Đi làm về, ngang qua những quầy bánh Kinh đô, Thu Hương, Hà Nội nằm chen nhau trên phố, tôi chợt giật mình nhận ra Trung thu đã gần kề. Lòng lại nhớ trung thu ngày trước, cái thời tôi vẫn còn là đứa trẻ ham chơi, suốt ngày trốn ngủ trưa đi chơi với lũ trẻ trong làng. Những tháng ngày ấy sao tuyệt vời đến thế!
Trung thu là ngày chúng tôi mong chờ không kém gì Tết nguyên đán, thậm chí có phần hơn, bởi chúng tôi được định sẵn trong đầu, đó là tết dành riêng cho mình với những thứ chỉ có trong dịp đó để tận hưởng: có bánh nướng, bánh dẻo, có quà của bố mẹ, có đèn ông sao, có phá cỗ, có rước đèn… Cái đặc quyền được một ngày tết của riêng mình nó hấp dẫn lắm. Tất cả đều đáng để đợi chờ từng phút một.
Chúng tôi hò nhau chuẩn bị Trung Thu từ rất sớm. Đầu tiên là làm đèn hạt bưởi. Phải góp nhặt từng hạt bưởi đào, chọn hạt to, bóc vỏ, lấy lạt tre xiên thành 1 xâu dài rồi mang phơi khô. Đợi đến đúng ngày sẽ lấy ra đốt, thi xem của đứa nào cháy lâu, cháy đẹp nhất. Hạt bưởi cháy tí tách, tỏa mùi thơm nhè nhẹ, thích vô cùng.
Rồi chúng tôi làm đèn ông sao. Hì hụi vót tre thành que dài buộc làm khung. Cái giấy bóng mỏng dính đủ màu sắc mua ở hàng xén về phải nâng niu từng tí kẻo rách. Tới trung thu sẽ thi xem đèn của ai to hơn, tròn hơn, đốt được lâu hơn mà không bị cháy đèn, không bị rách giấy. Đứa nào ham làm đèn to lúc vác đi rước đèn mỏi nhừ tay. Mà vẫn thấy oai lắm!!!
Có đứa còn tự chế đèn bằng ống bơ sắt, đục lỗ luồn dây treo lủng lẳng vào que tre, xách tung tẩy đầy khoái chí.
Tôi thì hóng xem khi nào mẹ sẽ mua bánh nướng, bánh dẻo, rồi ngóng tới lúc mẹ cắt bánh cho ăn. Mỗi chị em một mẩu bánh nho nhỏ, nhấm nháp từng chút từng chút một. Tôi luôn bị mắng vì nhè hết nhân mỡ ra khỏi bánh. Mẹ tôi mắng cái tội lãng phí, kén ăn.
Đến đúng ngày, chúng tôi tham gia chương trình trung thu ở trường. Từ 5h chiều đã í ới gọi nhau đi, mỗi đứa mang theo một món đồ để góp làm cỗ. Đứa thì bánh, đứa mang hồng, đứa cầm đèn ông sao, đứa xách chuối. Tôi hình như năm nào cũng mang bưởi. Quả bưởi tròn vo ôm gọn trong lòng rất tiện.
Các lớp thi bày cỗ, xem mâm cỗ lớp nào to đẹp nhất. Bọn con gái trổ tài làm chó bông từ bưởi, làm thuyền buồm từ dưa hấu, còn bọn con trai làm đèn ông sao. Trong lúc chờ chấm giải thì kéo nhau sang các lớp khác chỉ trò bình luận, chê bai mâm cỗ của tụi nó. Trong trí nhớ của tôi thì lớp tôi chưa khi nào đạt giải mâm cỗ đẹp, bởi toàn bọn làm ít, chơi nhiều, cãi nhau là chính. Thích nhất lúc phá cỗ, ăn hoa quả, chia nhau bánh, rồi mỗi đứa một cái đèn ông sao đi vòng quanh sân trường, vừa đi vừa hát, trống đánh inh ỏi.
Tan hội ở trường, chúng tôi đi vòng về làng, tập trung ở giữa làng chơi với nhau. Quê tôi không có đội múa lân múa rồng, chỉ có phá cỗ rồi rước đèn đi như vậy. Cũng thấy vui lắm rồi! Có năm do mưa bão, con đường làng nước ngập tới đầu gối, chúng tôi vẫn lội bì bõm đi rước đèn, tiếng cười đùa vang khắp chỗ.
Khi tôi vào cấp 3, đi học xa nhà, trung thu đã dần khác. Tết trung thu ở trường cũng chỉ tổ chức duy nhất năm lớp 10. Hình như mọi người đều nghĩ đó chỉ là tết dành cho trẻ con thôi. Tôi đã không còn lọ mọ phơi xâu hạt bưởi để đốt, không còn mong ngóng lễ rước đèn đi vòng vòng trên đường. Dịp Trung Thu về lại ngồi lặng lẽ nhớ nhà, nhớ lũ bạn thò lò mũi xanh (mà đến giờ cũng tan tác mỗi đứa một nơi chẳng biết có còn nhớ tới nhau không nữa)…
Trung thu với mâm cỗ hoa quả nay chỉ còn trong ký ức. Nhiều hôm lang thang trên phố, nhìn tụi nhỏ háo hức với mặt nạ, súng phun nước, đèn kéo quân có pin phát sáng kèm tiếng nhạc tàu the thé, tôi cứ nhớ tới đèn hạt bưởi, nhớ tới cái đèn ông sao tự làm méo xệch, nhớ cả vị bánh nướng bánh dẻo thơm ngon ngày đó.
Mọi thứ vẫn vẹn nguyên trong tâm trí như mới ngày nào…