Du lịch Tiên Yên – Nơi bình minh thức giấc

Tôi đến Tiên Yên vào một ngày mưa tầm tã. Bởi vậy đã bỏ lỡ nhiều điểm tham quan rất nổi tiếng ở Tiên Yên. Bù lại tôi có một chuyến đi dưới mưa khá thú vị, nhất là với với đứa vốn thích dầm mưa như tôi.

Đây là lần đầu tiên tôi tới Tiên Yên. Trước đây tôi cũng chưa từng biết tới cái tên này. Kể cũng lạ, đã biết Bình Liêu ngay gần đó, mà lại không nghe tiếng Tiên Yên bao giờ. Có lẽ do người dân nơi đây chưa biết cách quảng bá những sản phẩm du lịch của mình tới mọi người. Và vì thế, Tiên Yên với bao cảnh đẹp lẫn món ngon mê người cứ ngủ yên bấy lâu nay.

Tiên Yên nằm ở đâu vậy?

Tôi dám chắc nhiều người cũng sẽ đăt câu hỏi như vậy nếu như lần đầu nghe nói tới Tiên Yên. Đây là huyện miền núi ven biển nằm ở khu vực ngã ba Miền Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, giáp huyện Đình Lập (Lạng Sơn) ở phía Bắc và Tây Bắc, giáp Vịnh Bắc Bộ ở phía Nam, giáp huyện Ba Chẽ và thành phố Cẩm Phả ở phía Tây Nam, giáp huyện Bình Liêu ở phóa Đông Bắc và huyện Đầm Hà ở phía Đông Nam.
Để dễ hình dung thì Tiên Yên nằm giữa Móng Cái và Hạ Long, cách Vân Đồn khoảng chục km.
Với vị trí này, Tiên Yên là điểm trung chuyển thuận lợi giữa các điểm du lịch ở Quảng Ninh. Chỉ tiếc Tiên Yên vẫn chưa được khai phá.
Theo lời các anh chị hướng dẫn ở Tiên Yên thì nơi này đẹp quanh năm, có ngày khắp vùng mênh mông mây xanh nắng vàng khiến người ta mê mẩn. Như vậy đi lúc nào trong năm cũng được. Tuy nhiên tôi thấy tốt nhất nên tránh mùa mưa bão và mùa đông rét mướt. Nếu cả chuyến đi mà chỉ ngồi nhà ngắm mưa thì buồn đấy. Có phải ai cũng nhìn mưa ra vui như tôi đâu? 😀 Nói vậy thôi, mưa sẽ không đi thăm được đủ các điểm, sẽ bị bỏ lỡ như tôi vậy, tiếc lắm!

Tiên Yên có gì để tham quan?

Trước khi đến Tiên Yên tôi cũng nghi ngờ không biết huyện miền núi này có gì đẹp lạ để xem hay không?
Sau khi đến nơi, được tìm hiểu, được nghe giới thiệu mới vỡ lẽ nhiều điều hay ho. Hóa ra ở đấy lại có nhiều thứ hấp dẫn đến thế..

Dưới đây là một số điểm tham quan chính cho bạn khám phá:

Thác Pạc Sủi

Thác Pạc Sủi thuộc thôn Pạc Sủi, xã Yên Than. Thác có tất cả 16 tầng và cứ tầng sau lại đẹp hùng vĩ hơn tầng trước. Tầng 15 được coi là tầng đẹp nhất của thác, là nơi có 7 nàng tiên nữ xuống vui đùa, du ngoạn phong cảnh.
Thác Pạc Sủi rất có ý nghĩa với người Dao Thanh Phán ở khu này, vì nó gắn liền với truyền thuyết vua gà, biểu tượng của sự mạnh mẽ và khát vọng xua tan bóng đêm hắc ám. Các bạn đọc thêm về huyền thoại Vua Gà – thác Pạc Sủi ở đây nhé!

Huyền thoại vua gà - Thác Pạc Sủi
Tầng 1 của thác Pạc Sủi

Hệ sinh thái rừng ngập mặn Đồng Rui

Với diện tích 2000 ha, đây là khu rừng ngập mặn lớn nhất ở miền Bắc.
Có 2 cách để bạn khám phá khu rừng này:
– Ngồi xe ô tô đi dọc đường đê vừa ngắm rừng vừa tham quan một số trang trại nuôi vịt biển
– Đi thuyền để ngắm nhìn và trải nghiệm gần hơn. Khi thủy triều xuống ta sẽ được thấy bãi cát Mũi Lòng Vàng trải rộng trên diện tích 20ha với bờ dài 4km, gồm nhiều bãi tắm hoang sơ tha hồ thư giãn. Sở dĩ bãi có tên là Mũi Lòng Vàng vì cát ở đây có màu vàng óng và có hình dạng giống như lòng đỏ trứng gà.

Tôi đi thăm rừng bằng thuyền, xui xẻo đúng lúc xuất phát thì mưa tầm tã. Cả đoàn mặc áo mưa ngồi trên thuyền vẫn bị hắt nước vào người. Nước biển dâng cao không được nhìn những gốc cây sú, vẹt khẳng khiu nhiều hình dáng, không được ngắm Mũi Lòng Vàng, cũng chẳng có cơ hội len lỏi trong rừng để bắt ốc, bắt cua, bắt cù kì. Cả đoàn ai cũng tiếc. Riêng tôi tự nhủ sẽ phải quay lại đây để chiêm ngưỡng Mũi Lòng Vàng. Nghe mọi người kể mà tôi nhớ tới con đường trên biển Điệp Sơn xinh đẹp.

Mũi Lòng Vàng - Tiên Yên
Mũi Lòng Vàng (Ảnh: Du lịch Tiên Yên)

Trung tâm văn hóa thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc

Khu trung tâm này vừa mới được xây dựng xong và là một niềm tự hào của Tiên Yên, gồm hai khối nhà là Khối nhà văn hóa và Khối nhà thể thao. Điều đáng lưu ý nhất là không gian trưng bày văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc nằm trên tầng 2 khối nhà văn hóa. Nơi đây bạn sẽ được khám phá cuộc sống của 5 dân tộc sinh sống ở Tiên Yên gồm  Kinh, Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa thông qua những mô hình hết sức sinh động.

Ngay lối vào là mô hình các dân tộc ở Tiên Yên. Bạn sẽ thấy hình ảnh của người phụ nữ Dao Thanh Phán và Thanh Y với trang phục truyền thống độc đáo. Trang phục được làm rất cầu kỳ, toàn bộ là thêu tay. Hiện nay để tiện cho việc đi rừng làm việc thì họ chỉ đội mũ, và chỉ mặc cả bộ trang phục truyền thống trong những dịp lễ. Người Dao Thanh Phán quan niệm rằng người phụ nữ phải cạo đầu và đội mũ thì mới là đẹp. Trước đây họ còn cạo cả lông mày.
Tiếp đó là tái hiện Lễ Cấp Sắc của người Dao: Thực ra đây là lễ đặt tên âm cho người đàn ông để đánh dấu mốc trưởng thành của họ. Sau lễ này thì họ có thể tham gia vào các lễ hội làng. Điều lưu ý là không được để người khác biết tên đó, vì người ta sẽ làm điều xấu với mình.

Ngoài ra còn rất nhiều hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống như các cọn nước, cối giã gạo mượn sức nước, bàn thờ tổ tiên, v.v.. Thật không ngoa khi nói đây chính là hình ảnh thu nhỏ của Bảo Tàng Dân Tộc Học ở Hà Nội, vô cùng sống động và hấp dẫn.

Trên đây là 3 điểm mà tôi có cơ hội chứng kiến tận mắt. Ngoài ra còn nhiều điểm được giới thiệu rất kỹ, chỉ tiếc tôi không được khám phá do điều kiện thời tiết quá xấu. Ví dụ như bốn điểm dưới đây.

Đền thờ Đức ông Hoàng Cần

Nằm ở thôn Hà Dong Bắc, xã Hải Lạng, ngôi đền này thờ đức ông Hoàng Cần, một vị tướng tài của triều Trần, có công giúp dân dẹp loạn. Một năm có 5 ngày lễ chính ở đền: Lễ đầu năm (rằm tháng giêng), lễ cầu nước (rằm tháng tư), lễ Vu Lan (rằm tháng bảy), lễ cầu may (rằm tháng 10), lễ tạ thần linh (rằm tháng 12). Trong các ngày lễ này sẽ có rất nhiều các trò chơi dân gian cũng như các hoạt động văn hóa cho du khách tham gia.

Chợ trung tâm Tiên Yên

Chợ thường đông vào buổi chiều và những ngày cuối tuần. Các phiên lớn diễn ra vào các ngày 2, 5, 8… âm lịch hàng tháng. Đây không chỉ là nơi mua bán trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ của bà con dân tộc trong vùng. Bạn sẽ bắt gặp ở chợ những đặc sản nổi tiếng của Tiên Yên cũng như các mặt hàng đặc sản của mọi miền quê trên đất nước. Nổi tiếng nhất vẫn là hải sản Tiên Yên, chủ yếu là đánh bắt tự nhiên nên rất tươi ngon. Cù kỳ Tiên Yên được yêu thích nhất vì vị đậm đà khó quên.

Chợ phiên Hà Lâu

Chợ được họp vào các ngày chủ nhật hàng tuần hoặc các dịp lễ tết, từ 7h sáng cho đến trưa. Tại đây bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh của bà con dân tộc Dao trong những trang phục đặc trưng với màu sắc sặc sỡ.

Phố đi bộ Tiên Yên

Được tổ chức vào tối thứ 7 hàng tuần ở hai tuyến phố chính là Hòa Bình và Lý Thường Kiệt, phố đi bộ Tiên Yên gồm 3 khu: phố Văn hóa dân gian, phố Ẩm thực và phố Chợ. Ở mỗi khu lại có rất nhiều hoạt động khác nhau thu hút bà con ở các vùng đổ về.
Chỉ tiếc hôm tôi ở đó trời mưa ghê quá, phố đi bộ không hoạt động, con đường dài vắng tanh chỉ có mưa và gió. Thât tiếc vì không có cơ hội khám phá khu phố náo nhiệt này.

Phố đi bộ Tiên Yên
Phố đi bộ Tiên Yên (Ảnh: Du Lịch Tiên Yên)

Về điểm tham quan thì sơ sơ là như vậy. Nếu thời tiết ủng hộ thì sẽ có thể thăm được nhiều điểm. Chứ đi mưa như tôi thì sẽ hạn chế nhiều lắm.

Ăn gì ở Tiên Yên?

Trong hai ngày ở Tiên Yên tôi may mắn được thưởng thức gần hết các đặc sản Tiên Yên. Đó là những món ngon mà bạn không nên bỏ qua khi về vùng quê này nhé.

Gà Tiên Yên

Là một trong 50 món ẩm thực ngon nhất cả nước, đã được đưa vào câu ngạn ngữ lan truyền rằng: Lợn Móng Cái – Gái Đầm Hà – Gà Tiên Yên. Cho nên đến Tiên Yên bạn nhất định phải thử món gà này nhé.

Gà Tiên Yên

Khâu Nhục

Đây là món của người Hoa được chế biến cầu kỳ với nhiều loại gia vị khác nhau, thành phần chính là thịt ba chỉ.

Khâu Nhục Tiên Yên

Bánh Gật Gù

Được làm từ bột gạo, giống như bánh phở nhưng được cuộn lại thành một cuộn dài. Khi cầm bánh trên tay thì bánh cứ gật lên gật xuống, vì vậy mới được gọi là bánh Gật Gù. Ăn nóng, chấm với nước mỡ gà hành khô.

Bánh gật gù Tiên Yên

Trứng vịt biển Đồng Rui

Là trứng vịt nuôi ở vùng nước biển thuộc xã đảo Đồng Rui. Trứng to, vỏ dầy, thường mỗi quả đều có 2 lòng đỏ.
Trứng vịt biển Đồng Rui

Kẹo lạc hồng

Còn gọi là kẹo lạc dẻo. Được làm từ đường, mạch nha và lạc nên kẹo ngọt, dẻo, bùi. Cộng thêm màu hồng đỏ của gấc khiến kẹo có màu hồng đỏ đặc trưng không lẫn đi đâu được.

Kẹo lạc hồng Tiên Yên

Bánh chả

Hương vị cực kỳ khác biệt.

Bánh chả Tiên Yên

 

Đấy là tôi còn chưa kể đến các món hải sản cực tươi ngon của Tiên Yên. Ngoài ra còn có các món như cà sáy, bánh gio, bánh hạnh nhân, mật ong, măng xào, trứng hấp… cũng rất hấp dẫn.

Nói Tiên Yên là thiên đường ăn quà vặt quả không sai mà.

Ngủ ở Tiên Yên?

Ở Tiên Yên không có nhiều lựa chọn về khách sạn, vì vùng đất này vẫn chưa phát triển du lịch, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế. Dù vậy, bạn vẫn dễ dàng tìm cho mình một khu nhà nghỉ ở trung tâm.

Đây là một số địa chỉ nhà nghỉ ở thị trấn Tiên Yên cho bạn lựa chọn nhé:

  • Nhà nghỉ Thái Hường (lớn nhất ở Tiên Yên) – phố Thống Nhất, thị trấn Tiên Yên, điện thoại: 091 787 6358
  • Nhà nghỉ Thanh Tâm – phố Thống Nhất, thị trấn Tiên Yên, điện thoại: 0203 3876 889
  • Nhà nghỉ Cường Thúy – phố Thống Nhất, thị trấn Tiên Yên, điện thoại: 091 338 7619
  • Nhà nghỉ Bình Hiền – phố Thống Nhất, thị trấn Tiên Yên, điện thoại: 0203 3876 525
  • Nhà nghỉ Phương Bình – phố Thống Nhất, thị trấn Tiên Yên, điện thoại: 0203 3876 122

Đi thuyền thăm Đồng Rui


Khi tôi rời Tiên Yên trời vẫn mưa tầm tã. Có lẽ phải chọn một ngày nắng quay lại nơi này, để được ngắm nhìn những gốc cây sú, vẹt trong rừng ngập mặn, dạo chơi trên Mũi Lòng Vàng đẹp lung linh hay hòa mình vào không khí náo nhiệt của phố đi bộ tối thứ 7… Hóa ra vẫn còn quá nhiều thứ còn đang chờ mình. Tưởng đâu đi một lần đã biết, thực ra mới chỉ là bắt đầu…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *