ làm rất ngon, có đỗ xanh, có ít thịt, ăn vừa ngậy vừa bùi, vị thanh đạm rất vừa. Nhưng nhà nó không có ai làm nữa rồi, mỗi chị em một ngả, nhà cũng chẳng còn vườn sắn nữa. Mỗi lần về nhà thèm ăn lại rủ nhau ra chợ mua.
Ngày ấy bố mẹ nó làm giáo viên, lương chẳng đủ nuôi chị em nó. Cái khó ló cái khôn, bố nó tranh thủ thời gian rảnh nấu rượu sắn, rồi mang rượu đi bán. Có lần bố mẹ đi vắng, chị em nó lấy bỗng rượu ăn vụng. Bỗng sắn cay nồng nồng, ăn hết nguyên củ bự. Đến lúc bố về thì hai bà chị của nó say rượu sắn lử đử, nằm bên chum rượu hát xanh xanh đỏ đỏ ầm ĩ cả nhà. Khi đấy nó 3 tuổi thì phải, bé tí đã nhớ gì đâu. Nhưng vì bố kể đi kể lại nên nó tưởng như chính mắt mình được chứng kiến 2 chị bê tha cỡ nào. Mỗi lần ngồi ôn chuyện cũ với bố là lại cười khoái chí.
Còn có lần hai bà chị nó cãi nhau, bố bực quá đánh hai chị gẫy cả cây sắn, rồi phạt mỗi chị đứng một góc. Nó sợ xanh mắt mèo mà nhìn. Nghe kể nó chính là đứa mách lẻo để bố biết mới phạt hai chị thế. Chẳng rõ thế nào…
Sắn đã đi qua những năm đầu đời của nó đầy ấn tượng như thế. Kỳ lạ, nó nhớ tất cả các món sắn này hơn hết thảy. Không phải là yêu thích, mà bởi quá ấn tượng. Ngoảnh đi ngoảnh lại, hóa ra đó không đơn thuần là một món ăn, đấy là quê, là nhà, là hương vị gia đình thân thương đi theo nó mãi. 🙂 🙂
Bánh sắn trong tay đã chẳng còn miếng nào, nó thu dọn vỏ bỏ vào túi rác. Tàu cũng đang chuẩn bị đến ga kế tiếp. Cặp vợ chồng già ngồi hàng ghế bên kia vẫn rôm rả nói chuyện, bảo bánh sắn trước chúng tôi ăn ngấy cả ra giờ lại thành đặc sản.
Ừ, đúng thế, bây giờ bánh sắn quê nó thành đặc sản rồi. Muốn ăn cũng không dễ mua được đâu.