Hành trình leo núi Tà Chì Nhù – Chinh phục ngọn núi thứ 7 cao nhất Việt Nam

Tà Chì Nhù hoa tím mộng mơ, Tà Chì Nhù đỉnh cao 2979m, cuối cùng thì tôi đã chinh phục thành công rồi! Cảm giác được đứng trên đỉnh đồi phóng tầm mắt ra toàn bộ xung quanh thật tuyệt vời không lời nào tả hết. Khi ngồi viết những dòng này là tôi đang yên vị trong căn phòng thân quen của mình, nhưng vẫn chưa hết bồi hồi xúc động, cảm xúc vẫn dâng trào trong lòng, đôi chân vẫn nhức mỏi. Nếu bạn cũng tò mò muốn biết Tà Chì Nhù như thế nào, hoặc là đang muốn trek một chuyến để đời, thì hãy lại đây nghe tôi kể về hành trình của chúng tôi nhé. Để rồi bạn sẽ biết cách chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi leo núi Tà Chì Nhù trong mơ của bạn.

Trong bài viết tôi có sử dụng một số ảnh của các thành viên trong đoàn. Tên tác giả sẽ được chú thích dưới ảnh. Ảnh nào không ghi tên tác giả tức là ảnh do tôi chụp nha. Tất cả các ảnh đều không qua chỉnh sửa, kéo tông màu, nhằm giúp các bạn nhìn thấy cảnh quan một cách chân thực nhất.

 

Leo núi Tà Chì Nhù
Cùng nhau lên đỉnh Tà Chì Nhù – Ảnh: Smiley Phuong

1. Đôi điều về Tà Chì Nhù

Chuyến leo núi Tà Chì Nhù của chúng tôi diễn ra vào những ngày đầu tháng 10, mùa của hoa tím chi pâu và biển mây trên sườn núi.

Tà Chì Nhù thuộc bản Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, là đỉnh núi nằm trong khối núi Pú Luông của dãy núi Hoàng Liên Sơn, có độ cao 2.979m.

Theo những gì tôi đọc được trên Wikipedia hay ở một loạt các trang Phượt, Tà Chì Nhù còn được gọi là Chung Chua Nhà theo cách gọi của người Mông hay Phu Song Sung theo cách gọi của dân tộc Thái.
Nhưng khi hỏi một số bạn bè và cả porter trong chuyến đi thì được biết Tà Chì Nhù, Phu Song Sung, Chung Chua Nhà là 3 đỉnh núi khác nhau trong cùng khối núi Pú Luông.

Ngay cả về xếp hạng độ cao của Tà Chì Nhù cũng nhiều ý kiến, người thì bảo cao thứ 7 Việt Nam, người thì nói cao thứ 6. Tạm thời thì tôi đang nghiêng về phe thứ 7 😀

Đến tận bây giờ, tôi vẫn cứ lăn tăn, băn khoăn, rốt cuộc câu trả lời chính xác là như thế nào? Khi đi trek, tôi cũng chỉ dành tâm trí tận hưởng không gian núi rừng, chứ lấy đâu dụng cụ để đo đạc, kiểm chứng.

Nhưng thôi, dù đứng thứ 6 hay thứ 7, dù là Chung Chua Nhà hay Phu Song Sung hay Tà Chì Nhù, thì điều chắc chắn 100% là tôi đã chạm vào chóp inox gắn tên Tà Chì Nhù 2979m 😀 và cũng không thể phủ nhận là cung đường chinh phục đỉnh này quá tuyệt vời. Sau hành trình dài vất vả là thiên đường đẹp mê người!

Nơi đây được ví như Đại Dương Mây nhờ có biển mây giữa lưng chừng trời. Nếu leo đúng lúc, bạn như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh bốn bề là mây vậy. Thời điểm săn mây đẹp nhất là từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.
Thời gian tôi đi chỉ nhìn được Tà Chì Nhù chìm trong mây có đôi phút thôi mà đã thấy thích lắm rồi, nếu vào đúng mùa săn mây thì không biết còn mê mẩn mức nào nữa.

Leo núi Tà Chì Nhù
Biển mây Tà Chì Nhù

Nhưng trên hết, Tà Chì Nhù nổi tiếng với đồi hoa tím mộng mơ nở rộ vào tầm tháng 10. Hầu như không mấy ai biết hoa đó tên là gì, mà chỉ gọi đó là hoa Chi Pâu (tiếng Mông nghĩa là Không biết). Tưởng tượng cả sườn đồi tím ngắt một màu, hòa vào nền trời xanh mây trắng, thì nó đẹp đến nhường nào? 

Chính bởi lẽ đó mà đứa ham chơi là tôi, khi được rủ rê đã chọn ngay cung đường leo núi Tà Chì Nhù vào tháng 10 này, để được tận mắt chứng kiến sắc tím trên nền xanh núi rừng và được tìm lại cảm giác thỏa mãn, phấn khích tột cùng khi chinh phục một đỉnh cao mới. Giống như khi chạm tay vào chóp inox Fansipan sau 2 ngày 1 đêm leo trèo vất vả, hay lúc check in Tà Năng-Phan Dũng rực rỡ nắng mặt trời. 

Tháng 10 thời tiết mát mẻ, không nhiều mưa, không quá nắng, nên càng hợp để leo núi, vì không sợ bị mất sức như khi đi vào mùa hè. Nói tới đây tôi càng thêm nhớ hồi đi trekking Cao Bằng giữa tháng 8 nắng nóng cháy bỏng, giữa trưa chói chang bị thiếu nước nên mệt mỏi như thế nào. 

Bởi vậy, nếu bạn cũng muốn leo núi Tà Chì Nhù thì hãy lưu ý thời gian tháng 10 nhé. Tới đây nếu bạn sốt ruột quá hãy kéo xuống cuối bài để xem nhật ký hành trình của tôi, tìm hiểu kỹ hơn về Tà Chì Nhù. Nếu không, hãy kiên nhẫn đọc lần lượt các nội dung, vì tất cả đều vô cùng ý nghĩa nha. 

Trekking Tà Chì Nhù
Đưa tay đây nào, mãi bên nhau bạn nhé 😊 – Ảnh: Smiley Phương

2. Tóm tắt lịch trình leo núi Tà Chì Nhù 2 ngày 3 đêm

Tối 0 – thứ 6: Hà Nội – Trạm Tấu (270km)

  • 19h30: Đoàn xuất phát từ Trung tâm hội nghị quốc gia đi Trạm Tấu
  • 00h30: Xe đến Trạm Tấu. Ăn đêm và nghỉ tại nhà nghỉ Sinh Hảo.

Ngày 1 – thứ 7: Trạm Tấu – Mỏ Chì – Tà Chì Nhù 2400m

  • 06h00: Vệ sinh cá nhân
  • 07h00: Ăn sáng
  • 07h30: Đoàn di chuyển đến Mỏ Chì bằng xe ôm
  • 08h30: Kiểm tra đồ và bắt đầu leo núi 
  • 11h00: Dừng chân nghỉ ngơi, ăn trưa bên bờ suối 
  • 15h00: Đoàn tới lán nghỉ đêm. Ăn tối. Ngủ lán.

Ngày 2 – chủ nhật: Tà Chì Nhù – Trạm Tấu – Hà Nội

  • 05h00: Dậy sớm ngắm bình minh. Ăn sáng và tiếp tục trek lên đỉnh (khoảng 3 tiếng)
  • 09h00: Check in đỉnh Tà Chì Nhù.
  • Quay trở về lán nghỉ theo đường cũ
  • 11h30: Ăn trưa, thu dọn đồ và xuống núi
  • 15h30: Về tới Mỏ Chì. Chờ các thành viên trong đoàn về đông đủ
  • 18h00: Lên xe về nhà nghỉ tại Trạm Tấu tắm rửa, nghỉ ngơi
  • 20h00: Ăn tối liên hoan tạm biệt Trạm Tấu
  • 22h30: Lên xe về Hà Nội
  • 04h00: Về đến Hà Nội 
Chinh phục Tà Chì Nhù
Đội hình sẵn sàng trước giờ G! 🙂 – Ảnh: Minh Quân

Sở dĩ chúng tôi chọn hành trình như thế này vì đoàn đều là những người đang đi làm, phải tranh thủ từng chút thời gian để vẫn được leo núi, lại không phải nghỉ làm. Hơi vất vả một chút nhưng thuận tiện! Nhược điểm là đi đúng cuối tuần nên sẽ rất đông. Có điều kiện bạn hãy đi lệch một ngày hoặc đi giữa tuần. Còn nếu không leo vào tháng 10 thì yên tâm chẳng sợ cảnh chen chúc ở lán đâu✌

Vậy chúng tôi đã chuẩn bị những đồ gì cho chuyến chinh phục Tà Chì Nhù? Hãy xem nội dung tiếp theo nhé.

3. Chuẩn bị cho chuyến leo núi Tà Chì Nhù

Danh sách đồ

List đồ lần này của tôi cũng không khác nhiều so với những lần đi trek khác. Cơ bản vẫn là những đồ quen thuộc sau:

  • Một bộ quần áo mỏng dự phòng (quần dài, áo dài/cộc tay)
  • Một đôi găng tay dài chống nắng hở ngón
  • Một áo khoác mỏng. Lên đỉnh núi đêm lạnh phết đấy
  • Một khăn mỏng (tôi mang loại khăn mỏng đi biển to đùng, quàng cổ cũng được mà đắp làm chăn cũng được)
  • Một lọ nước rửa tay khô
  • Một khăn ống cuốn làm mũ trùm tóc luôn. 
  • Một mũ đội đầu
  • Một đôi dép tổ ong thần thánh (mang màu xanh đỏ hay tím cho rực rỡ)
  • Bàn chải, kem đánh răng, các loại kem dưỡng da đang dùng phiên bản mini
  • Một đôi giày đi bộ thật bám đường
  • Một bình nước cá nhân
  • Vài túi đựng rác khô, 1 túi đựng đồ ướt
  • Điện thoại, sạc pin dự phòng
  • Đồ ăn vặt: kẹo snickers, cà phê, táo đỏ khô
  • Kem mulrose trị mẩn ngứa, côn trùng đốt kiêm luôn tác dụng dưỡng da (loại kem không thể thiếu của tôi trong mỗi chuyến đi)

Lời khuyên dành cho bạn

  • Giày: Nếu bạn có giày trekking xịn, chống thấm nước thì quá tuyệt vời. Nếu gấp quá chưa có giày thì cũng đừng lo, bạn không cần phải mua giày trek tiền triệu đâu. Cứ mua đôi giày bộ đội mà đi, cực kỳ bám đường đất. Tôi mua ở Lê Duẩn – 130k, giày lớn hơn size thông thường của mình 2 size (đi 35 nhưng mua 37). Sau đó lót 1 lớp đế mềm mà dày, rồi đi 2 tất. Vô cùng êm ái luôn! Nếu bạn mua size vừa khít thì đi tất vào sẽ chật, xuống núi bị đau mũi chân do chạm vào mũi giày. Ngoài ra bạn có thể lấy miếng băng vệ sinh phụ nữ (loại dày chứ không phải loại dùng hàng ngày) lót bên trong giày, đảm bảo không đau chân tí nào. Đây là mẹo tôi được mách từ hồi leo đỉnh Fansipan đấy, hiệu nghiệm lắm nhé.
Leo núi Tà Chì Nhù
Đôi giày thần thánh đã giúp tôi leo lên đi xuống an toàn, êm ái, không đau chân – Ảnh: Smiley Phuong
  • Nếu bạn hay bị trúng gió như tôi thì hãy mang theo dầu gió. Vì cứ đang leo núi mồ hôi đầm đìa xong dừng nghỉ là hứng gió thổi vù vù rất dễ bị sốc nhiệt. 
  • Mang theo C sủi hoặc Oresol vị cam để pha vào nước uống trên đường đi.
  • Mang theo 1 quả cam hoặc táo ăn cho lại sức
  • Chị em nào thích váy áo sống ảo thì chuẩn bị sẵn 1-2 bộ, màu hồng, cam, vàng, đỏ cực kỳ nổi trên nền núi rừng. Cứ xem ảnh của tôi phía dưới thì biết. Áo hồng nên trông tươi rực rỡ luôn 😀
  • Bạn nào thân nhiệt không chịu được lạnh thì mang theo áo khoác dày một chút hoặc tốt nhất chuẩn bị miếng dán giữ nhiệt.
  • Gậy, nhất định phải chuẩn bị 1 cái gậy. Đó là công cụ tuyệt vời giúp bạn lên, xuống dễ dàng hơn, đỡ mỏi, không bị trơn ngã. Có thể thuê gậy trek mang đi để không phải lên rừng chặt cây làm gậy. 
  • Để tránh bị mưa ướt đồ hãy mang theo túi bọc balo chống mưa. Xếp quần áo, đồ đạc vào các túi nilon khóa zip hoặc túi chống thấm nước khác nhau. Nhớ phải tái sử dụng tất cả các túi chứ đừng xài loại một lần vứt đi bạn nhé. 

Tổng trọng lượng balo cộng cả 2 chai nước dưới 6kg là đi vô tư. Tôi tối giản đồ tốt tới mức balo chỉ nặng hơn 3kg tí, nhẹ nhất đoàn luôn.

Leo núi Tà Chì Nhù
Balo gọn nhẹ trên lưng như này nhé – Ảnh: Smiley Phuong

4. Nhật ký hành trình leo núi Tà Chì Nhù, những cung bậc cảm xúc khó quên

Tối 0: Hà Nội – Trạm Tấu

Sau bao ngày mong chờ thì giờ G cũng tới. Ngày đầu tiên này không có quá nhiều biến động, chỉ đơn giản là di chuyển trên đường đi. 
Chúng tôi xuất phát lúc 19h30 từ Trung tâm hội nghị Quốc gia sau khi đã đón đủ các thành viên. Đoạn đường đầu đi êm êm nên cả đoàn sau lúc bàn tán rôm rả thì dần chìm vào giấc ngủ.😴 

Gần đến Trạm Tấu đường xấu, vừa xóc vừa uốn lượn nên bắt đầu có bạn bị say xe. Cũng may là đã đến nơi rồi nếu không tôi cũng say theo luôn, hiệu ứng đám đông mà 😀 Rút kinh nghiệm đi xe là cứ phải mang theo quả chanh, bóc tí vỏ ra ngửi cho khỏe. 

Nhà nghỉ Sinh Hảo khang trang sạch sẽ, vượt quá cả tưởng tượng của đoàn. Anh chị em ào vào ăn cháo gà nóng hổi rồi về phòng nghỉ, lấy sức cho ngày leo núi vào sáng sớm. Khi đó cũng đã hơn 1h sáng. 

Tà Chì Nhù
Bộ đèn trang trí ở sảnh nhà nghỉ khiến tôi tưởng mình lạc vào tiệc cưới nào đó 🙂

Ngày 1: Trạm Tấu – Tà Chì Nhù – Lán nghỉ 2400 m

Đúng 7h30 đoàn xuất phát từ nhà nghỉ. Xe đưa đoàn tới chân núi, chỗ mỏ chì, để bắt đầu đi bộ. Thứ 7 cuối tuần nên nhiều đoàn cũng leo. Có đoàn xe ô tô riêng đưa ra, có đoàn đi xe ôm (khoảng 150k/người).
Công tác chuẩn bị rất khẩn trương: gặp đoàn porter, buộc đồ, khởi động, chụp ảnh kỷ niệm. Cũng không quên khởi động chân tay rất chỉn chu:

Leo núi Tà Chì Nhù
1, 2, 3 mình cùng tập nào!

Cuối cùng là… Lên Đường! 🚶🚶

Cả đoàn vượt qua cây cầu đầu tiên bắc ngang con suối sau khi trả phí 30k/người. Được biết là mọi khi các đoàn đều đi vòng qua khu mỏ chì, nhưng hôm nay do khu mỏ chưa mở, nên đoàn chúng tôi không đi tắt được. Vậy là rồng rắn nhau băng cầu. Đây là cây cầu ngắn nhất có mức phí chanh sả nhất mà tôi từng đi qua từ trước tới nay😂

Vượt cầu leo núi Tà Chì Nhù

Ngay sau khi qua suối là bập luôn vào con dốc ngắn nho nhỏ như để khởi động. Tiếp đó là khoảng đất trống thoai thoải, rồi xuống dốc để lại băng lên con dốc khác cao vút. Chặng đầu tiên này khiến mọi người ngay lập tức thấm mệt. Ai nấy đều dùng cả chân lẫn tay để leo lên được dễ dàng. Tới đỉnh dốc là thở phì phò như trâu.

Bởi vậy các bạn hãy lưu ý phân bổ sức lực nhé. Vừa mới đi hãy cứ đi nhẹ nhàng, thong thả, đừng ỷ mình khỏe mà leo phăm phăm. Nhanh mất sức lắm.

Tiếp tục vượt cây cầu thứ hai, nơi có con dốc cao vút đang chờ đón cả đoàn:

Leo núi Tà Chì Nhù

Tôi nhớ lần đi leo Fansipan hay đi cung Tà Năng – Phan Dũng đều có đoạn đầu đi bộ bằng bằng, sau đó mới bắt đầu đi lên, như một nhịp nghỉ cho đôi chân được làm quen dần với địa hình. Nhưng ở Tà Chì Nhù thì không, đã leo là leo, vào cuộc là chỉ có lên dốc thôi.

Sau khi qua con suối thứ hai và vượt qua cái dốc cao vút, chúng tôi lạc vào không gian xanh đẹp như trong truyện cổ tích:

Chúng tôi đến chỗ ăn trưa lúc 11h. Đó đơn giản là điểm nghỉ bên bờ con suối nhỏ, để mọi người tranh thủ lọc nước suối cho vào chai làm nước uống vì lúc này các chai nước mang đi từ sáng đã dùng hết rồi. Bữa cơm trưa gồm xôi, chả, táo sao mà ngon đến lạ. Tôi vốn chẳng thích xôi mà cũng ăn được gần hết. Cơ được nạp đầy năng lượng lại bừng bừng khí thế.

Sau bữa trưa nhẹ nhàng, tất cả tiếp tục lên đường. Những con dốc cao, dài nối tiếp nhau. Có những đoạn mệt quá phải chống cả tay xuống đất để bước lên. 
Trong khi chúng tôi chật vật vất vả leo lên thì các bạn porter gùi giỏ đồ nặng trĩu trên lưng vẫn bước phăm phăm. Quả thật khiến người ta cảm phục!

Tôi cứ vừa leo vừa tự nhủ: sắp tới rồi, sắp tới rồi. Nhóm của tôi đi trước, chủ trương đi chậm nhưng đều đặn và thời gian nghỉ ngắn chỉ chừng 5 phút rồi lại đi tiếp. Vì nếu nghỉ nhiều thì sau đó sẽ lười đi hẳn. 
Chúng tôi duy trì tốc độ chậm dần đều nên đã tới lán lúc 14h47. Nhìn thấy lán mà lòng mừng vui sung sướng. Cứ như tìm thấy chân lý của cuộc đời.

Leo núi Tà Chì Nhù
Huraaaa… Về tới lán rồi!

Dần dần mọi người cũng về tới lán. Các đoàn khác cũng tề tựu đông đủ. Nghe nói có khoảng 200 anh em khắp nơi cùng tụ ở lán nghỉ 2400m đêm nay😎. Tất cả rộn ràng dựng lều, tranh chỗ trong lán, mổ dê, nướng gà, xếp hàng tắm rửa. Mọi người có thể mua nước nóng (50k/nồi) để tắm hoặc ai khỏe thì tắm nước suối nhé, nhưng cảnh báo là lạnh lắm đó. 

Toàn bộ khu nghỉ ở độ cao 2400m này bao gồm 2 lán nhà, sức chứa tầm 30-40 người/lán, với hai nhà vệ sinh ở phía bên ngoài. Vào thời điểm tháng 10 cao điểm, số người trong lán khéo lên tới 50. Chúng tôi ngồi sát nhau, nằm chen chúc. Có bạn thiếu chỗ còn phải nằm trên kệ gỗ ở lối đi.
Do đông người nên nếu bạn không giữ gậy hoặc dép cẩn thận thì sẽ bị mất ngay tức khắc. Thật là thú vị ha!

Lán Tà Chì Nhù 2400m
Đôi dép tổ ong thần thánh đi muôn nơi 😀 – Ảnh: Smiley Phuong

Buổi tối, trời đổ mưa tầm tã. Chúng tôi vừa vui vừa lo. Vui vì không mưa khi mình đang leo lên, lo vì sáng mai đường lên đỉnh sẽ trơn trượt. Do mưa không có chỗ ăn bên ngoài, phải vào lán ngồi khá chật. Cũng không có đũa để ăn nên cả đoàn quyết định dùng tay bốc 😆
Đúng lúc này anh em porter đã phát huy sức sáng tạo vô bờ bến: đi chặt những que trúc nhỏ làm đũa. Nhìn cũng yêu lắm. Tôi nhủ thầm phải mang đôi đũa trúc đó về Hà Nội làm kỷ niệm. Vậy mà sau khi đi giải quyết nỗi buồn quay về đã thấy anh em dọn dẹp sạch sẽ mâm bát rồi. Thế là tan tành giấc mơ đôi đũa trúc treo ở nhà.

Lán Tà Chì Nhù 2400m
Bữa cơm ấm cúng trong lán

Nói nhỏ nè, ở khu lán thì điều kiện vệ sinh chỉ ở mức rất rất bình thường. Các bạn đừng yêu cầu cao quá. Cũng đừng hy vọng anh em porter nấu nướng theo đúng chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tách biệt thớt thái đồ sống/chín. Ai bụng dạ yếu thì tốt nhất chuẩn bị thuốc mang theo hoặc có kén ăn thì nên mang thêm đồ ăn vặt cho bản thân nha.

À quên, phải khoe các bạn cốc cà phê nóng hổi mà tôi xoay sở được khi vừa tới lán nè. Trời ơi, trong cái gió thổi vù vù ở đỉnh 2400m, sau một ngày trời bò lê lên dốc, giờ được ngồi thả người trên ghế và nhấm nháp cốc cà phê bốc khói, sao mà lại tuyệt vời thế chứ 😍

Lán Tà Chì Nhù 2400m
Cà phê hòa tan thôi mà lúc này ngon vậy trời 😀

Đêm ấy đoàn chúng tôi chia 12 người ngủ trong lán, còn lại 8 người ngủ ở hai lều, mỗi lều 4 người. Tôi nằm trong lều trằn trọc vì đôi chân mỏi nhừ, tới mức tôi cứ lo không biết hôm sau mình có thể leo tiếp không, khi mà toàn thân đau nhức thế này? Nhưng chỉ mất vài phút lăn tăn thôi, vì sau đó cũng lăn ra ngủ tít rồi. Kết thúc một ngày vận động hết sức mình…

Ngày 2: Tà Chì Nhù 2979 m – Trạm Tấu – Hà Nội

3h sáng, khi chúng tôi đang say giấc nồng thì bất ngờ tỉnh giấc vì cái đồng hồ báo thức vô duyên cứ đứng ở cạnh lều chúng tôi mà gọi ầm ĩ: Thành ơi, dậy chuẩn bị leo núi đi con…
À, ông bố nào đó của đoàn nào đấy réo gọi con dậy leo núi (chắc đi sớm để ngắm bình mình trên đỉnh)… Thiệt là mệt mà… Trong khi đoàn chúng tôi đã lên kế hoạch là 5h dậy, 6h leo… 

Cuối cùng, do bị ảnh hưởng của tất cả các đoàn xung quanh, chúng tôi cũng thay đổi thời gian, dậy sớm và xuất phát sớm hơn đã định. 5h15 chính thức tiếp tục leo lên đỉnh Tà Chì Nhù! Có 3 thành viên do điều kiện sức khỏe nên không tiếp tục đi, ở lại lán nghỉ và sẽ xuống núi trước đoàn.
Trời bắt đầu hửng dần ở phía xa…

Lán Tà Chì Nhù 2400m
Tiếp tục hành trình leo núi lúc 5h15 sáng

Đoạn đường lên dốc thoai thoải, không hề khó như tôi đã hình dung. Đi được vài bước là đôi chân bắt nhịp được ngay, quên luôn cả cảm giác mỏi nhức tối qua. Chúng tôi tận hưởng hết mình không khí của buổi sáng và chụp ảnh liên tục. Cả biển mây sà xuống ngay trước mắt chúng tôi, chỉ tiếc là trình chụp ảnh của tôi còi quá:

Leo núi Tà Chì Nhù

Và rồi… khắp núi rừng, đất trời sáng bừng! Chúng tôi vỡ òa khi nhìn thấy những bông hoa đầu tiên. Chính là nó, hoa tím huyền thoại, hoa tím mơ mộng, hoa tím chi pâu!

Hoa tím Tà Chì Nhù

Nhưng, lại nhưng… Không hề có màu tím ngắt như trong những bức ảnh lan truyền trên mạng. Những bức ảnh đã từng khiến tôi ngất ngây chỉ mong chờ được tận mắt chứng kiến và đắm mình trong vẻ đẹp ấy. Cái tôi nhìn thấy ở đây chỉ là tím rất nhẹ. Hoa cũng mọc theo từng cụm, từng vạt nhỏ chứ không nối tiếp mênh mông ngút ngàn. Tôi có chút bất ngờ, dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý là ảnh trên mạng luôn là ảnh ảo (thật không khác gì lần tôi đi thăm đồng cừu ở Ninh Thuận, bị thực tế phũ phàng đập vào mắt dở khóc dở cười).


Các bạn porter bảo trời càng nắng thì hoa càng tím. Đợt chúng tôi đi là vừa qua cơn mưa trước đó nên hoa nhạt màu. Tuy nhiên lúc mà hoa tím nhất thì cũng không được như màu tím lịm các bạn xem qua ảnh trên mạng đâu nhé. Đừng tin quá như tôi!

Nhìn kỹ mà xem, hoa tím Tà Chì Nhù đẹp thật đây này:

Hoa tím Tà Chì Nhù

Đến đây nhiều bạn sẽ thắc mắc, đi Tà Chì Nhù chỉ để ngắm đồi hoa tím mộng mơ, vậy mà hoa chỉ như thế này, thì đi làm gì? Ồ không, Tà Chì Nhù đâu chỉ có hoa? Còn có núi, có mây, có trời… Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên cảnh sắc vô cùng hùng vĩ, khiến cả đoàn chúng tôi mê mẩn.

Nắng lên rực rỡ thế này mà!
Lên đỉnh Tà Chì Nhù
Cảnh đẹp thế này không check in thì phí quá! – Ảnh: Smiley Phuong

Cuối cùng cũng chạm tay Tà Chì Nhù! Thật tiếc khi chúng tôi lên đỉnh thì mù giăng bốn phía. Không còn cảnh trời trong xanh mây trắng lung linh nữa.

Lên đỉnh Tà Chì Nhù
Team của chúng tôi đây! – Ảnh: Minh Quân

Suốt chặng đường lên đỉnh tôi không gặp được đoàn ngựa nào, cũng chẳng may mắn thấy dê (chỉ thấy phân dê rơi rụng khắp nơi thôi 😌 Thế nên giấc mơ nhìn đàn ngựa phi giữa rừng hoa tím như ảnh được xem trên mạng cũng tan biến…
May sao, lại được gặp…bò! Thôi thì số cũng được trời thương cho ngắm thêm nhiều thứ 😀

Lên núi Tà Chì Nhù

Trên đường về gần tới lán nghỉ thì trời đổ mưa tầm tã. Tới lúc chúng tôi ăn bữa trưa đạm bạc mưa vẫn rơi không ngừng.
Cuối cùng chúng tôi quyết định xuống núi bất chấp thời tiết. Các đoàn khác cũng đội mưa đi hết rồi. Chỉ có đoàn chúng tôi là đi cuối cùng. 

Lên núi Tà Chì Nhù
Các đoàn lần lượt đội mưa xuống núi

Trời mưa nên đường xuống dốc trơn trượt. Lúc này ai không có giày bám đất hay gậy chống hỗ trợ thì sẽ vồ ếch liên tục. Kinh nghiệm là quan sát nhanh, bước chậm, chắc chân. Lấy gậy chống làm trụ, khi tìm được điểm tựa chắc mới nhấc chân đi. Những đoạn nào dốc trơn quá thì bước đi nghiêng người, hoặc quay lưng kiểu lùi xuống, nếu có trượt ngã thì tay chống xuống đất luôn, nhưng người sẽ không bị lao xuống dốc như khi đi thẳng. 
Tôi thì rất thích xuống núi, không bị mệt, chỉ trùng đầu gối thôi.

Xuống núi Tà Chì Nhù
Đường đi xuống do mưa nên rất trơn – Ảnh: Smiley Phuong

Nhóm chúng tôi là nhóm đầu tiên xuống tới chân núi nơi hẹn xe đón. Chân lấm lê bùn đất. Khắp người mỏi nhừ. Chúng tôi ra suối rửa sạch bùn đất, thay dép, rồi lên ngồi trên xe tránh mưa và chờ đoàn.

Đến 18h thì các thành viên khác trong đoàn cũng dần xuất hiện. Lúc này trời đã tối lắm rồi, vẫn còn chị Huyền chưa xuống kịp (có porter đi kèm theo). Sau khi bàn bạc thì chúng tôi đành quay về Trạm Tấu trước cho mọi người tranh thủ tắm nước nóng thư giãn. Xe sẽ quay lại đón thành viên cuối cùng sau. 

Gần 8h tối chúng tôi bắt đầu liên hoan ăn mừng thành công của cả đoàn, cũng là chúc mừng sinh nhật của chị Huyền cùng các thành viên sinh tháng 10. Bữa lẩu ngon đã đời sau hai ngày gần như không ăn được mấy. 

5. Ai có thể leo núi Tà Chì Nhù?

Sau khi chính mình trải qua hành trình leo núi Tà Chì Nhù, chứng kiến cô Cúc lớn tuổi nhất đoàn vẫn kiên trì leo lên tới lán nghỉ 2400, nhìn bạn Thắng sốt mệt vẫn lên được tới đỉnh chạm tay vào chóp inox 2979m, hay như chị Huyền về cuối cùng trong đoàn vẫn đầy phấn khích, tôi tin rằng Ai cũng có thể leo núi Tà Chì Nhù✌ Miễn là bạn đủ quyết tâm, đủ kiên trì và hiểu được bản thân mình. Không ai có thể làm thay cho bạn! 

Đường lên Tà Chì Nhù không ngoằn ngoèo, quanh co, cũng không thoai thoải theo kiểu lên cao dần. Chỉ có một con đường đi thẳng, càng đi càng lên dốc, khoảng 17km, theo số liệu một thành viên trong đoàn đo được. Đứng trên cao tít rồi vẫn nhìn thấy điểm xuất phát lúc đầu.

Tuy nhiên bạn sẽ không hề cảm thấy chông chênh vì độ cao đâu. Con đường mòn đi lên luôn được bao bọc bởi cây cối hai bên, hay khoảng không rộng thoáng, không có vực sâu thăm thẳm khiến những người sợ độ cao rùng mình. 

Nếu có điều kiện, hãy tập chạy hàng ngày. Bạn sẽ rèn được sức bền, sự dẻo dai cần thiết cho chuyến đi.

6. Lời kết

Tôi thật sự cảm ơn bạn đã kiên nhẫn đọc tới tận đây. Cũng bởi có quá nhiều điều hay ho mà tôi muốn ghi lại, nên bài viết cứ dài mãi thôi…
Mỗi chuyến đi mang đến cho tôi những người bạn mới và những cảm xúc khó có thể quên được. Cảm ơn em Hiền đã lên cung và đặt mọi dịch vụ cho đoàn, cảm ơn em Quân lead đoàn lên đỉnh, cảm ơn tất cả các thành viên đã cùng góp phần mang lại những tiếng cười vui vẻ trong suốt hành trình.

Sau chuyến đi Tà Chì Nhù, ấn tượng lớn nhất đọng lại trong tôi không phải là hoa tím mà là cảnh núi rừng mây trời đẹp hùng vĩ ra sao. Tự bản thân nó đã đẹp lắm rồi. Đẹp từ cái gốc cây cháy nham nhở tới những bông hoa dại bé li ti hay những ngọn cỏ bé xíu mà dẻo dai vui đùa trong gió. Ngoại trừ lúc mưa, thì chắc chắn đi leo núi Tà Chì Nhù lúc nào cũng đẹp!

À, nếu bạn cũng chuẩn bị leo Tà Chì Nhù, thì nhớ đừng xả rác bừa bãi. Trên Tà Chì Nhù bắt đầu xuất hiện nhiều rác rồi đấy. Túi nilon, vỏ nhựa, vỏ bánh kẹo, chai nước… vương vãi khắp nơi… Cũng đừng ngắt hoa Chi Pâu sống ảo, vì tôi thấy hoa lưa thưa lắm. Chỉ sợ một ngày lại chẳng còn bóng hoa nào… Giống như khu đồi còn trơ gốc cây đen sì vậy…

Tà Chì Nhù, đi thì mệt, mà về thì nhớ, thì yêu…!!!

Leo núi Tà Chì Nhù
Hoàn thành xuất sắc mục tiêu lên đỉnh Tà Chì Nhù ♥️










Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *