Nếu nói điều gì khiến mình nhớ mãi không thể quên được khi tìm hiểu về người Pà Thẻn Lâm Bình thì đó chính là nghi lễ nhảy lửa của họ. Mình tin là bất cứ ai chứng kiến nghi lễ đó sẽ đều bị ấn tượng mạnh như mình.
Tóm tắt nội dung
Thời gian diễn ra nghi lễ
Nghi lễ này được tổ chức hằng năm vào những tháng cuối cùng trong năm, khi mùa màng đã kết thúc. Theo quan niệm của người dân, lễ nhảy lửa là sự thể hiện cho sức mạnh của dân tộc Pà Thẻn cũng như ước mơ chế ngự thiên nhiên của họ.
Chuẩn bị cho lễ nhảy lửa
Nghi lễ diễn ra vào chiều tối, từ khoảng 18h, trên một bãi đất rộng, vì cần có không gian để đốt lửa và cho mọi người nhảy xung quanh. Việc chuẩn bị cho nghi lễ cũng khá cầu kỳ và cần các đồ sau:
- Một mâm lễ cúng gồm đầu lợn được luộc chín, có buộc một dải khăn đỏ
- Trên mâm lễ thắp 3 nén hương lớn
- Đàn Pàn dơ, dụng cụ truyền thống của người Pà Thẻn. (Mình nhìn thì chỉ biết đó là một thanh gỗ dài)
- Que tre, vòng lắc Pà sán tầu
- Đống củi to để giữa bãi đất rộng
Người tham gia nhảy lửa là những chàng trai khỏe mạnh, được thầy cúng lựa chọn. Theo người dân kể lại thì đó là những người có tâm rất sáng, thiện lương. Tất cả đều mặc trang phục truyền thống và ngồi phía sau thầy cúng.
Trước giờ chính thức của lễ, thầy cúng sẽ tiến hành làm lễ tế. Thầy ngồi trên ghế, tay cầm chiếc vòng lắc, tay kia cầm que tre, vừa gõ que tre vào đàn, vừa lắc vòng, vừa lầm rầm đọc bài cúng. Những người tham gia nhảy lửa lắc lư theo nhịp gõ của thầy. Đống củi đặt giữa bãi đất cũng được nhóm lửa cháy bùng bùng.
Nghi lễ nhảy lửa bắt đầu
Khi ánh mặt trời đã tắt hẳn, đống lửa cũng dần tắt, cũng là lúc nghi lễ chính thức bắt đầu. Khó có thể tả hết sự ngỡ ngàng của mình trong vài câu chữ. Những người thanh niên lắc lư theo tiếng gõ que tre của thầy cúng, lao người vào đống lửa đã tàn, tay bốc than vung ra, tạo nên những vệt sáng loang loáng.
Mọi người giải thích cho mình rằng, các vị thần trên trời đã nhập vào những người thanh niên kia và điều khiển họ, thôi thúc họ lao vào lửa. Mình thấy họ không có chút gì sợ hãi hay e ngại, mắt nhắm lờ mờ, kiểu như vô thức, nhưng nhảy rất chính xác vào đống than nóng rực, tay bốc từng nắm ném ra.
Cứ sau một lần nhày, các chàng trai lại quay về ngồi bên cạnh thầy cúng. Một lúc lại rung người, lắc lư đầu liên tục, rồi lại tiếp tục lượt nhảy thứ 2. Cứ thay nhau nhảy và lặp lại như vậy khoảng một tiếng, cho tới khi đống than tàn hẳn mới dừng.
Kết thúc buổi lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn
Kết thúc lễ hội, thầy cúng lại đọc bài cảm tạ các vị thần, cầu mong các vị thần luôn phù hộ cho dân làng, và lại hẹn các vị thần vào lễ nhảy lửa năm sau. Những người tham gia nhảy lửa dần dần tỉnh táo lại, cười nói vui vẻ, không hề bị bỏng tay, bỏng chân chút nào, chỉ bị đen vì than củi mà thôi.
Quả thực có rất nhiều điều dù được chứng kiến tận mắt nhưng vẫn không thể giải thích ngọn ngành được.
Không ai biết lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn có từ bao giờ, chỉ biết là từ lâu lắm rồi. Cứ truyền từ đời này sang đời khác. Người dân Pà Thẻn rất coi trọng nghi lễ này và có niềm tin thật khó lý giải vào sức mạnh của thần linh.
Mình cảm thấy thật bất tài khi không thể nào miêu tả được trọn vẹn điều kỳ bí của nghi lễ nhảy lửa. Vì ngay cả khi xem tận mắt, mình còn vô cùng bất ngờ, cảm giác nổi da gà và hết sức thán phục khả năng của con người.
Nếu một ngày có cơ hội đến Lâm Bình chứng kiến nghi lễ độc đáo có một không hai này, bạn nhất định đừng bỏ qua nhé.