Về bản Sưng sống chậm thật không sai chút nào. Một nơi không có internet, không có 3G hay 4G, cũng không có sóng điện thoại, tivi thì chỉ lác đác vài nhà có. Nếu muốn gọi điện phải đi xe máy lên đỉnh dốc cách làng vài km để hứng sóng. Một nơi tách rời cuộc sống hiện đại như vậy đúng là lý tưởng cho những tín đồ sống chậm. Nếu bạn cũng muốn về nơi ấy, hãy lại đây nghe mình kể chuyện bản Sưng Đà Bắc!
Tóm tắt nội dung
Những điều kỳ lạ ở bản Sưng Đà Bắc
Khi tụi mình đặt chân tới đầu xóm, vừa xuống xe là đã được một chú chó đen chạy ra tiếp đón nồng hậu. Nó ngoáy đuôi tít mù, đi quanh quẩn quanh từng người hít hà như muốn làm quen. Sau đó lại lon ton chạy lên trước dẫn đường. Mình vốn sợ chó mà nhìn vậy cũng thấy an tâm hơn hẳn. Sao nó thân quen như gặp người nhà vậy chứ?
Cả dọc đường đi lên nhà nghỉ chỉ nghe thấy tiếng bước chân và tiếng kéo vali của đoàn mình. Tụi nhỏ thấy mình còn giơ tay vẫy chào vui vẻ. Không có tiếng xe cộ ầm ầm, không có tiếng người nói xôn xao, không gian thanh bình mà yên ắng.
Bản Sưng hảy xóm Sưng là bản của người Dao Tiền nằm nép mình bên núi Biều, thuộc xã Cao Sơn, Huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Từ Hà Nội đi về Sưng chỉ mất khoảng hơn 2 tiếng. Đường rất dễ đi và rất dễ tìm. Bạn chỉ cần đi theo Google Map là tới, không lo bị lạc.
Ở xóm Sưng có khoảng 73 gia đình và mới chỉ có 3 nhà đón khách tới ngủ. Mình may mắn được trải nghiệm dịch vụ ở cả ba nhà. Ngủ ở nhà Xuân Lan, ăn cơm ở nhà Nhất Quý và Thành Chung. Vậy là hiểu được hết cách bà con nơi đây làm du lịch và tiếp khách như thế nào.
Theo lời kể của người dân trong làng, tên Sưng đã có từ hơn 300 năm trước. Ngày xưa xóm tên là Sâng, gọi theo tên loại cây mọc rất nhiều ở đó, nghĩa là xóm cây Sâng. Về sau đọc chệch đi thành Sưng cho dễ.
Nhiều người lại bảo, do trước đây đường lên bản rất khó đi, lại chỉ có thể đi bộ, mọi người thường xuyên bị vấp ngã, sưng chân tay, mặt mũi, nên người ta mới gọi là bản Sưng, xóm Sưng.
Cái tên Sưng vẫn còn khá xa lạ với nhiều người. Nhưng có lẽ nhờ vậy mà tới tận bây giờ, xóm còn giữ được những nét truyền thống của người Dao, chưa bị mai một theo cuộc sống hiện đại.
Bạn sẽ được thỏa thích ngắm những ngôi nhà trệt, mái lợp bằng lá cọ, trong nhà vẫn còn gian bếp với gác bếp phía trên. Người dân vẫn nhuộm chàm, dệt thổ cẩm, in hoa văn lên vải bằng sáp ong và đặc biệt vẫn có lớp dạy tiếng Dao tại xóm để lưu giữ và bảo tồn tiếng Dao.
Trong bữa cơm thân mật với người dân, cùng nhau trò chuyện, mình đã biết thêm được rất nhiều điều thú vị. Có thể bạn cũng sẽ rất bất ngờ như mình khi biết rằng:
- Ở bản Sưng, con gái không bắt buộc phải lấy chồng nhưng vẫn có thể có con. Người đàn ông lấy vợ mà vợ đã có con trước rồi thì cũng sẽ yêu thương con của vợ như con mình.
- Mỗi nhà thường chỉ đẻ 2 con. Đẻ con ra mà ko nuôi đc thì có thể cho nhà khác làm con nuôi và hai gia đình vẫn đi lại chơi với nhau
- Người có tuổi hay được gọi là bố để thể hiện sự kính trọng.
Những điều như vậy thật là tuyệt vời đúng không?
Về xóm Sưng Đà Bắc là rời xa cuộc sống công nghệ, không có internet, không có điện thoại, homestay không có tivi. Trời mùa đông, 5h chiều đã tối. Cả xóm chìm trong khung cảnh yên bình, tĩnh mịch. Cắm sạc pin điện thoại để hôm sau sẵn sàng chụp ảnh, cuộn tròn trong chăn đọc truyện. Rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Cảm giác thời gian như dừng lại!!!
Trải nghiệm những hoạt động độc đáo ở xóm Sưng
Khi không có thời gian cho tivi, mạng xã hội, bạn sẽ có nhiều thời gian để làm những việc chưa từng làm trước đây. Lúc ấy ngay cả đi bộ cũng trở thành thú vui hấp dẫn. Ở bản Sưng mình đã được làm vô vàn điều hay ho như vậy.
Đi bộ xuyên rừng và khám phá hang Sưng
Trời chiều nắng nhưng vẫn se lạnh. Tụi mình đi theo bố Nguyên bắt đầu hành trình đi bộ xuyên qua rừng với đích đến là hàng Sưng. Bố Nguyên cũng là người cao tuổi trong làng và làm việc như một hướng dẫn viên địa phương, dẫn các đoàn khách đi thăm xóm. Vừa đi bố vừa kể cho tụi mình những câu chuyện về xóm Sưng, khiến mình đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.
Kia là cây dổi quý, cả xóm chỉ có một cây duy nhất. Mỗi hạt dổi được bán với giá 8 nghìn đồng. Tiếp đó là cây thuốc độc, tên thật là gì thì cũng không ai biết, chỉ được nghe truyền từ đời trước về công dụng và gọi chung là cây thuốc độc. Người dân bản Sưng lấy nhựa cây tẩm vào các mũi tên đi săn bắn lợn lòi. Nếu chẳng may người nào bị dính nhựa vào máu mà không cứu kịp thời thì sẽ chết. Cách giải độc là phải ăn các loại tươi sống như cây, cỏ, cua cá. Nhớ là phải ăn sống, chứ không phải ăn đồ chết hay đã được nấu nướng lên. Mình nghĩ đến cảnh bỏ con cua sống vào mồm ăn để giải độc mà chợt rùng mình.
Quang cảnh dọc đường đi rất đẹp. Những vạt cây rừng xanh mướt điểm xuyết những cây lá đỏ, những cây khô trơ cành, những vạt hoa xuyến chi tim tím… Mình bị mê hoặc bởi cảnh sắc tự nhiên ấy. Tuyệt nhiên không có âm thanh náo nhiệt nào ngoài tiếng gió, tiếng bước chân lạo xạo, tiếng máy chụp ảnh lách tách…
Tụi mình đến hang Sưng, hay còn gọi là hang Hoàng Lan, hang Ba Cô. Truyền thuyết kể lại rằng: Bà chúa Hoàng Lan có 3 cô con gái xinh đẹp. Một ngày nọ, ba cô đi chơi, lạc vào trong hang rồi biến mất không thấy quay về. Bà Hoàng Lan thương con, đi tìm khắp nơi, đi vào hang, rồi cũng không quay về. Do đó, dân làng bèn đặt tên cho hang là hang Ba Cô. Ở cửa hang có cái am nhỏ, trước khi đi vào, phải thắp hương để xin phép.
Hang Sưng không đồ sộ, không hùng vĩ cũng không đẹp lung linh như các hang mà mình đã từng khám phá, thực sự là không thể so sánh được. Tuy nhiên đó cũng là một địa danh mà bà con trông xóm nhắc tới nhiều, như một niềm tự hào khi kể về những điều thú vị của xóm.
Lớp học cộng đồng người Dao
Rời hang Sưng, đoàn mình đến với lớp học cộng đồng người Dao. Ngôi nhà lá cọ nằm giữa ruừng do 3 tổ chức thiện nguyện hỗ trợ xây dựng. Người dân tự nguyện đăng ký học theo hai lớp: Lớp dành cho lứa tuổi từ cấp 1 trở xuống và lớp dành cho thanh niên. Tuy là hai lớp nhưng học cùng một nhà, chỉ là ngồi hai góc khác nhau. Thầy dạy là 5 người cao tuổi trong xóm, thay phiên nhau dạy. Ở đó cũng bầu ra hiệu trưởng, lớp trưởng, lớp phó. Hoạt động như một ngôi trường thu nhỏ.
Có thể bạn cũng sẽ thắc mắc như mình, vì sao lớp học lại ở giữa rừng, xa trung tâm xóm như vậy? Bố Nguyên giải thích rằng, trước đây người dân sống quanh khu vực đó, nhưng từ sau khi xảy ra nhiều trường hợp lở núi, xói mòn đất… mọi người chuyển về sống ở khu vực trung tâm. Lớp học vẫn được giữ nguyên cho tới bây giờ.
Khám phá nghề dệt thổ cẩm và vẽ sáp ong lên vải
Cũng giống như người Dao Tiền ở Lâm Bình, Tuyên Quang, người Dao Tiền ở bản Sưng cũng vẽ sáp ong lên vải để may quần áo. Nguyên tắc cũng là nung sáp ong nóng chảy rồi dùng bút vẽ từ tre in lên vải. Động tác in cần phải nhanh, nhẹ nhưng đủ dứt khoát để sáp ong bám được vào vải mà không bị khô. Nếu làm chậm quá, sáp ong khô cứng, lại phải nhúng vào bát sáp ong đặt trên củi than cho sáp ong chảy ra rồi in lại. Nếu in các đường mảnh thì dùng bút tre tam giác, nếu in các ô tròn thì dùng bút ống tròn.
Trước đây người Dao hay tự dệt vải, nhưng bây giờ để tiết kiệm thời gian thì họ mua vải làm sẵn về. Tiếp đó dùng nanh lợn rừng mài cho vải thật phẳng rồi vẽ sáp ong lên.
Sau khi vẽ sáp ong xong thì mang vải đi nhuộm. Những chỗ vẽ sáp ong sẽ thành màu trắng. Chỗ nào không in sáp ong sẽ thành màu chàm/màu đen. Phải vẽ 6 tấm vuông khoảng 50cm thì mới làm được một cái váy. Thời gian nhuộm vải cũng cần cả tháng.
Để thấy rằng làm ra một bộ quần áo truyền thống của người Dao Tiền ở xóm Sưng thật không dễ dàng chút nào.
Tìm hiểu cách nấu rượu hoẵng
Rượu hoẵng là đặc sản của người Dao Tiền xóm Sưng, còn được gọi là rượu tiêu bầu. Do tên rượu là tiếng dân tộc đọc khó quá nên về sau được gọi chệch đi là Hoẵng, chứ ko phải rượu làm từ thịt Hoẵng. Cách làm cũng tương tự như làm rượu gạo dưới xuôi, nhưng khác ở công đoạn chưng cất rượu. Nếu như nấu rượu bình thường là đun trên bếp lửa to, thì khi nấu rượu Hoẵng chỉ vần trên than cho tới khi sôi. Do đó thời gian chưng cất sẽ rất lâu. Rượu hoẵng còn được gọi là rượu 3 cây. Vì rượu ngọt nên càng uống càng vào, đi bộ ba cây số sẽ ngấm và say. Khi đã ngấm rượu là 3 ngày sau mới tỉnh. Vị có màu trắng đục, giống rượu nếp cái hoa vàng, chứ không trong suốt. Nhấp một ngụm là cảm nhận được ngay vị thơm, ngọt nơi đầu lưỡi.
Nấu thịt chua như người Dao Tiền
Mới đầu mình nghĩ thịt chua ở bản Sưng cũng giống như thịt chua Phú Thọ quê mình. Ai ngờ hoàn toàn khác hẳn. Thịt chua Phú Thọ làm xong để khoảng 3 ngày (nếu trời lạnh) là ăn được. Còn thịt chua xóm Sưng Đà Bắc phải để 3 năm. Trời ơi thật là một sự kiên nhẫn vô cùng dành cho người làm và cả người chờ… ăn.
Thịt chọn miếng to bản, 9 phần mỡ, 1 phần nạc, rửa sạch, rạch từng lát chìa lại riềm khoảng 2-3m. Rắc thật nhiều muối vào các mặt thịt. Sau đó xếp thịt vào vại sành sứ. Nấu cơm chín rồi cho lớp cơm nóng thật dày lên trên miệng vại. Đậy kín nắp và ủ thịt trong một năm. Đủ thời gian thì dỡ thịt ra, phủi sạch cơm bám vào. Rồi lại cho vào vại và cho một lớp cơm mới lên. Tiếp tục ủ một năm rồi lại thay cơm và ủ thêm cho đủ 3 năm. Tính cả lần đầu tiên là 3 lần thay cơm. Thịt ủ càng lâu càng ngon. Có nhà ủ tận 10 năm.
Mỗi lần làm một vại thịt chua như vậy là khoảng 20 cân thịt. Khi lấy thịt ra ăn là sẽ phải ăn hết cả vại luôn, trong vòng một tuần thôi. Do đó thịt chua thường chỉ được lấy ra khi nhà có cỗ.
Đoàn mình rất may mắn vì được thưởng thức thịt chua trong bữa tối. Thịt ăn với lá mơ và lá sung. Cắn một miếng thịt mà ai cũng nhăn tít mặt, chao ôi mặn quá. Tiếp đó là cảm nhận được vị chua thanh của thịt, quyện lẫn vị chát chát của lá. Càng nhai sẽ càng thấy vị ngon. Nhấp thêm chút rượu hoẵng thơm ngọt, mới thấy được nó tuyệt vời thế nào.
Tâm sự bên bếp lửa và xin chữ người Dao
Lâu lắm rồi mình mới lại được ngồi quây quần bên bếp lửa, nói đủ chuyện trên trời dưới bể. Ngọn lửa cháy bùng bùng xua tan cái lạnh, làm mình nóng bừng cả mặt. Bố Si là trưởng bản, đã kể cho tụi mình nghe về cuộc sống của người Dao Tiền ở bản Sưng, về những phong tục cưới xin hay trang phục truyền thống.
Tụi mình nướng khoai, luộc sắn, trò chuyện rôm rả. Không khí đầm ấm như trong một nhà
Sau đó bố Si lấy giấy dó viết chữ cho tụi mình. Mình xin bố chữ AN với mong ước một năm mới bình an, thuận lợi. Bố Si không phải là người viết chữ chuyên nghiệp, có lẽ vì vậy mà bố rất cẩn thận, nắn nót từng nét chữ. Khi viết không thấy ưng còn bỏ đi, viết lại chữ khác cho tụi mình.
Từng nét chữ viết trên giấy dó mềm mại, chân phương, giản dị như chính những con người nơi đây.
Tắm lá thuốc và ngâm chân thư giãn
Buổi tối, sau một ngày hoạt động hết sức, tụi mình tự thưởng cho bản thân bằng một tiếng ngâm chân và tắm lá thuốc. Đây không phải là truyền thống của người Dao Tiền, bác chủ nhà đã học hỏi từ người Dao Đỏ, tự mày mò nghiên cứu lựa chọn các loại lá, phơi khô, chiết xuất lấy nước cốt đặc để pha chế làm nước tắm, nước ngâm chân. Do đó nước ngâm chân không đậm đặc như nước lá của người Dao Đỏ ở Sapa, nhưng vẫn rất thơm mùi cây cỏ.
Tắm xong khoan khoái dễ chịu vô cùng. Về nhà ngủ một giấc ngon lành quên trời đất.
Đi bộ qua rừng Luồng về xóm Đá Bia
Từ bản Sưng, đi xe khoảng 6km là sẽ tới điểm đi bộ xuyên rừng Luồng để xuống bến thuyền Đá Bia. Trên đường đi tụi mình gặp nhiều cây dó, là cây để làm giấy dó. Hoa gió nở trắng từng chùm buông thả bay lững lờ theo gió. Biết giấy dó từ lâu rồi mà bây giờ mới biết cây dó là cây như thế nào. Không thể ngờ được là hoa lại đẹp và thơm thế.
Có một chuyện hài ơi là hài, nghĩ lại mình vẫn cứ phì cười. Khi cả đoàn kêu lên ngỡ ngàng là hoa dó thơm như hoa trà, hoa nhài, thì mình chẳng cảm thấy gì, dí sát mũi vào hoa mà hít cũng không cảm nhận được mùi thơm. Mất một lúc sau mới nghĩ ra là mình đang đeo khẩu trang kín mít, lại thêm lớp khăn quàng cổ kéo lên che cho chắn gió. Vậy là cứ đứng phá lên cười một mình. May quá cuối cùng cũng được thưởng thức hương hoa dó thơm lừng.
Hoa dó nở trong hai tháng từ đầu tháng 12 tới hết tháng 2 dương lịch (Làm giấy dó từ tháng 8 dương lịch tới hết tháng 12). Nên nếu đến bản Sưng trong thời gian này, bạn sẽ được thỏa sức ngắm hoa dó vừa đẹp vừa thơm vô cùng.
Tụi mình đi xuyên qua khu rừng keo lá tràm, rồi lại tới khu rừng tre. Cảnh đẹp làm xao xuyến lòng người! Mình cũng không biết tả như thế nào, tới đây là bí từ rồi. Muốn biết đẹp ra sao, yên bình như nào, hãy tự trải nghiệm nhé. Xem ảnh của mình dưới đây cũng chỉ lột tả được một phần rất nhỏ thôi ý.
Lịch trình khám phá xóm Sưng Đà Bắc
Bạn có thể tham khảo lịch trình đi xóm Sưng 2 ngày 1 đêm như thế này:
Ngày 1: Hà Nội – Bản Sưng Đà Bắc
- 7h00: Xuất phát từ Hà Nội đi bản Sưng Đà Bắc
- Khoảng 12h: tới xóm Sưng
- Ăn trưa tại nhà dân
- 14h00: đi bộ xuyên rừng, thăm hang Sưng, thăm lớp học cộng đồng người Dao, thăm xưởng làm chè
- 16h00: khám phá nghề dệt thổ cẩm, trải nghiệm vẽ sáp ong trên vải
- 18h30: Ăn tối tại nhà dân
- 19h30: Lên thăm nhà bác Si, ngồi nói chuyện bên bếp lửa, xin chữ Dao
- 20h30: Ngâm chân và tắm lá thuốc
- 21h30: Nghỉ đêm tại nhà dân
Ngày 2: Bản Sưng – Đá Bia – Hà Nội
- Ăn sáng tại nhà dân
- Khởi hành đến khu rừng Luồng để đi bộ xuống bến thuyền
- Đi thuyền sang thăm bản Đá Bia
- Ăn trưa trên thuyền
- Đến thăm bản Mó Hém
- Khởi hành đi đến điểm tiếp theo để nghỉ đêm
Trong hành trình này mình có đi sang xóm Đá Bia và mó Hém cũng thuộc huyện Đà Bắc, nằm bên lòng hồ Hòa Bình. Mình sẽ viết một bài riêng về hai xóm này nhé. Nếu bạn muốn biết Đá Bia với Mó Hém là như thế nào, hãy kiên nhẫn chờ mình nha 🙂
Những câu chuyện ở bản Sưng Đà Bắc
Thực ra phần này chủ yếu là để…khoe ảnh 😀 Dù ảnh của mình cũng không phải xuất sắc gì. Nhưng mỗi bức ảnh đều gợi cho mình những kỷ niệm, những câu chuyện không thể nào quên được ở bản Sưng, Đà Bắc.
Bác Hai ở homestay Xuân Lan, được bình chọn là người vẽ sáp ong lên vải đẹp nhất ở xóm Sưng hướng dẫn chúng mình cách buộc khăn và chân theo kiểu người Dao Tiền:
Không hiểu sao mình cứ bị cuốn hút bởi cảnh thiên nhiên núi rừng nhiều màu sắc, dù chỉ là cành cây, ngọn cỏ rất đỗi bình thường.
Tụi mình đã có những khoảnh khắc giao lưu rất vui với bà con ở xóm Sưng, được mặc thử trang phục truyền thống của người Dao, hóa thân thành người Dao trong chớp mắt:
Những ai nên đi bản Sưng Đà Bắc?
Nếu bạn đã kiên nhẫn đọc tới đây thì hẳn bạn cũng có thể trả lời câu hỏi trên của mình.
Bản Sưng ở Đà Bắc không phải dành cho tất cả mọi người. Nơi đó chỉ thuộc về những ai thực sự muốn trải nghiệm những điều mới mẻ và đồng ý tách rời cuộc sống hiện đại trong một khoảng thời gian nhất định.
Nếu bạn thích đông vui tấp nập, thích cảnh mua bán nhộn nhịp, thích buổi tối được đi dạo dưới ánh đèn đường sáng chói hay hát karaoke vang ầm ĩ, thì bạn hợp với một nơi khác hơn là bản Sưng.
Bản Sưng được sự hỗ trợ của tổ chức AOP đã làm du lịch cộng đồng được một thời gian. Hiện vẫn còn rất ít khách du lịch tới, cũng bởi vì những điều đặc biệt như mình kể ở trên.
Mình hy vọng ngày càng có nhiều người tới bản Sưng Đà Bắc, như một cách hỗ trợ bà con tăng thêm thu nhập. Nhưng mình mong không vì thế mà bản Sưng sẽ chiều theo lòng khách khi bổ sung những tiện ích hiện đại như kiểu karaoke. Hãy cứ yên bình, đơn giản và bình dị như vốn có.