Đến Tiên Yên, đi thăm thác Pạc Sủi, tôi được nghe huyền thoại Vua Gà, câu chuyện kể về Gà Đại Bàng gắn liền với thác Pạc Sủi được bà con Tiên Yên truyền tai nhau từ đời này sang đời khác.
Ngày xửa ngày xưa, ở huyện Tiên Yên có một ngọn núi lớn tên là Pạc Sủi. Núi có một ngọn thác cao 16 tầng, nước chảy trắng xóa quanh năm tạo sự mát mẻ cho cả vùng. Trên đỉnh núi có đôi chim đại bàng sống cùng một tổ trong đó có 7 quả trứng lớn. Vào một ngày kia đã xảy ra trận động đất làm rung chuyển ngọn núi. Một quả trứng đại bàng bị lăn xuống và rơi vào một trại gà dưới chân núi.
Trong đêm giông tố định mệnh ấy, một mẹ gà mái ở trang trại gà đã không ngần ngại dang rộng đôi cánh che chở và ủ ấm cho quả trứng đại bàng xa lạ. Cho đến một ngày,t rứng nở ra chú đại bàng con xnh đẹp. Chú được nuôi lớn như một con gà, duy chỉ có khác là cánh chú rất dài và khỏe.. Lông chú rất dày và mỏ chú nhọn. Mắt chú có thể nhìn xa vạn dặm và nhìn được cả trong bóng tối. Chú được gà mẹ đặt tên là Gà Đại Bàng.
Gà Đại Bàng lớn lên trong tổ ấm của bầy gà. Nhưng càng ngày chú càng nhận ra mình khác biệt với các anh chị. Chú cảm thấy rất đau khổ và tự ti về bản thân. Cho đến một ngày, trong khi đang chơi đùa trong sân, Gà Đại Bàng nhìn lên trời và thấy những chú chim đại bàng đang sải cánh bay cao giữa bầu trời cao xanh…
Ồ, Gà Đại Bàng kêu lên, Ước gì tôi có thể bay như những chú chim đó
Bầy gà cười ầm lên:
Anh không thể bay với những con chim đó được. Anh là một con gà và gà thì không thể bay được.
Gà Đại Bàng hàng ngày ngước nhìn lên bầu trời, mơ ước có thể bay cao như đàn chim nọ. Mỗi lần chú nói ra mơ ước của mình, bầy gà lại bảo đó là điều không thể xảy ra.
Cho đến một ngày, bỗng dưng mặt đất tối om và không còn được mặt trời chiếu sáng. Người ta nói rằng quỷ dữ đã xuất hiện che lấp mặt trời. Từ giờ trở đi bóng tối sẽ thống trị vũ trụ và cái xấu sẽ tiêu diệt cái tốt, những lời dối trá sẽ thay thế những lời lẽ chân thật, cái thiện sẽ bị tấn công bởi cái ác…
Trên đỉnh núi Pạc Sủi lúc đó có nhà tiên tri sống đến trăm tuổi. Ông nói rằng, thế giới có thể được giải cứu nếu có những điều ngược đời kỳ diệu xảy ra. Ví dụ như chim có thể bơi, gà có thể bay.
Gà Đại Bàng nghe bố mẹ kể về lời sấm truyền đó, nó nghĩ, mình tuy sinh ra trong gia đình gà nhưng có cánh dài và khỏe. Mình có đôi mắt tinh tường nhìn được cả trong bóng tối. Vậy tại sao mình không thử tập bay xem nhỉ?
Kể từ đó, ngày nào Gà Đại Bàng cũng tập bay. Trong bóng tối và gió giật mạnh như vũ bão của quỷ dữ, chú vẫn kiên trì tập luyện. Cho đến một ngày (ngày mà người Dao Thanh Phán ở Tiên Yên vẫn gọi là Lễ Cấp Sắc) thì Gà Đại Bàng đã bay được lên đỉnh núi Pạc Sủi và cất tiếng gáy vang vọng khắp núi rừng. Tiếng gáy vang đến tận trời xanh. Đúng như dự báo của nhà tiên tri, sau tiếng gáy của Gà Đại Bàng, mặt trời bỗng thức giấc sau chuỗi ngày dài ngủ quên và hiện lên rực rỡ trên đỉnh núi Pạc Sủi.
Tại giây phút đứng trên đỉnh cao đó, đón nhận những ánh sáng đầu tiên của mặt trời, Gà Đại Bàng cảm thấy vô cùng hạnh phú, tràn ngập tình yêu thương với đồng loại. Chú nhìn xuống gia đình của mình, nơi mẹ gà đã chở che cho chú qua bao đêm giống, nơi anh chị em chia cho chú những hạt thóc ít ỏi. Tình yêu thương gia đình trỗi dậy tha thiết, chú quyết định quay về với gia đình Gà của mình để dạy các anh chị khác trở nên mạnh mẽ, vi diệu như chú.
Từ đó thác Pạc Sủi của Tiên Yên được gọi là Nơi bình minh thức giấc, nơi sinh ra Vua Gà (tức Gà Đại Bàng).
Vua Gà là hiện thân của công lý, chính nghĩa, gọi ánh sáng lên từ bóng tối, thức tỉnh bản tính thiện lương trong những điều cặn bã xấu xa.
Trên đỉnh núi còn dấu vết của tổ Đại Bàng và đền thờ Vua Gà, đền thờ Mặt Trời. Hàng năm vào ngày 7/7 và 9/9 âm lịch, người dân trong vùng thường kéo về thác để làm Lễ Cấp Sắc cho những người trưởng thành và dâng lễ cúng Vua Gà, Thần Mặt Trời cùng đền thờ bảy nàng tiên hay tắm tại thác Pạc Sủi (theo huyền thoại của người Dao). Họ tin rằng vào ngày đó xin nước tại thác Pạc Sủi rất linh thiêng, tốt cho sức khỏe và mùa màng.
Kể từ đó trở đi, vùng đất Tiên Yên càng trở nên trù phú, cây cối sinh sôi mùa màng xanh tốt, các loài động vật tụ tập đông đúc, hòa thuận.
Vua Gà sinh ra được hai người con trai và ba người con gái. Hai người con trai lên núi khai hoang lập nên những vùng đất mới là xã Đại Dực và Đại Thành ngày nay. Ba người con gái xuống biển kiếm sống, xây dựng các xã Đồng Rui, Đông Hải, Hải Lạng ngày nay.
Đó là toàn bộ câu chuyện về Vua Gà – Thác Pạc Sủi. Có điều tôi không hiểu được đoạn kết của chuyện khi nói về những người con của Vua Gà. Kỳ lạ, Vua Gà vốn là Đại Bàng mà, làm thế nào sinh ra hai người con trai, ba người con gái?
Trí tưởng tượng của con người quả là không có giới hạn. Trong thế giới tưởng tượng ấy, mọi thứ đều có thể xảy ra, vô lý cũng thành hợp lý.
Dù vậy, có một sự thật là thác Pạc Sủi rất đẹp, xứng đáng để bạn bỏ công sức cho một cuộc chinh phục đủ 16 tầng.