Về Phia Thắp (Cao Bằng) khám phá nghề làm hương của người Nùng

Nép mình dưới chân núi Phà Hùng (Núi To) của xã vùng 3 Quốc Dân, Huyện Quảng Uyên, Cao Bằng, Phia Thắp được biết đến bởi nghề làm hương truyền thống từ bao đời nay.

Phia Thắp là bản của người Nùng với đặc trưng là nhà sàn, mái ngói, các gian nhà số lẻ nhiều hay ít tùy theo quy mô gia đình, cột nhà to, hướng nhà nhìn ra thiên nhiên rộng rãi, thoáng đãng. Cũng như nhiều nơi khác ở Cao Bằng, Lạng Sơn, người Nùng còn ở nhà tường đất, mái thấp. Họ trồng cây lương thực (lúa, ngô, khoai, sắn,…) trong các thung lũng và cây ăn quả (quýt, hồng) trên những ngọn đồi. Họ cũng rất giỏi các nghề thủ công : mộc, đan lát, rèn, dệt, gốm ngói.
Ở Phia Thắp chỉ có hơn 50 hộ sinh sống. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng mọi người luôn thân thiện, nhiệt tình. Tôi may mắn được nghỉ tại nhà chú Kim có góc nhìn khá đẹp, từ nhà có thể nhìn ra cả làng, ngắm bình minh hay hoàng hôn đều đẹp.

Người dân ở Phia Thắp truyền nhau cách làm hương từ đời này sang đời khác. Hương ở đây rất an toàn và có mùi thơm riêng do được làm từ nguyên liệu tự nhiên 100%, không sử dụng hóa chất hay chất bảo quản.

Để làm thân hương, người ta sử dụng cây mai cắt khúc dài khoảng 40cm, chẻ thành các que nhỏ, vót trơn và được chuốt qua một dụng cụ đơn giản gọi là bàn chuốt để trở nên tròn, mịn. Lá cây bầu hắt phơi khô, nghiền thành bột làm chất kết dính. Gỗ thông mục nghiền nát thành bột để tạo màu. Mùn cưa được dùng làm chất đốt.
Thân hương sau khi chuốt tròn mịn sẽ được nhúng nước, lăn qua lớp bột lá bầu hắt để có độ dính rồi lăn qua mùn cưa. Lớp mùn cưa lúc này sẽ được kết dính vào thân hương. Que hương tiếp tục được nhúng nước, lăn mùn cưa lặp lại 4 lần. Lần cuối cùng là lăn chất tạo màu đồng thời cũng tạo mùi thơm. Sau đó hương được cắm vào ống đá, phơi khô. Nếu trời nắng to thì phơi một ngày là khô, nhưng nếu âm u thì sẽ cần 3-4 ngày. Khi đã khô rồi sẽ nhúng chân hương vào phẩm màu để làm chân có màu đỏ đẹp. Nghe nói phẩm màu này cũng được làm từ bột gỗ tự nhiên, mà tôi vẫn chưa biết được đó là gỗ gì.

Trong quá trình làm phải lưu ý rất nhiều điều. Nếu cho quá nhiều chất kết dính (bột lá bầu hắt) thì cũng không thành hương được. Nếu lăn thân hương qua lớp mùn cưa quá 4 lần thì que hương lại to quá, không đẹp. Nếu tay lắc không đều thì bột sẽ không bám đều vào thân hương. Nhìn người làm thì có vẻ đơn giản, cổ tay quay dẻo như múa, nhưng để đạt đến độ thành thục như vậy cần rất nhiều thời gian.

Hương làm xong được mang bán đi khắp vùng. Tùy từng nhà mà giá ban dao động từ 10k-20k/bó nhỏ. Có dịp lên Cao Bằng, thăm Bản Giốc, bạn nhớ dừng chân ở Phia Thắp để xem bà con làm hương và mua về dùng thử nhé.

Phia Thắp, Cao Bằng - Hoa Chio
Gỗ thông mục và lá bầu hắt phơi khô

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *