Nếu Thanh Hóa có nem chua, Nam Định có nem nắm, Phùng có nem Phùng thì Phú Thọ có thịt chua. Bắt nguồn từ huyện Thanh Sơn, món ăn này đã dần phổ biến ra cả tỉnh, trở thành món ăn đặc trưng của vùng trung du, để rồi nhắc tới là người ta sẽ nghĩ ngay đến Phú Thọ.
Cũng là chế biến từ thịt và để lên men nhưng thịt chua Phú Thọ được làm khác hẳn nem chua Thanh Hóa. Với nem chua, thịt phải thật khô, không được dính nước trong khi với món thịt chua, thịt được rửa sạch, nướng hoặc trần sơ qua, sau đó mới ướp các gia vị. Bởi vậy khi thành phẩm, thịt chua Phú Thọ mới có vị hoàn toàn khác biệt, làm hài lòng bất cứ ai sành ăn. 🙂 🙂
Nhiều người không biết lại đánh đồng thịt chua với nem chua, thật là đáng tiếc!
Thính là thành phần quan trọng nhất tạo ra hương vị riêng cho món thịt chua, được làm từ gạo nếp thơm kết hợp cùng các loại ngũ cốc như ngô, đỗ tương, đỗ xanh. Mỗi nhà lại có một bí quyết làm thính riêng cũng như tỉ lệ trộn thịt – thính để tạo nên hương vị đặc biệt cho món thịt chua của nhà mình.
Thịt thái sợi chỉ mỏng, trộn thính thật đều, được cho vào trong hộp nhựa, lót vài lá ổi, rồi dùng que nứa nén chặt lại, sau đó để lên men tự nhiên khoảng 3-5 ngày tùy theo điều kiện thời tiết là có thể ăn được. Thay vì đặt trong hộp, nhiều nhà cuốn tròn thịt trong lớp nilon và gói lại bằng giấy báo. Tôi thì thích nhất cách làm truyền thống là cho thịt vào trong các ống nứa đã được rửa sạch. Nhưng bởi vì cầu kỳ mà cách này hầu như đã không còn được dùng nữa rồi.
Thịt chua được ăn cùng với các loại rau sống, nhất là lá sung, lá mơ hay đinh lăng. Vài miếng thịt đặt lên lá sung, thêm lá mơ, thêm vài cái húng, cuốn tròn lại, chấm trong nước mắm pha loãng kèm thêm chút cay, quả thực khiến người ta phải xuýt xoa vì vị ngọt của thịt, độ giòn của bì, vị chua dịu nhẹ quyện trong mùi thơm của thính.
Thật đúng là ăn một miếng ngon sẽ thấy mát lòng mát dạ!!!