Hành trình 3 ngày khám phá du lịch Lâm Bình, Tuyên Quang

Trong những ngày cuối tháng mười se lạnh, tôi may mắn được tham gia chuyến khảo sát cùng đoàn các công ty du lịch tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Ba ngày khảo sát như cơn gió mùa thu vụt trôi, nhưng cũng kịp để lại cho tôi những ấn tượng không thể nào quên được về vùng đất du lịch Lâm Bình hoang sơ, mộc mạc mà đẹp mê người.

Du lịch Lâm Bình


Ấn tượng Lâm Bình

Lâm Bình là một huyện nhỏ ở Tuyên Quang, cách Hà Nội khoảng 275km. Đường đi từ trung tâm thành phố Tuyên Quang về Lâm Bình tương đối ngoằn nghèo, cũng là một thử thách cho những ai dễ say xe. Chúng tôi xuất phát từ 5h sáng tại Hà Nội và đến Lâm Bình lúc 11h trưa, khi ấy nắng đã trải vàng trên khắp mọi nẻo.

Giống như chính cái tên Lâm Bình, vùng đất này bình yên như chốn quê nhà thủa bé mà tôi vẫn lưu luyến với khói mong manh trên mái bếp mỗi chiều tà, với cỏ cây còn ướt sương đêm rung rinh trong nắng sớm. Nơi đây hội tụ tất cả những gì mà tôi yêu thích: con người chân chất, hiền lành; cảnh đẹp thanh bình; đồ ăn ngon với nhiều món đa dạng.

Đây là lần thứ 2 tôi đến Lâm Bình. Lần thứ nhất vào giữa mùa hè tháng 6 nóng nực. Nên tôi cảm nhận rõ sự khác biệt của Lâm Bình vào những thời điểm khác nhau và hiểu được vì sao mọi người lại nói đi du lịch Lâm Bình cần phải đến đủ 4 mùa trong năm để thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của Lâm Bình biến đổi theo thời gian.

Lâm Bình đang trong giai đoạn chuyển mình để phát triển đi lên. Những con đường liên thông đang được xây dựng, giữa trưa nắng bụi bay phủ một lớp dày trên quần áo. Nhưng chỉ vài tháng nữa thôi, khi tất cả đã hoàn thiện, cảnh quan sẽ đẹp hơn nhiều và việc đi lại cũng thuận tiện hơn. Khi ấy, chắc chắn tôi sẽ còn quay lại Lâm Bình, để xem diện mạo Lâm Bình thay đổi như thế nào 🙂

Du lịch Lâm Bình


Khám phá du lịch Lâm Bình

Trong chuyến đi Lâm Bình lần này tôi được biết thêm nhiều điều mới mẻ mà ở lần một tôi đã không có cơ hội trải nghiệm. Thật là may mắn!
Nhưng sau khi về rồi, tĩnh tâm ngồi viết lại những dòng này, tôi mới nhận ra vẫn còn nhiều chỗ ở Lâm Bình mình chưa đi được. Hứa hẹn lần trở lại thứ 2, thứ 3… thậm chí thứ n 😀 

Dưới đây là những điều tôi đã khám phá được ở Lâm Bình qua hai chuyến đi.  

Đi thuyền lòng hồ Na Hang

Hồ Na Hang được ví như vịnh Hạ Long trên cạn với nhiều hòn đảo lớn nhỏ xanh mướt và làn nước trong veo mát lành. Khi nhìn hình ảnh hồ quay từ trên cao xuống, tôi ngỡ như đang nhìn cảnh vịnh Hạ Long thật. Quả thực là đẹp!
Đi thuyền trên lòng hồ bạn sẽ được chiêm ngưỡng hòn đá Cọc Vài, vốn là cọc buộc trâu của chàng Tài Ngào trong truyền thuyết của người dân nơi đây.

Truyện kể rằng, chàng Tài Ngào khổng lồ rất chịu khó, chăm chỉ đã đắp đập ngăn sông cho nước dâng lên để giúp dân làng tránh khỏi nạn hạn hán đang kéo dài. Khi công việc sắp xong thì hay tin mẹ đã qua đời do ốm nặng. Chàng vội vàng bỏ dở công việc về nhà với mẹ, mà không hề biết rằng đó chỉ là tin tức do kẻ xấu trong bản muốn cản trở công việc của chàng nên tung ra mà thôi. Mẹ Tài Ngào đang nằm ngủ say trên giường nhưng chàng lại tưởng mẹ đã chết bèn đưa tay vuốt mắt mẹ. Ngờ đâu bàn tay khổng lồ của chàng đã làm móp thái dương mẹ khiến mẹ tắt thở. Chàng Tài Ngào đau lòng khóc thương mẹ thảm thiết, nước mắt chàng chảy thành sông cuốn luôn chiếc quan tài đá cùng thi hài mẹ. Thi hài mẹ thì bị trôi đi mất không ai tìm thấy còn chiếc quan tài vướng lại chỗ đập mà chàng đang đắp dở. Cạnh đó còn cái cọc mà chàng buộc trâu khi vác đá tới đắp đập, chính là Cọc Vài ngày nay.

Phải chăng bởi lẽ ấy mà khi tới thăm Cọc Vài, chèo kayak xung quanh cọc, bạn sẽ cảm nhận được tiếng gió thổi rì rào, tiếng sóng nước vỗ nhẹ nhàng vào mạn thuyền như kể cho bạn nghe câu chuyện thương tâm về chàng Tài Ngào.

Hành trình đi thuyền kéo dài khoảng 1 tiếng với các điểm dừng ở thác Khuổi Nhi và đền Pác Tạ linh thiêng.

Cọc Vài – Cọc buộc trâu của chàng Tài Ngào


Thác Khuổi Nhi

Thác Khuổi Nhi nằm trong khu vực lòng hồ sinh thái Na Hang với 3 tầng thác chảy dài 3km từ trên đỉnh núi xuống lòng hồ, trông xa tựa như dải lụa trắng mềm mại giữa đại ngàn. Gần chân thác, một số hộ đã làm bè nổi phục vụ việc nghỉ ngơi, ăn uống của du khách với nhiều món cá đặc sản trên lòng hồ. Đến tối, nhiều thuyền còn nán lại để câu cá đêm, xem ngư dân đánh cá, sáng ra chụp ảnh bình minh trên khu vực Cọc Vài.
Điểm độc đáo nhất ở thác Khuổi Nhi là bạn sẽ được trải nghiệm massage cá tự nhiên. Khi đặt chân xuống nước, cá sẽ kéo đến rỉa rỉa chân bạn, mới đầu có thể khiến bạn tê tê buồn buồn, nhưng chỉ một lúc thôi là thích thú vô cùng. Tôi đã mất 3 lần đưa chân xuống nước lại giật vội chân lên vì không quen cảm giác bị đàn cá lao vào rỉa chân. Phải tới lần thứ 4 mới chịu yên được một lúc để hưởng thụ hình thức mát xa đó.
Khi đi thăm thác Khuổi Nhi đừng quên mang theo đồ bơi để có thể bơi trên tầng cao nhất của thác nhé. Nước trong xanh, mát lạnh, tất nhiên là cũng chỉ bơi được trong giai đoạn hè. Chứ khi gió đông sang thì lạnh lắm đó.


Đến thôn Khuổi Xoan khám phá lễ cấp sắc của người Dao Tiền

Chúng tôi đi xe máy tới thôn Khuổi Xoan vào lúc đầu giờ chiều, sau khi vượt qua một quãng đường đầy bụi vì đang được sửa sang lại. Địa điểm dừng chân là nhà văn hóa xã Khuổi Xoan, nơi chúng tôi được thưởng thức bánh trứng kiến và xem trích đoạn lễ cấp sắc của người Dao Tiền.
Người Dao Tiền ở thôn Khuổi Xoan coi lễ cấp sắc là một nghi lễ thiêng liêng, quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người đàn ông. Họ phải làm lễ cấp sắc để khẳng định sự trưởng thành và vị thế của mình.
Lễ cấp sắc thường được tổ chức từ tháng mười năm trước đến tháng giêng năm sau, trong thời gian 2 ngày 1 đêm và chỉ dành cho người con trai từ đủ 12 tuổi trở lên. Người thanh niên sau khi trải qua lễ Cấp sắc mới được coi là người đã trưởng thành, mới có thể dạy chữ, làm nghề thầy cúng.

Nghi lễ cấp sắc


Đến thôn Thượng Minh gặp người Pà Thẻn và người Thủy

Thôn Thượng Minh ở xã Hồng Quang là nơi sinh sống của nhiều dân tộc trong đó có dân tộc Pà Thẻn và người Thủy.
Theo các bậc cao niên truyền lại, người Thủy vốn sống ở Quý Châu, Trung Quốc. Lúc bấy giờ do một nhánh của người Mông sống cạnh sông suối nên người Thủy được gọi là Mông nước. Cái tên tộc người Thủy chỉ xuất hiện khi đến cư trú tại Việt Nam và hiện nay dân tộc Thủy vẫn chưa có tên trong danh sách các dân tộc Việt Nam.
Trang phục của người Thủy lấy màu đen làm chủ đạo, điểm xuyết bởi những viền xanh trắng rất bắt mắt.

Người Thủy Lâm Bình
Người Thủy trong bộ trang phục truyền thống

Trong khi đó người Pà Thẻn lại vô cùng rực rỡ với nhiều màu sắc và hoa văn. Xuất phát từ quan niệm màu đỏ là màu lửa, màu của ánh sáng, thần lửa là vị thần thiêng liêng nhất của dân tộc, người phụ nữ Pà Thẻn lấy màu đỏ là màu chủ đạo trên trang phục, xen kẽ những đường hoa văn với các màu xanh, vàng… tạo nên bộ trang phục hài hòa, nổi bật giữa núi rừng hùng vĩ.

Trải nghiệm lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn

Lễ hội nhảy lửa là nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Pà Thẻn, thường được tổ chức vào cuối năm. Lễ hội là minh chứng cho sức mạnh và ước mơ chế ngự thiên nhiên của người dân Pà Thẻn.
Lễ hội chính thức diễn ra lúc 18h khi ánh mặt trời đã tắt, dưới sự dẫn dắt của thầy cúng và chỉ dành cho nam giới.
Khi lửa tàn hẳn, thầy cúng sẽ đọc bài cúng tiễn các ma về trời đồng thời cảm ơn các vị thần đã xuống góp vui cho dân làng. Những người tham gia lễ nhảy lửa cũng dần tỉnh táo lại. Điều bất ngờ nhất là họ không hề bị bỏng cũng không đau chút nào, dù liên tục lao vào đám lửa, dùng tay chân gạt than lửa bay tung lên.

Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn
Mọi người vui vẻ cười đùa trước buổi lễ

Chứng kiến từ đầu tới cuối buổi lễ mà tôi nổi da gà, tận mắt nhìn thấy mà không hiểu được tại sao những người thanh niên có thể lao vào lửa không chút ngại ngần như vậy. Tôi có hỏi một anh trực tiếp tham gia thì anh nói rằng sở dĩ làm được vậy là do thần đã nhập vào người, điều khiển người và thôi thúc mình nhảy. Khi nhảy thì anh nhắm mắt chứ không mở mắt và chỉ thấy mờ mờ có những đốm xanh tím ở xa xa thế là cứ lao vào đó. Để được thần nhập vào thì người đó phải có cái tâm sáng, hướng thiện và không làm điều ác.


Thăm hang Khuổi Pín

Khi đi thuyền thăm lòng hồ Na Hang, bạn sẽ được ghé thăm hang Khuổi Pín. Từ bến thuyền, bạn sẽ đi bộ gần 2 tiếng vượt dốc cao, suối cạn để đến được hang. Hang còn được người dân địa phương gọi là “Hang gió”, bởi trên đỉnh non cao này, gió thổi suốt ngày đêm, hút vào miệng hang tạo thành những âm thanh du dương như bản nhạc.
Lối vào hang rất bé, thấp nên từng người thay nhau chui vào, chứ không thể đứng thẳng người mà bước vào. Bên trong mát lạnh và hoang sơ vì chưa được đưa vào khai thác.

Nhũ đã có nhiều hình thù khá kỳ lạ, đặc biệt có những viên đá tròn xoe trên mặt đất. Người thì bảo như trứng khủng long, người thì nói là quả na, người thì gọi quả chanh, người tưởng là đất. Cầm lên đập thử vào nhau thì tiếng vang đanh thép. Nghe nói đó là đá bị nước chảy bào mòn qua nhiều năm mà thành.

Chính quyền địa phương thì muốn khai thác đưa hang vào phục vụ du khách bốn phương để thúc đầy phát triển du lịch. Nhưng một số người trong đoàn chúng tôi thì muốn giữ nguyên hang như thế để bảo tồn, chứ cho khách du lịch vào là phá hỏng hết cảnh quan.
Đó lại là câu chuyện dài kỳ của việc phát triển du lịch bền vững..


Trekking xuyên rừng nguyên sinh

Rừng là đặc sản của Lâm Bình. Tới đây rồi thì không thể bỏ lỡ cơ hội trek xuyên qua rừng già, ngắm những cây cổ thụ, thưởng thức bữa tiệc picnic giữa không gian lộng gió.
Tiếc là không đủ thời gian nên tôi không thể vừa đi trek vừa chèo thuyền kayak quanh cọc Vài. Thành ra tôi đã chọn chèo thuyền kayak và để dành rừng nguyên sinh cho một chuyến đi gần nhất trong tương lai.
Đây là ảnh của một thành viên trong nhóm đi trek. Nhìn là thấy mê luôn rồi ấy 🙂

Du lịch Lâm Bình - trekking


Đi xe máy thăm bản

Một trong những hoạt động không thể bỏ qua khi tới Lâm Bình là đi thăm làng bản nơi đây. Bạn có thể đi xe máy hoặc đi xe đạp hay thậm chí đi bộ cũng được. Hãy hỏi chủ nhà homestay của bạn để được tư vấn về hành trình thuận tiện nhất.
Tốt nhất hãy đi vào sáng sớm để được tận hưởng trọn vẹn không khí trong lành trong sớm ban mai tinh khiết. Bạn sẽ yêu ngay không khí yên bình bao phủ lên các ngôi nhà sàn và những cánh đồng còn thơm mùi lúa.

Du lịch Lâm Bình


Ngủ nhà dân và thưởng thức các món ăn truyền thống

Trong 3 ngày ngắn ngủi ở Lâm Bình tôi đã được trải nghiệm 2 điểm ngủ ở nhà dân. Cả hai nơi đều rất sạch sẽ, đẹp và đặc biệt là đồ ăn ngon vô cùng.
Các món ăn đều là đặc sản của địa phương, được chế biến từ những nguyên liệu sẵn có trong vùng, chắc chắn sẽ chinh phục mọi thực khách.
Tôi cũng sẽ viết một bài riêng để nói kỹ về các món ăn đã khiến tôi mê luôn này.


Nỗi niềm trăn trở của những người làm du lịch

Có đi rồi mới biết vùng đất Lâm Bình thực sự có tiềm năng phát triển du lịch. Nhưng không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi thành viên trong đoàn đều chung một câu hỏi: Nên phát triển du lịch như thế nào để vẫn giữ được bản sắc, để Lâm Bình không mất đi vẻ yên bình vốn có.

Hàng loạt các vấn đề đã được đặt ra:

Quy hoạch du lịch như thế nào?
Có nên đưa khách vào thăm hang Khuổi Pín?
Xây dựng khu nghỉ dưỡng 5 sao có phù hợp không?
Xây nhà hiện đại hay giữ nếp nhà sàn truyền thống?
Phát triển du lịch bền vững như thế nào?
….

Khi có khách tới là mọi thứ sẽ thay đổi. Chắc chắn không còn nguyên vẹn như thủa đầu. Nhưng đó cũng là xu thế phát triển tất yếu. Làm sao có thể để mọi thứ đứng yên tại chỗ?
Tôi lại nhớ lần đến thăm bản Hang Đá ở Sapa, đắm mình trong không khí núi rừng hoang sơ, và trộm nghĩ hay là chẳng giới thiệu cho ai nữa, để không ai biết tới nơi này, để nó mãi mãi giữ vẹn nguyên như thế?

Chỉ mong rằng mọi du khách khi đi du lịch sẽ mang theo mình tâm thế đầy trách nhiệm để giữ gìn môi trường cảnh quan được bền vững hơn mà thôi.

Du lịch Lâm Bình
Vẽ tranh bằng sáp ong ở thôn Khuổi Xoan


Lịch trình tóm tắt 3 ngày 2 đêm khám phá Lâm Bình

Trong khuôn khổ chuyến khảo sát, chúng tôi có 3 ngày để vừa khám phá Lâm Bình vừa làm việc. Thời gian thật ngắn ngủi. Chỉ ước có thêm vài ngày để có thể đi hết các ngóc ngách của Lâm Bình và tận hưởng trọn vẹn không khí yên bình ở đây.

Ngày 1: Hà Nội – Tuyên Quang – Hồng Quang (240km)

  • 05:00 Xuất phát tại điểm đón 5h00, di chuyển lên Tuyên Quang (trên đường có dừng lại 01 điểm nghỉ).
  • 11:00 – 12:00 Ăn trưa tại xã Hồng Quang
  • 12:00 – 12:45 Di chuyển đến thôn Khuổi Xoan (do đường xấu nên sẽ đổi phương tiện di chuyển bằng xe máy. (Thời gian di chuyển: 30 – 45 phút)
  • 12:45 – 13:45 Xem trích đoạn nghi Lễ cấp sắc và trải nghiệm một số hoạt động công việc hàng ngày của bà con.
  • 13:45 – 17:30 Di chuyển đến thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (xe máy – 4km), tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt của người Thủy và người Pà Thẻn
  • 17:30 – 18:30 Ăn tối tại nhà dân
  • 18:30 – 19:30 Thưởng thức nghi lễ nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn
  • 19:30 Di chuyển về Trung tâm huyện Lâm Bình, nghỉ đêm tại Homestay

Ngày 2: Lâm Bình – Thăm Thác – Chèo Kayak – Trek rừng

  • 06:00 – 06:30 Dùng bữa sáng tại Homestay
  • 06:30 – 09:00 Di chuyển ra bến thuyền Thượng Lâm, đi thăm thác Khuổi Nhi.
  • 09:00-17:00 Di chuyển bằng thuyền lên hang Khuổi Pín, ăn trưa trong rừng và trek 1,5km đi qua rừng nguyên sinh. Di chuyển bằng thuyền đến tham quan khu vực Cọc Vài, chèo kayak trên lòng hồ.
  • 17:00 – 19:00 Di chuyển về bến Thượng Lâm, quay về nhà sàn nghỉ ngơi
  • 19:00 Thưởng thức bữa tối với ẩm thực phong phú của núi rừng. Nghỉ đêm tại homestay
 

Ngày 3: Lâm Bình – Hà Nội

  • Ăn sáng tại homestay
  • Đi xe máy thăm làng
  • Tọa đàm về phát triển du lịch Lâm Bình
  • Lên xe quay về Hà Nội
Du lịch Lâm Bình - Lòng hồ Na Hang
Phong cảnh hữu tình trên lòng hồ Na Hang

Khép lại bài ghi chép về chuyến đi Lâm Bình này, tôi xin đăng lại video tóm tắt lịch trình chuyến khảo sát Lâm Bình của nhóm các công ty du lịch quốc tế và nội địa mà tôi đã may mắn được tham gia vừa rồi.
Video quay bằng điện thoại, edit gấp trong vài tiếng đồng hồ và ghi âm giữa không gian đầy gió nên không thể tránh khỏi những hạt sạn nho nhỏ. Nhưng đó thực sự là những kỷ niệm tuyệt vời, nên dù chuyến đi đã kết thúc, có nhiều thời gian hơn, tôi cũng không muốn edit lại video mà vẫn giữ nguyên bản.

 

Hẹn gặp lại Lâm Bình một ngày không xa!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *