Về Đường Lâm, chùa Thầy, chùa Tây Phương tìm sự bình yên cho tâm hồn

Sau gần 2 tháng vùi mặt vào dự án, cảm giác ngột ngạt bí bách khiến tôi sắp không thở nổi. Tranh thủ thời gian, tôi lên đường đi Đường Lâm, chùa Thầy, chùa Tây Phương để tìm cho mình chút không khí trong lành và sốc lại tinh thần đang như dây đàn sắp đứt của mình.
Phải nói rằng cung đường Đường Lâm – Chùa Thầy – Tây Phương cực kỳ phù hợp với những ai không có nhiều thời gian mà vẫn muốn rời khỏi Hà Nội để thư giãn đầu óc, vận động nhẹ nhàng, tìm một không gian yên bình để nghỉ ngơi, hoặc đơn giản là thay đổi nhịp điệu cuộc sống buồn tẻ của mình. Tuy nhiên điều kiện tiên quyết là phải tránh dịp lễ hội, tránh đi nhóm đông, nếu không thì coi như công dã tràng luôn.

Khác với nhiều người thường đi chùa Thầy, chùa Tây Phương trước rồi mới vào Đường Lâm, tôi bắt đầu từ ngôi làng cổ nghìn năm này trước, đơn giản vì muốn dành thời gian cuối ngày để nghỉ ngơi thư thái trong chùa, tĩnh lặng mà nhìn lại mọi việc.
Từ Hà Nội, chạy xe theo Đại lộ Thăng Long, tới ngã ba Hòa Lạc rẽ phải theo đường 21, qua Sơn Lộc đến ngã tư giao nhau với đường 32 là thấy biển chỉ dẫn rẽ vào làng cổ Đường Lâm. Cứ đi theo chỉ dẫn sẽ nhanh chóng đến được cổng làng. Gửi xe, mua vé và thế là bắt đầu hành trình!

Đường Lâm - Hoa Chio

Tôi dành trọn cả buổi sáng cho Đường Lâm, lang thang trong các ngõ ngách của làng. Rất may trời đã tạnh, hơi hửng sáng, chứ không mưa như khi tôi xuất phát từ Hà Nội. Nhưng ánh sáng không được đẹp vì không có nắng, nên thật khó để có thể chụp được những bức ảnh tươi tắn như mong muốn. Đường Lâm so với 10 năm trước khi tôi lần đầu đến đã thay đổi rất nhiều. Hàng quán nhiều hơn, xây dựng nhiều hơn, bụi bặm hơn, bớt trong lành. Vẫn may chưa mất hết sự yên bình. Âu cũng là điều tất yếu mà sao tôi cứ thấy luyến tiếc.

Đi qua cổng làng Mông Phụ huyền thoại xuất hiện trong nhiều tác phẩm nghệ thuật, tôi bước trên con đường lát gạch sạch sẽ thẳng đến đình Mông Phụ. Phía ngoài đình là hai dãy hàng bán đồ lưu niệm, gọn gàng và trật tự, không đeo bám khách như ở nhiều nơi khác. Đình làng là khu trung tâm của làng, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa của làng, cũng là nơi cho trẻ em vui chơi. Tôi ngồi đung đưa chân trên tấm phản ở gian bên trái của đình, nhìn lũ trẻ đá bóng trên sân. Một cậu bé mập mạp chạy lại chỗ tôi chỉ chỉ vào túi tôi cầm hỏi: Đây là cái gì, cho em xin ít. Tôi phì cười, lắc đầu, chưa kịp nói gì thì cậu bé ngượng ngùng quay lưng chạy ra chơi bóng tiếp. Thật là dễ thương quá! (Ai da, không phải tôi ki bo gì đâu, đơn giản đó là túi áo rét của tôi mà, đi bộ nóng nên bỏ ra xách tay thôi).

Tiếp đó là các điểm thăm được nhắc tới rất nhiều ở Đường Lâm như Nhà cổ, Giếng cổ, đền thờ Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương), đền thờ và lăng Ngô Quyền, chùa Mía (Sùng Nghiêm Tự). Nếu bạn muốn tìm hiểu về lịch sử, đặc tính của từng nơi thì có thể đọc thêm ở Blog Hanoi Trip hoặc trên Wiki nhé.

Ở Đường Lâm có 3 ngôi nhà cổ nổi tiếng mà bạn có thể lựa chọn thăm quan: ông Hà Nguyên Huyến, ông Nguyễn Văn Hùng, chị Dương Lan. Tôi thích nhất nhà ông Hà Nguyên Huyến, nằm cuối con ngõ nhỏ hẹp, bé bé xinh xinh. Trong khoảng sân nhỏ trước nhà là hàng loạt những vại tương xếp hàng ngay ngắn, gợi tôi nhớ tới khoảng sân của bà ngoại tôi, cũng đầy ắp những vại tương nâu đỏ xếp cạnh nhau, mà mỗi dịp về thăm bà tôi lại lăng xăng theo bà mở từng vại tương kiểm tra.

Đôi khi ta cứ bắt gặp đâu đó những hình ảnh thân quen vô cùng, tưởng như vừa mới xảy ra ngày hôm qua.

Tôi thuê xe đạp chạy dọc con đường nhỏ dẫn ra đền thờ vua Ngô Quyền. Suốt dọc đường đi chỉ gặp một chiếc ô tô dọn vệ sinh môi trường, lác đác vài cái xe máy, còn lại là vắng bóng người. Tôi thật may mắn khi đi đúng ngày bình yên thế. Gió thổi nhẹ, hơi se lạnh, đủ để làm tươi mát tâm hồn. Tôi thích con đường dọc hàng duối cổ, tương truyền là nơi vua Ngô Quyền luyện voi ngày xưa. Tuy là hàng duối cổ nhưng bóng cây to nhất lại là những cây si, quả vàng lấp lánh trong tán lá xanh sum suê. Cảnh đẹp như trong giấc mơ cổ tích của tôi mà nếu được nằm thảnh thơi dưới tán cây ngước mắt lên nhìn trời thì tuyệt vời lắm.

Gần 12h tôi quay về trả xe, ăn bún chả Đường Lâm ở nhà chú Hùng (Hùng Cậy), về muộn và không đặt trước nên không còn lựa chọn nào khác. Ở Đường Lâm có 4 đặc sản thường xuyên được nhắc tới gồm gà mía, tương chấm, bánh tẻ và chè lam. Những món ăn dân quê đơn giản, bình dị mà hấp dẫn. Tôi rất thích món chè lam xanh (tôi gọi vậy để phân biệt với chè lam gấc màu hồng đỏ), vị ngọt thanh, thơm mùi lá nếp, bùi bùi vị lạc, dẻo dính vị gạo, thêm ít bột nếp mịn, nhẹ bay bay khiến tôi vừa ăn vừa phải phủi bụi bột trên quần áo. Ăn một miếng lại muốn ăn miếng thứ hai, lại tiếp miếng thứ ba. Tôi mua ở hàng thứ hai dãy bên trái phía ngoài cổng đình Mông Phụ. Có cơ hội bạn hãy thử nhé. Khi tôi quay lại đó mua thêm, cô bán hàng tươi cười giảm giá cho tôi, bảo từ lúc tôi mở hàng là cô đắt khách, bán hết mấy mẹt rồi. Tôi cười hỉ hả sung sướng, vía mình tốt thật.

Đường Lâm - Hoa Chio
Nơi mua chè lam đây nhé

Tạm biệt Đường Lâm, tôi đi sang chùa Thầy cách đó khoảng 10km. Đầu giờ chiều, trời vẫn không có nắng, gió lạnh hơn một chút. Hai bên lối vào là những quán bán đồ lưu niệm, bán nước uống, khiến đường vào chùa bỗng đông vui nhộn nhịp. Nhưng khi bước qua cổng chùa vào bên trong, bạn sẽ thấy một không gian hoàn toàn khác. Chỉ cách một bức tường thôi nhưng mọi ồn ào của cuộc sống đã bị đẩy lùi, thay vào đó là sự tĩnh lặng, yên bình, bỗng khiến tôi thấy thư thái. Tôi không phải tín đồ của Phật, tôi chỉ đi chùa để tìm sự yên bình, nên tôi không cầu kỳ lễ bái như mọi người. Tôi lặng lẽ đứng trước điện, chắp tay vái 3 cái như là một lời chào dành cho chủ nhà khi tới thăm nhà, rồi thong thả dạo trong chùa.Tôi vòng từ chùa Thượng, chùa Trung, sang chùa Hạ, ngắm nghía những giò phong lan đung đưa trong gió, nhìn những hoạt tiết trạm trổ trên mái, ngắm nhìn mọi người làm lễ.

Trước khi ra khỏi chùa, tôi đứng trước bức tranh trạm khắc treo trên tường, thể hiện triết lý của đạo Phật, vốn sẽ cứu rỗi được con người khỏi những kiếp nạn địa ngục, dẫn dắt con người đến với cõi phật. Cũng sẽ có những người không thể đến được cõi phật thì sẽ đầu thai sang kiếp khác, thành người khác hoặc thậm chí một con vật nào đó.

Bởi vậy, hãy cố gắng sống tốt nhất có thể, tích đức nhiều lên qua mỗi ngày, để sau có thể yên tâm đến với thế giới của Phật.

Chùa Tây Phương cách chùa Thầy khoảng 5km, tọa lạc trên ngọn đồi cao 50m của thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất. Vừa xuống cổng chùa tôi đã được các chị bán hàng rong bủa vây mời mua đồ. Tôi mỉm cười xua tay không mua, và thấy rất khó chịu khi bị bám theo tới những bậc đầu tiên để lên chùa. Điều này cũng là điều tôi không thích nhất khi đến đây. Tôi vừa đi vừa đếm bậc thang để kiểm chứng xem có đúng là 237 bậc như tôi đã đọc được trên mạng không, nhưng chỉ được nửa đường là tôi bỏ cuộc, dành sức để thở. Tác hại của việc chúi mặt vào công việc mà quên dành thời gian cho sức khỏe đây mà.

Lên tới bậc cuối cùng, bước vào sân chùa, cũng giống như lúc vào chùa Thầy, tôi như lạc vào một thế giới khác, tĩnh lặng và trong sạch. Sau khi vái chào trước điện chính ở cửa chùa, tôi tháo giầy, đi vào phía bên trong ngắm từng pho tượng, tưởng như họ đang nhìn, đang nói chuyện với mình. Trong đầu cứ văng vẳng bốn câu thơ đầu tiên của bài 18 vị La Hán chùa Tây Phương. Cố lục lại trí nhớ để nhẩm những khổ thơ tiếp theo mà không nhớ nổi, đành chịu thua.

 

Tôi quay ra ngoài ngồi ở ghế dưới tán cây cổ thụ, ngắm mái chùa cong cong, tường gạch đỏ nâu làm nổi bật cửa sổ trắng hình tròn, nhìn hàng cau thẳng vút khẽ đu đưa lá trong gió. Thật sự đã quên đi mất những con đường đông nghịt người ở Hà Nội rồi…

Tôi miên man nghĩ về công việc, về cuộc sống, về triết lý hạnh phúc là quãng đường đi mà không phải đích đến. Nghĩ một hồi thấy đau đầu, dứt khoát vứt bỏ tất cả, nhắm mắt hít thở không khí trong lành và thả cho đầu óc hoàn toàn nghỉ ngơi.

Con người ta rất kỳ lạ, cứ mải chạy đua với cuộc sống, mà quên đi cần phải thường xuyên nuôi dưỡng tâm hồn mình. Nếu không một ngày, nó sẽ khô cằn đáng sợ.

Và bạn, nếu một ngày cần một nơi để tưới mát tâm hồn mình, hãy thử chọn cung đường mà tôi đã đi ở trên nhé, biết đâu bạn sẽ có thêm cảm hứng mới để bắt đầu một loạt công việc sắp tới…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *