Những vui buồn ở ngôi nhà thứ 3

Khi tôi học lớp 4, bố mẹ tôi chuyển sang dạy trường khác, thế là lại chuyển nhà. Lần chuyển nhà thứ 3 từ khi tôi sinh ra.  

Làm quen với ngôi nhà mới

Gọi là nhà, nhưng đó thực ra không phải là nhà riêng, vẫn chỉ là căn phòng nhỏ trong khu tập thể của trường học nơi bố mẹ tôi giảng dạy. Tôi thấy so với khu tập thể trước thì còn kém xa. Nhưng với bố mẹ tôi thì là cả một bước tiến lớn, vì nó đã giúp bố mẹ tôi tới càng gần vạch đích: chuyển về sống và làm việc ở quê nhà, gần ông bà nội. 

Khu tập thể này nằm ngay phía bên tay trái lối vào trường, nhìn thẳng ra đường. Không có cái hầm như trước cho bọn tôi chơi, không có khoảng vườn rộng thênh thang phía sau, cũng chẳng có cái giếng nào cho tụi tôi vầy nước. Mà lúc này cũng lớn hơn chút, nên tôi biết xấu hổ rồi.  

Chị cả tôi đã được bố mẹ cho về ở với ông bà nội, vừa để giúp việc cho ông bà, vừa vì nhà tập thể ở trường chật lắm, không có đủ chỗ.
Bố mẹ tôi, chị thứ 2, tôi và em tôi, 5 người chia nhau không gian của căn phòng tập thể. Giờ tôi cũng không nhớ rõ chia vách phòng như thế nào, khu vệ sinh ở đâu, nấu bếp chỗ nào. Một số chuyện chỉ như những vệt sáng loang loáng, tôi nhớ mang máng chứ không kể được chi tiết. Lại có những chuyện sáng rõ như chỉ vừa mới diễn ra hôm qua thôi.

Lần chuyển nhà này làm tôi nhớ những khoảng không vui đùa ở ngôi nhà cũ rất nhiều (Ảnh: ngocnta13photo)

Cuộc sống hàng ngày vẫn tiếp diễn

Từ đợt chuyển về khu này thì mẹ tôi mở thêm quán bán quà vặt nho nhỏ để tăng thu nhập cho gia đình. Nơi này so với hai chỗ ở trước kia thì được coi là phố đấy, không còn ở trong rừng nữa, sát ngay mặt đường, xe cộ nhộn nhịp hơn. Cho nên giá cả mọi thứ cũng đắt hơn.
Mặt hàng mẹ tôi bán chạy nhất là hướng dương với mấy loại quả linh tinh như dưa chuột, mận, đào… tùy theo từng mùa. Nhưng toàn bán lỗ thôi vì chủ yếu là học sinh mua. Mà chả hiểu sao tôi lại thấy ngại ngại, nên toàn trốn bán hộ mẹ. Dần dần mẹ cũng dẹp luôn cái quán đó, chuyển sang buôn lạc. Thế là cứ tới mùa lạc, cả nhà tôi thi nhau ngồi kẹp lạc. Cái kẹp giống loại kẹp càng cua, ghẹ ấy, nhưng được làm bằng tre, dùng để tách vỏ lạc cho nhanh, chứ ngồi bóc bằng tay thì bao giờ mới được một tải. Kẹp nhiều cũng sưng cả tay luôn. 

Bố tôi mượn được một gian bên cạnh phòng nhà tôi để làm nơi chứa lạc. Hết tải lạc này tới tải lạc kia, chất đống trong phòng. Sau có đợt tôi ghét lạc, ghét không muốn ăn, như đã từng ghét sắn, khoai vậy.

Có lần mẹ tôi mơ gì đó, bảo tôi đi đánh đề hộ. Tôi cầm 500 đồng đi ghi đề cho mẹ mà chỉ sợ bị đứa bạn nào bắt gặp. May quá không sao. Hôm đó mẹ trúng đề, được 35 nghìn, mừng ơi là mừng. Thế mà mẹ chẳng cho tôi tí gì. 

Có những ngày kẹp lạc sưng cả tay. Là lạc già bóc vỏ lấy hạt, chứ không phải lạc non luộc ăn như thế này đâu 😀

Chuyện học, chuyện chơi

Có một điều kỳ lạ là tôi không nhớ chút gì về quãng thời gian học hành của tôi trong giai đoạn này. Cứ như bị đứt đoạn trí nhớ vậy. Tôi chỉ nhớ loáng thoáng những lần 20 tháng 11 hay 26 tháng 3 là trường có tổ chức cắm trại, tôi cứ lê la đi các gian trại mà chơi thôi. 

Ngôi nhà mới này đánh dấu bước thay đổi lớn của tôi khi tôi bắt đầu tập làm thơ. Bài thơ đầu tiên của đời tôi là bài Cây bàng. Tôi chỉ nhớ được tới đó, còn nội dung như nào thì quên sạch mất. Tôi còn nhớ là đưa cô tôi xem, cô vốn là nhà báo ở báo an Ninh, cô còn khen tôi, làm tôi cứ ôm mộng trở thành nhà thơ nổi tiếng. 
Sau đó tôi còn làm rất nhiều thơ nữa, viết cẩn thận vào một quyển sổ xinh xinh. Vậy mà nó đã bị thất lạc. Tiếc ơi là tiếc. 

Vào cuối tuần, hay bất cứ lúc nào rảnh rỗi, chị em tôi thường rủ nhau sang khu nhà máy bên kia đường. Đứng từ nhà tôi còn nhìn thấy. Bên đó có hàng cây keo lá tràm và bạch đàn cực tốt. Tụi tôi sang đó nhặt lá, nhặt cành khô về làm củi. Quan trọng nhất là sang mót than, nhặt sắt, góp lại thành một mớ để bán. Mỗi lần được một, hai đồng là sướng rơn.

Một ký ức buồn nhưng cũng giúp tôi biết nghĩ hơn

Nhà tôi hồi đó vẫn nghèo lắm, không khá hơn những năm trước là bao. Nhưng chúng tôi còn nhỏ nên vẫn vô tư, chẳng bận tâm tới những băn khoăn lo lắng của bố mẹ, vẫn thấy ổn dù cả nhà ở trong một căn nhà tập thể bé tí. 

Đêm ấy tôi giật mình tỉnh dậy vì tiếng bố mẹ cãi nhau. Bố mẹ nói nhau gì đó tôi không nghe rõ, rồi mẹ kêu lên: Trời ơi sao tôi không chết đi, tôi khổ quá… 
Tôi sợ run người, cứ nằm trên giường lén khóc, không dám lên tiếng.  

Tôi không nhớ những chuyện xung quanh đấy nữa, ghim vào đầu tôi là hình ảnh mẹ đầu tóc rối bời, nước mắt giàn giụa và bố mắng mẹ rồi đỡ lấy hai vai mẹ. Sáng hôm sau tất cả vẫn bình thường như mọi khi. Bố mẹ vẫn nấu cơm sớm cho cả nhà ăn, rồi vội vàng đi dạy, chị em tôi đến lớp học. Cuộc sống chẳng có gì biến đổi. Tôi không dám hỏi bố mẹ về việc đêm hôm đó, tôi nghĩ người lớn có rất nhiều điều mà mình không hiểu được và cũng không nên biết.
Đến bây giờ chắc bố mẹ tôi cũng chẳng ai còn nhớ sự kiện đêm ấy, nhưng không hiểu sao tôi vẫn nhớ. Nghĩ lại, tôi có thể hiểu được tâm trạng của bố mẹ mình khi đó. Với đồng lương giáo viên cực kỳ thấp, bố mẹ tôi đã rất vất vả để có thể lo lắng chu toàn cho 4 chị em tôi, lại còn dành dụm tiền để xây ngôi nhà mơ ước. Làm sao tránh được những lúc stress hay muộn phiền…???
Đúng là có lớn khôn mới hiểu lòng cha mẹ!!!

Có nhiều chuyện khiến tôi buồn, nhưng chính những điều đó lại giúp tôi trưởng thành hơn (Ảnh: ngocnta13photo)

Chúng tôi chỉ ở ngôi nhà này một thời gian ngắn. Khi tôi vào lớp 5 thì cả nhà tôi tiếp tục chuyển nhà một lần nữa. Lần này là lần cuối cùng, vì đã được về đúng quê hương, chỉ cách nhà ông nội tôi một đoạn ngắn xíu. Đây mới đích thực là nhà theo đúng nghĩa, do chính tay bố mẹ tôi xây nên, là nơi đi theo tâm trí tôi tới mãi sau này.

Đọc thêm các bài viết khác trong seri Ký ức tuổi thơ của tôi tại đây: Ký ức tuổi thơ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *