Cao Bằng trekking – Đường về Bản Giốc (Ngày 3)

Xem lại Ngày 1Ngày 2 🙂

Sau 2 ngày trekking hết mình đến và đi từ Phia Thắp, tôi cũng như mọi người đều rất mong chờ ngày tiếp theo, không biết sẽ có nhiều bất ngờ như hai ngày trước không.
Cuối cùng, ngày thứ 3 tuy chỉ đi bộ một chút nhưng lại ấn tượng không kém, thậm chí còn thú vị hơn nhiều khi lần đầu tiên chúng tôi gặp mưa đúng lúc đang vượt núi. 🙂

Cao Bằng trekking - HoaChio
Sáng yên bình ở Phia Thắp

Khi chúng tôi kết thúc bữa sáng, nắng đã lên cao, báo hiệu tiếp tục một ngày nắng nóng rực rỡ. Tạm biệt chú Kim cùng gia đình, chúng tôi xách hành lý ra xe, dừng chân ở một nhà đầu bản Phia Thắp để xem trình diễn làm hương.
Lần đầu tiên chứng kiến làm hương thủ công, tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Ồ sao cái đó lại dính được, ồ hóa ra cái đó tạo màu. Lẩn thẩn không để ý thẻ nhớ bị đầy, không lưu được video. Vậy là khi mọi người bắt đầu ra xe, tôi cố nán lại để quay từ đầu cảnh làm hương, sau đó vác balo chạy đuổi theo mọi người, mồ hôi nhễ nhại. Nhưng mà không tiếc chút nào, bởi đợi tới bao giờ mới có cơ hội trở lại để ghi hình tiếp đây?

Xe đưa cả đoàn về Trùng Khánh. Sau khoảng 15 phút chạy xe thì dừng ở làng Phúc Sen để mọi người xem quy trình rèn dao. Phúc Sen nổi tiếng với nghề rèn, từ rất lâu rồi. Nhưng nghe nói tại làng giờ ít nhà giữ nghề, nên để xem được trọn quy trình rèn không dễ chút nào. Chúng tôi may mắn vào đúng một hàng bày bán dao, liềm, và rèn tại chỗ luôn. Có 3 người làm, mỗi người một việc phối hợp nhịp nhàng với nhau. Tiếng búa nện, tiếng mài cắt vang lên không ngừng.
Vậy là sau làm hương, tôi được biết thêm cách rèn dao như thế nào. Không có gì đơn giản cả, mỗi nghề một khó khăn riêng. Chỉ tiếc những nghề truyền thống thế này dường như đang bị mai một rồi.
Sau làng rèn Phúc Sen chúng tôi đi thẳng tới Công viên địa chất non nước Cao Bằng, nơi có động Ngườm Ngao nổi tiếng. Tại đây chúng tôi chia 2 nhóm, nhóm 1 đi thăm động, nhóm 2 sẽ đi xuồng cao su trên dòng sông Quây Sơn. Tôi gia nhập nhóm một vì tò mò muốn biết động này có thực đẹp như miêu tả không, một phần vì tính nhát nước cố hữu của mình 🙂
Bước qua cổng soát vé vào trong sân phía trước cửa động là một không khí hoàn toàn khác biệt. Luồng gió mát ập vào người, như vừa mở cửa tủ lạnh nchui ào bên trong, không còn chút xíu nóng nực nào. Mát lạnh, sảng khoái vô cùng!!!
Ngườm Ngao đẹp hơn hẳn những động ở miền Bắc mà tôi đã từng thăm như Sửng Sốt ở Hạ Long, Hua Mạ hay động Puông ở Ba Bể… Tôi thích thú ngắm nhìn những khối nhũ đá với nhiều hình thù khác nhau trong đó có những thứ chỉ có ở đây như cây san hô khổng lồ, đài sen ngược, ruộng bậc thang…. Cũng phải kể đến dòng suối chạy xuyên bên trong động tạo nên âm thanh vui tai mà không động nào có được.

Buổi sáng kết thúc bằng bữa tiệc hạt dẻ nướng ở lối ra động Ngườm Ngao. Dẻ nở bung nóng hổi, bùi bùi, thơm thơm làm yên lòng những cái bụng đang biểu tình vì đói. Sau đó chúng tôi về khách sạn nghỉ ngơi trước khi đi ăn trưa và lấy sức cho buổi chiều hành quân về thác Bản Giốc.

Khác với mọi người thường chạy thẳng xe tới Bản Giốc, chúng tôi sẽ đi bộ xuyên qua núi thăm một động mới được khai thác, rồi tiếp tục leo núi, từ núi đó chúng tôi sẽ được nhìn toàn cảnh thác Bản Giốc. Cuối cùng là xuống núi để tiến về thác. Nghe kể thì đơn giản nhưng hành trình đi lại không hề dễ chút nào.

14h chiều, khi trời đang nắng gay gắt, chúng tôi đi về làng Lũng Niếc, qua con đường mòn sau làng, bắt đầu chặng đường leo núi, cứ lên và lên thôi. Dưới ánh nắng oi bức, mọi người nhanh chóng thấm mệt, đi một đoạn ngắn lại đứng nghỉ. Chúng tôi đứng dưới bóng cây sâu sâu xum xuê lá, nghe anh hướng dẫn địa phương giải thích: “Nếu miền Tây có lẩu bông điên điển, Tây Bắc có lẩu Hoa Ban thì Cao Bằng có lẩu rau sâu sâu. Lá cây này ăn lẩu rất ngon, còn được dùng để tạo màu đen khi làm xôi ngũ sắc. Giã lá sâu sâu rồi đun lên, vắt lấy nước đẻ ngâm gạo, vậy là gạo sẽ có màu đen”.
Ước gì có cơ hội ăn lẩu rau sâu sâu nhỉ? Nhưng thú thật cái tên nó lại làm tôi sờ sợ, nghe như ăn lẩu sâu vậy.???

Cuối cùng đã đến động rồi! Người thì bảo động tên Ngườm Xe, người bảo Động không có tên. Chúng vừa đi vừa cười đùa, hò nhau đặt tên cho động. Cái tên Ngườm Hung có vẻ khá được yêu thích (ngườm nghĩa là động theo tiếng dân tộc, còn Hung là nói chệch từ Hùng, tên anh trưởng đoàn của chúng tôi). Nghe tên Ngườm Hung cũng thấy rất hợp với núi rừng đấy chứ.?
Hình như ngoài những người đã tìm ra động và cải tạo lối đi vào động thì chưa có ai đến đó, bởi mọi thứ vẫn còn nguyên sơ như chưa có dấu chân người. Chúng tôi phải trèo lên một chiếc thang tre để lên cửa động. Tiếp tục leo xuống một thang tre khác để vào bên trong. Động tối om, không chút ánh sáng nào. Chúng tôi mỗi người một đèn pin trong tay, dò dẫm từng bước, thậm chí có những đoạn nước trơn phải từ từ trườn xuống, tay chân bê bết bùn. Cảm giác như mình đang là những người đầu tiên khám phá một kỳ quan thế giới. Với những ai ưa thích mạo hiểm thì đây sẽ là một hành trình cực kỳ ấn tượng.
Bên trong động cũng có nhiều nhũ đá với các khối hình khác nhau rất đẹp và sáng lấp lánh. Dơi vẫn làm tổ trên trần, nhện bò đầy mặt đất. Những vũng nước uốn lượn như ruộng bậc thang mùa nước đổ, soi đèn vào ánh sáng hắt lên đá uốn lượn như đang nhảy múa, tạo nên bức tranh đẹp tuyệt vời.
Ở lối vào động do mấy hôm trước trời mua nên khá ẩm, là điều kiện tốt cho vắt phát triển. Một chị trong đoàn đã bị vắt bám vào. Tôi thì sợ chết khiếp, bị ám ảnh tới mức cứ nghĩ trong giầy của mình đang có con gì bò bò ở kẽ chân. ?

Ra khỏi động, chúng tôi tiếp tục leo lên, đường càng lúc càng dốc. Nắng đã tắt, sấm đã nổi, gió mạnh hơn và rồi lác đác một vài giọt mưa. Tôi thầm cầu đừng mưa vội, để mọi người kịp xuống tới ngôi chùa lưng chừng núi. Nhưng ông trời quá ác, chúng tôi mới vừa đến đỉnh núi thì cơn mưa ập xuống. Giữa núi rừng không có chỗ trú, không bóng cây to, mọi người lại chủ quan không mang áo mưa, chỉ còn cách cắm cúi đi tiếp. Nước mưa rơi vào mặt mát lạnh.
Tôi lấy áo chống nắng mặc trùm ra ngoài, vênh mặt hứng tí nước mưa. Từ lâu lắm rồi không biết thế nào là đi bộ phơi người giữa trời mưa. Cảm giác như quay trở lại thời sinh viên, có lần đã cùng đứa bạn đi dạo mưa như hai đứa hâm. Khác chăng lần này, có thêm bùn đất, nước mưa, mồ hôi quyện vào nhau tạo thành hỗn hợp đặc biệt rất khó tả!???

Và rồi, quang cảnh thác Bản Giốc hiện ra. Tôi không thể kìm được tiếng kêu thích thú. Bản Giốc nước chảy trắng xóa. Hơi nước bốc lên tạo thành một màn sương mờ ảo trong mưa. Những đám mây trắng cuộn mình phía trên thác, khung cảnh đẹp khiến tôi ngỡ ngàng.
Tôi hào hứng đi xuống núi, về phía chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc để ngắm toàn cảnh thác rõ hơn. Mưa bắt đầu ngớt, chúng tôi thi nhau đứng chụp ảnh thác. Đường về Bản Giốc thật tuyệt vời biết bao.

Chúng tôi tiếp tục xuống núi để ra tận chân thác. Ở chặng cuối cùng này, do trời mưa, tôi đã bị trượt chân ngã một cú đau điếng. Miệng tuy cười để quên đi cái đau mà trong lòng thì thầm gào thét mẹ ơi sau đau thế. Kết quả để lại là đến tận bây giờ vẫn còn 2 vết sẹo ở cổ tay trái, cú ngã nhớ đời, dấu ấn nhớ đời của Bản Giốc.
Tiếng nước chảy ầm ầm vang cả một vùng. Cách thác cả đoạn dài mà tôi đã thấy nước bắn lên mặt, lên người như mưa rơi. Bản Giốc đẹp quá, thật không có lời nào tả hết được. Mọi người đi thăm Bản Giốc nên đi trong khoảng thời gian tháng 7-t10 đúng mùa nước để thấy lúc thác đẹp nhất nhé.
Điểm trừ lớn nhất là lối đi từ ngoài đường vào chân thác quá xấu, do trời mưa nên càng lầy lội. Khách chưa vào tới thác đã bị bủa vây bởi hai bên hàng quán bán đồ lưu niệm, bước trên đường bùn trải mấy túi dứa ướt nhẹp. Nghe nói tỉnh Cao Bằng đã có những giải pháp và sẽ cải thiện trong thời gian tới. Hy vọng một ngày trở lại Bản Giốc sẽ được đi trên con đường nhỏ xinh thoáng đẹp.

 

Timeline ngày 3:

7h30: Đi xem làm hương
8h15: Xuất phát đi Trùng Khánh
8h30: Dừng xem rèn dao ở làng Phúc Sen
10h10: Đi thăm động Ngườm Ngao
11h30 – 14h00: Nghỉ trưa
14h00: Xuất phát đi thăm động Ngườm Xe, qua làng Lũng Niếc
14h30: Bắt đầu vào động
15h30: Ra khỏi động và tiếp tục leo lên đỉnh núi
16h30: Xuống đến chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc
17h15: Về tới chân thác Bản Giốc

Tạm biệt Bản Giốc, Tạm biệt Cao Bằng!???

Cao Bang - Hoa Chio

 

Xem tiếp: Cao Bằng trekking, chuyện bây giờ mới kể

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *