Cao Bằng trekking – Hành trình thử thách sức chịu đựng của con người (ngày 2)

Xem lại Ngày 1 Tại đây! 🙂

Chào buổi sáng Phia Thắp!

Tôi bị đánh thức từ sáng sớm bởi tiếng gà gáy vang trong bản Phia Thắp. Âm thanh vang to như dàn nhạc giao hưởng khiến tôi không thể nào ngủ tiếp được. Tôi cứ trằn trọc nằm nghe, trong đầu bỗng nhớ lại một loạt những kỷ niệm thời thơ ấu đã gắn liền với tiếng gà gáy quen thuộc.
Kết quả tôi lại là một trong số những người cuối cùng rời giường. Lúc này đã 5h30. Mặt trời dần nhô lên trên đỉnh núi, những tia nắng đầu tiên đã ngập tràn trên cánh đồng lúa xanh ngát. Tôi tựa cửa sổ ngắm bức tranh hữu tình ấy. Thật hiếm có lúc nào thảnh thơi như vậy, không phải lo nghĩ công việc, không phải cuống cuồng chạy đua thời gian, cứ lặng lẽ ngồi ngắm trời đất, chụp ảnh và khe khẽ hát theo điệu nhạc. Giá mà giây phút ấy cứ kéo dài mãi…

Thấy cô bạn đã sửa soạn mọi thứ sẵn sàng, tôi vội vàng xuống nhà đánh răng rửa mặt, rồi cùng đi dạo một vòng quanh bản. Phia Thắp buổi sáng yên bình vô cùng. Tôi dang tay hít căng lồng ngực không khí trong lành.
Đi chừng 10p cũng hết 1 vòng, tôi bắt đầu gặp bà con đi làm, dao dắt thắt lưng, người lái công nông, người đi xe máy. Công nông ở đây đúng kiểu tự chế, nhìn thô sơ mà vượt đồi núi cực khỏe.

Chinh phục đỉnh núi đầu tiên!

Sau bữa sáng đơn giản với bánh mỳ và mỳ tôm, chúng tôi chuẩn bị nước, đồ dùng cho hành trình tiếp theo.
Đúng 7h40 chúng tôi xuất phát. Lịch trình ngày hôm nay là đi bộ từ bản Phia Thắp qua Làng Trên, Làng Dưới, về Lũng Rì, rồi từ đó đi bộ qua Phúc Sen để về Phia Thắp. Dự kiến là 13km và 7 tiếng đi bộ. Lưu ý là đường đồi núi chứ không phải đường mòn thẳng băng như ở đồng bằng.

Men theo con đường nhỏ sau nhà, chúng tôi đến chân núi. Tôi ngước mắt nhìn lên, không thể tin nổi, ngọn núi cao chót vót sau nhà mà tối qua tôi còn cảm thán là trông thật ghê lại chính là núi mà chúng tôi sẽ phải vượt qua. Theo tiếng dân tộc, núi này gọi là Phà Hùng, nghĩa là Núi To, đỉnh cao nhất khoảng 770m.

Em Mao, hướng dẫn địa phương cười cười: Đấy, cái hõm chỗ giữa hai núi kia là chỗ mình sẽ vượt qua đó, nhanh lắm mà chị”.
Tôi bỗng nhớ tới câu chuyện quãng đường 1 con dao quăng của người H’mong mà thầm mong đây sẽ không phải như vậy.

Sau một đêm dài, cây cối còn ướt sương, đường vẫn còn ẩm ướt, khá trơn. Mới đi lên thôi đã thấy độ dốc của núi rồi. Mọi người nối đuôi nhau leo lên từng chút một. Mất đúng 50p chúng tôi mới lên tới cái hõm thấp thấp mà em hướng dẫn đã nói. Từ đây chúng tôi có 2 lựa chọn: một là đi thẳng để xuống núi, 2 là rẽ phải trèo lên đỉnh cao nhất để ngắm cảnh toàn vùng sau đó lại leo xuống đi theo lối 1.  Một số thành viên trong đoàn đã quyết định chọn phương án đi thẳng chứ không leo lên đỉnh. Số còn lại trong đó có tôi quyết tâm chinh phục đỉnh núi cao nhất này, vì muốn nhìn tận mắt cảnh đẹp Phia Thắp cũng như xem dấu tích của lô cốt Pháp ở đó.

Chúng tôi lên đến đỉnh sau 20 phút tập trung bò bằng cả tay và chân. Toàn bộ cảnh làng Phia Thắp hiện ra đẹp mê người. Mọi người xuýt xoa, trầm trồ, thi nhau chụp ảnh. Tôi nhớ ngày tôi leo Fan, con đường cũng dựng đứng, có những đoạn chúng tôi cũng phải bám vào đá, vào rễ cây mà bò lên. Nhưng khi tới nơi, ngắm toàn cảnh núi rừng thì chỉ thấy sự sung sướng ngập tràn. Cảm giác lúc này cũng tuyệt vời y như thế. Bao khó nhọc lúc leo lên đã tan biến, chỉ còn lại sự vui thích mà thôi.

Tôi cứ ngó nghiêng tìm cái lô cốt Pháp nhưng chỉ thấy một đống đá to đùng mà đỉnh của nó chính là chỗ chúng tôi leo lên rồi đứng chụp ảnh. Hóa ra đó chính là vết tích còn lại của cái lô cốt. Vậy mà tôi đã tưởng tượng nó hoành tráng lắm.

Cao Bằng trekking -HoaChio
Toàn cảnh Phia Thắp nhìn từ đỉnh núi To

Chụp ảnh xong chúng tôi bắt đầu leo xuống. Tốp đầu không lên đỉnh đã vượt xa chúng tôi, vì vậy chúng tôi đẩy nhanh tốc độ để đuổi kịp mọi người. Bạn tôi đã bỏ cuộc ở chặng leo đỉnh này vì giầy chật quá không thể tiếp tục được. Thật tiếc vì cô đã bỏ lỡ cơ hội ngắm toàn cảnh mà không biết khi nào sẽ có cơ hội lần 2.
Sau 30p chúng tôi mới xuống tới đường mòn và gặp mọi người ở đó. Nhìn lại quả núi mình vừa vượt qua mà thấy thật đáng nể. Rất tự hào mà thốt lên “Ôi ta phục ta quá!!!” 😀 😀

Chúng tôi đi theo con đường nhỏ một bên là núi một bên là cánh đồng lúa tiến vào làng Trên (còn gọi là Lạn Trên theo tiếng dân tộc). Nắng đã ngập tràn trên con đường nhỏ không có bóng cây. Ngang qua một hom nước chảy từ trong núi ra, chúng tôi reo lên phấn khích chạy xuống rửa mặt, rửa chân. Nước mát lạnh làm dịu đi cơn nóng. Trẻ con trong bản thường ra đó tắm, chui qua hốc đá bơi vào phía trong. Một giây ấy tôi ước gì mình cũng có thể làm như vậy, hẳn là mát lạnh như ngâm mình trong nước đá.
Chúng tôi tiếp tục đi về làng Dưới nổi tiếng với nghề đan sọt. Nắng đã lên cao nóng bức khiến mọi người ngột ngạt. Cuộc leo núi ngay khi mới bắt đầu đã khiến mọi người mất sức rất nhiều.
Lạn Dưới nằm dưới chân dãy núi cao xanh mướt, nhìn ra cánh đồng lúa. Chúng tôi băng qua con ngõ nhỏ bùn lầy ượt nhẹp vào một nhà dân trong làng để nói chuyện, tìm hiểu về nghề đan sọt, chủ yếu là những cái sọt to chắc chắn được bà con dùng để đựng đồ, mà tôi thường thấy nhất là đựng ngô. Tiếc nhất là vì thiếu thời gian nên không có cơ hội xem trực tiếp người dân đan sọt như thế nào. Hy vọng sẽ có một ngày nào đó được khám phá.

Về Lũng Rì học cách làm ngói!

Tiếp theo là hành trình đi sang Lũng Rì để tìm hiểu cách làm ngói. Dự kiến 2 tiếng leo núi. Lúc này mọi người đã bắt đầu cạn nước và phải tiết kiệm từng chút một. Trên đường đi chúng tôi gặp những con trâu đeo rọ mõm trông rất ngộ. Theo lời giải thích của em hướng dẫn thì người dân làm vậy để không cho trâu ăn hoa màu.
Vượt qua một đoạn đường đổ bê tông, chúng tôi tiến vào con đường mòn sỏi đá, nhiều đoạn vẫn còn bùn lầy do ảnh hưởng của đợt mưa mấy ngày trước. Cả đoạn đường chỉ thấy nắng, nắng và nắng. Thi thoảng có một vài ngọn gió ùa qua tỉnh cả người. Gặp bóng cây nào mọi người cũng ào vào nghỉ, tranh thủ chút bóng râm để hứng gió.

Trong suốt chặng này chúng tôi liên tục vượt qua những cánh đồng mênh mông nắng như thế, không phải rừng cổ thụ mà chỉ gặp những cây cô đơn, đứng một mình lẻ loi giữa trời đất. Trong đầu tôi cứ vang mãi điệu nhạc Hòn đá cô đơn của Bức Tường, cảm thấy sao giống những cái cây cô đơn kia đến lạ.

Tôi nhớ nhất lúc nhìn thấy cây gạo cổ thụ giữa trời, phía dưới là mấy con ngựa đang gặm cỏ, đẹp y như trong giấc mơ ngày xưa của tôi. Khi ấy tôi cứ ước được cưỡi ngựa phi trên đồng cỏ, rồi nghỉ chân dưới gốc cây mà ngắm trời mây. Cảnh lúc này chính là điều tôi đã từng mơ ấy. Trời trong veo, xanh ngắt một màu!

Mọi người chạy ùa về ngồi nghỉ dưới gốc cây, chia nhau kẹo hồi sức, bánh bích quy nạp năng lượng. Có điều mâu thuẫn là càng ăn thì càng khát nước trong khi nước còn lại rất ít. Chúng tôi vẫn vui vẻ đùa nhau xóa tan đi cơn khát và mệt, để rồi sau đó lại giục nhau nhanh chóng lên đường, sớm về đến đích.
Lúc này tôi đã hết sạch nước, hai vỏ chai rỗng không lắc lư trong túi. Các thành viên trong đoàn chỉ có 2, 3 người còn nước. Nắng vẫn gay gắt, bóng cây vẫn hiếm hoi, mồ hôi vẫn rơi ướt áo. Em dẫn đường cười bảo mọi người: “Cố lên, chỉ còn một đoạn ngắn nữa thôi ạ. Chắc 1h30 là mình tới nơi đấy”.
Tôi ngó nhìn điện thoại, mới có gần 12h thôi, trời ơi!… 🙁 🙁

Đúng giữa trưa chúng tôi tới đồi mua, hoa tím cả góc trời. Lại một cảnh đẹp khiến tôi quên cả mệt. Tôi chạy tới chụp ảnh hoa mua, săm soi xem có quả mua nào chín không mà tiếc quá tất cả đều xanh non. Gió và nắng vàng hòa quyện trong hương cỏ cây của núi rừng. Chúng tôi thi nhau nằm ngả ra cỏ để nghỉ và ngắm trời đất. Giá mà có thể nằm yên tại đó, không cần đi đâu nữa.

Nhưng không thể nằm ở đó được. Chúng tôi tiếp tục đi xuống núi. Mọi người mới đầu còn hỏi hướng dẫn còn bao xa em ơi, sau mệt và chán không muốn hỏi nữa, cứ cắm đầu đi. Theo lời em hướng dẫn, giờ chỉ có những người già mới biết đường leo núi từ Phia Thắp sang Lũng Rì, còn giới trẻ rất ít người  biết. Em nói đầy tự hào: “Giờ trẻ như em mà biết đường chỉ có khoảng 6 người, bọn em vẫn hay đi theo người già chơi. Ngày xưa làm gì có đường hay xe, người dân chỉ biết mở đường băng qua núi mà đi sang làng khác thôi”.

Dừng chân dưới gốc cây bưởi, chúng tôi hào hứng bảo nhau hái bưởi ăn. Nhưng đúng là trời không chiều lòng người, bưởi non và chát không ăn được. May quá một anh trong đoàn hái được mấy quả dưa mèo của bà con, thế là bổ chia nhau từng miếng mát thay cho nước. Lần đầu tiên tôi ăn miếng dưa già đầy hạt, lẫn cả mùi mồ hôi mằn mặn ở tay người gọt mà vẫn thấy ngon lạ thường.

Lại tiếp tục đi. Em Trang trong đoàn thôi miên tâm trí bằng mâm cơm thịt gà ngon lành, còn tôi chỉ ao ước có chai nước mát lạnh. Cứ đi trong suy nghĩ như thế tới 13h30 thì về đến đầu làng ngói Lũng Rì. Tôi đã thấy nước mát gần sát ở mặt rồi. Có chiếc công nông đi qua, chúng tôi nhảy lên xe đi nhờ. Lúc đó không nghĩ tới ngã, không nghĩ tới trượt chân, trong đầu chỉ duy nhất ý nghĩ nhảy và ngồi. Thật đúng chỉ trong gian nan mới thấy hết khả năng kỳ tài của con người. Tôi giờ cũng tin mình có thể làm nên điều kỳ diệu, hihi. 😀

Về đến nhà dân đây rồi. Bạn tôi đi xe ôm về đó từ sớm đi ra cười chào tôi. Câu đầu tiên mà tôi nói với cô ấy là Tớ muốn uống nước. Sau đó là bỏ giầy, chạy lên bậc thang, lao nhà như vừa được cứu sống, tìm nước, rồi uống như chưa từng được uống.

So với chuyến leo Fanxipan cách đây mấy năm, tôi thấy chuyến này còn mệt hơn gấp bội, vì trời nắng nóng làm tôi nhanh kiệt sức trong khi lại bị thiếu nước. Ngày đi leo Fanxipan, có đầy đủ đội porter, người dẫn đường, nước đủ, trang bị đủ, trời mát lạnh, người không lúc nào đổ mồ hôi. Lần ấy tôi còn có sự luyện tập trước khi lên đường, đã nghiên cứu kỹ đường đi, hỏi rõ kinh nghiệm người đi trước. Lần này, tất cả đều diễn ra hết sức tự nhiên, thậm chí vượt xa suy nghĩ của tôi.

 Lũng Rì chiều gió mát!

Trời đã quá trưa rồi, đồng hồ đã qua ngưỡng 14h! Từng cơn gió tràn vào trong căn nhà sàn vách đất làm cái nóng giảm đi đáng kể. Cũng như Phia Thắp và Lạn Dưới, Lũng Rì không ồn ào, không bụi bặm, thi thoảng lại có tiếng xe công nông chạy qua. Những ngôi nhà sàn cột bê tông, có khoảng sân phía trước, tường trát bằng đất bùn, rơm rất đơn giản, phía dưới sàn nhà dựng xe máy, xe đạp. Ở trong nhà, ngẩng đầu lên còn thấy những tia nắng chiếu qua khe ngói lấp lánh.

Mọi người đã về đông đủ, chúng tôi bắt đầu ăn cơm. Tôi khá mệt nên ăn cũng không có cảm giác ngon, dường như các bạn nữ cũng vậy. Các anh con trai thì vẫn sung sức lắm, ăn cơm và pha trò khiến mọi người không ngớt cười. Tôi nhớ mãi chuyện kiếp con lợn của anh Phương, tóm lại bằng mấy câu như thế này:
Kiếp sau xin chẳng làm con người
Làm con lợn Rái được chơi khắp làng
Nằm mát trong rọ rảnh rang
Đi gặp lợn nái chơi hàng thật phê
Về nghỉ lại thấy khỏe ghê
Lại đi chơi tiếp, sướng tê cả người.

Kết thúc bữa cơm đã 15h, mọi người thấm mệt, chia nhau nằm nghỉ trên nền nhà bên cạnh mâm cơm, chẳng còn lo giữ ý trai hay gái. Lúc này chỉ thèm 1 giấc ngủ say trong cơn gió mát lành.

Một điều thú vị mà tôi nhớ mãi ở đây là khu nhà vệ sinh. Bạn có biết người dân làm nhà vệ sinh như thế nào không? Bạn sẽ không thể tưởng tượng được đâu. Nhà vệ sinh nằm ngay trong phòng ngủ, đơn giản là 1 lỗ giữa hai khe gỗ trên nền nhà, và người ta sẽ đi tè ở đó, nước chảy xuống nền dưới ướt đẫm. Còn đi nặng ư, mời bạn lên rừng nhé.

Sau giấc ngủ trưa ngắn ngủi, chúng tôi đi xem trình diễn làm ngói. Đất để làm ngói được lấy luôn ở bản, trộn thành từng khối vuông vắn. Sau đó được cắt thành từng lát, cuốn vào khuôn đặt trên bàn xoay tròn. Người làm ngói sẽ dùng bàn xoa thấm nước, xoa đều lên đất để làm cho đất mịn và kết thành một vòng tròn hoàn chỉnh. Sau đó sẽ cắt bỏ các phần đất thừa, rồi bê ra đặt trên nền trấu đã được san phẳng từ trước. Sau khi đất khô, người ta chỉ việc bẻ ra thành các miếng ngói theo đường vân đã có. Khi đủ khoảng 15.000 viên sẽ cho vào lò để nung.
Hầu hết các nhà ở đây đều lợp bằng ngói làm như vậy, đẹp và mát. Nghe nói hiện giờ do giá ngói cao nên nhiều nhà không có điều kiện đã thay bằng mái tôn cho rẻ.

Sau khi xem ngói xong tôi nhập vào nhóm bắt xe ôm về Phia Thắp vì thấy không còn đủ sức đi bộ (nếu tiếp tục đi bộ thì sẽ đi khoảng 2km, tổng số km đi bộ trong ngày sẽ là 12.43km). Xe đưa chúng tôi qua làng rèn Phúc Sen, qua làng Pắc Bàng rồi về đến Phia Thắp chỉ mất khoảng 20p, trong khi đi bộ qua núi sẽ cần khoảng 1,5-2h.

Kết thúc một ngày mệt mỏi, tôi nằm dài trên đệm đọc nốt quyển truyện của Song Hà. Những kỷ niệm thời sinh viên ùa về khiến tôi bật cười khúc khích, tạm quên đi cái chân mỏi nhừ vì leo núi.

Cao Bằng trekking -HoaChio
Cơm tối ở Phia Thắp

Ngày hôm  nay đánh dấu quá nhiều cái đầu tiên của tôi: Lần đầu đi trek dưới trời nắng giữa trưa, nắng dựng trên đỉnh đầu. Lần đầu thèm nước đến mị cả người, không dám dừng lâu vì sợ sẽ không đi tiếp được nữa, hạn chế nói chuyện vì sợ nói nhiều mất sức. Lần đầu tiên trong đời tôi uống 1 hơi hết lon Redbull. Lần đầu tiên xem làm ngói thủ công. Lần đầu tiên nhảy xe công nông đang chạy. Và lần đầu tiên, tôi vượt được 4 quả đồi tương đương 10.43km.

Một ngày tuyệt vời trong hành trình của chúng tôi! ?????

Timeline ngày 2:

7h40: Xuất phát đi bộ
8h30: Bắt đầu leo lên đỉnh núi To
10h45: Về tới làng Dưới
11h56: Nghỉ chân ở đồi hoa mua
13h40: Về tới nhà dân ở Lũng Rì
14h15: Ăn cơm trưa
15h15: Đi xem làm ngói
15h45: Một nhóm tiếp tục đi bộ, một nhóm đi xe ôm về Phia Thắp
Tổng số km đi bộ: 12.43km
Đỉnh cao nhất: 770m

Kinh nghiệm sau ngày thứ 2 đi bộ:

  • Xem kỹ hành trình để chuẩn bị nước đầy đủ
  • Chịu khó bôi kem chống nắng (nếu không hãy mặc áo dài tay, quần dài rộng). Đấy, lại không thể không khoe lọ kem HP mà tôi đã nhắc ở Ngày 1, bạn tôi bị cháy nắng đỏ lừ chân mà bôi kem đó dịu luôn. Nói như thế không có nghĩa là kem HP có chức năng chống nắng nhé, nó giúp làm dịu vết cháy nắng thôi.
  • Có thể dùng ô buộc đầu che nắng, mưa rất tốt, thoáng mát, lại rảnh tay chụp ảnh. Trông nó như thế này nhé:

Cao Bang trekking - Hoa Chio

Nếu bạn muốn mua thì liên hệ: Quà tặng An Tất Phát, Facebook Quà  Tặng An Tất Phát

Cuối cùng, đừng quên để tinh thần bạn luôn luôn lạc quan và hãy tự tin tiến về phía trước nhé. Đường xa mới biết sức người. Nếu nghĩ mệt, tự khắc sẽ mệt. Nếu nghĩ vui, tự khắc cũng sẽ vui. Đơn giản vậy thôi! 🙂 🙂

Vài hình ảnh của ngày 2:

Xem tiếp ngày 3: Đường về Bản Giốc

One thought on “Cao Bằng trekking – Hành trình thử thách sức chịu đựng của con người (ngày 2)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *