Tôi biết đến “Cùng anh ngắm hoa sơn tra” qua lời giới thiệu ngắn ngủi của cô bạn: Đọc đi, hay không dứt ra được luôn. Khi đó tôi không hề biết rằng đây là một trong những truyện ngôn tình khiến bao người rơi nước mắt. Tôi quyết định đọc truyện không phải do câu khẳng định chắc nịch kia, mà chính bởi cái tên truyện đã lôi cuốn tôi, rất lãng mạn, đậm chất thơ và gợi cảm. Tôi cũng tò mò không biết cây sơn tra là cây gì, cũng hình dung một loại cây cổ thụ, tán xòe rộng, hoa đẹp rực rỡ.
Sơn Tra là một loài táo dại có gai, trổ hoa vào mùa xuân. Những cụm hoa nhỏ có màu hồng, đỏ hoặc trắng tùy theo giống. Đến mùa thu, táo kết trái, quả nhỏ mà cứng. Sau đó lá táo rụng, chỗ đó mọc ra những cái gai nhỏ như những chiếc kim khâu. Bởi thế táo gai có tên khoa học là Crataegus, theo tiếng Hy Lạp nghĩa là cứng và sắc.
“Cùng anh ngắm hoa sơn tra” là câu chuyện tình yêu của anh Ba (Tôn Kiến Tân) và Tĩnh Thu, diễn ra trong bối cảnh những năm 70, thời điểm cuối của cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Quốc.
Là một học sinh giỏi, Tĩnh Thu cùng 2 bạn khác được nhà trường chọn tham gia biên soạn tài liệu giáo khoa về vùng Tây Thôn Bình, được cử về ở tại vùng đó để tìm hiểu, lấy thông tin và viết lại thành sách. Tại đấy Tĩnh Thu đã gặp Tôn Kiến Tân, thường được gọi là anh Ba và hai người đã nảy sinh tình cảm sau nhiều lần gặp gỡ. Mối nhân duyên của họ dường như bắt đầu từ cây sơn tra, từ lời ước hẹn sẽ về ngắm hoa sơn tra vào mùa hoa nở. Người dân trong thôn vẫn lưu truyền rằng, hoa sơn tra vốn màu trắng, bởi nhuốm máu của các chiến sĩ đã hy sinh mà trở thành màu đỏ.
Tĩnh Thu trong sáng và ngây thơ đã thật may mắn khi gặp được Kiến Tân thông minh và am hiểu mọi việc. Cả hai cùng nếm trải đủ mọi hương vị của tình yêu: ngọt ngào, lãng mạn, chờ đợi, giận hờn, hiểu lầm, xa cách, nhớ nhung, tin tưởng… Đan xen trong đó là những hồi ức về gia đình, về cuộc sống của người dân trong cuộc cách mạng văn hóa khiến người đọc không khỏi ngậm ngùi.
Trong suốt những năm tháng trưởng thành của Tĩnh Thu luôn có bóng dáng của anh Ba. Mỗi lúc cô khó khăn anh đều xuất hiện để làm chỗ dựa cho cô. Những đoạn đối đáp ngọt ngào giữa hai người khiến tim tôi cũng muốn tan chảy:
Em nhất định phải đi ủng, anh trốn vào một chỗ để xe, nếu em cởi ra…
Thì anh thế nào? Đánh em một trận chứ gì?
Anh không đánh, mà anh cũng cởi giày chạy vào đống vữa xi măng, cho đến khi chân anh bị xi măng làm lở loét
Ở quê em, nam giới không bưng nước rửa chân của con gái đi đổ, như vậy sẽ không có tiền đồ.
Em tin điều ấy à? Anh không cần tiền đồ, chỉ cần cả đời đổ nước rửa chân cho em thôi
Kiến Tân đã chờ Tĩnh Thu học xong, chờ cô có việc làm, nhưng cuối cùng lại không thể chờ cô để đi đến hết cuộc đời. Số phận thật quá nghiệt ngã với họ. Tôi đã khóc nức nở khi đọc đến những trang cuối cùng, tưởng tượng cảnh Tĩnh Thu cầm tay anh Ba mà gọi tên anh lạc cả giọng. Nhưng anh Ba mãi mãi cũng không quay về nữa… Hàng năm, Tĩnh Thu về bên cây sơn tra, thay Kiến Tân ngắm hoa, thực hiện ước hẹn năm nào.
Toàn bộ truyện không có những tình tiết gay cấn, hay mâu thuẫn nghẹt thở. Giọng văn đều đều nhẹ nhàng nhưng không hề nhàm chán, ngược lại cuốn hút tôi khiến tôi không thể dừng lại sau khi đọc những trang đầu tiên. Một Kiến Tân ấm áp, tình cảm, thủy chung cùng một Tĩnh Thu ngây thơ, chân thành, trong sáng đã viết thành câu chuyện tình yêu thánh thiện và bất diệt làm rung động trái tim bao người.
Giống như Cô đơn trên mạng và Những cây cầu ở quận Madison, Cùng anh ngắm hoa sơn tra cũng lấy đi của tôi quá nhiều nước mắt, đọc lại lần nào cũng không kìm được mà thổn thức.
Anh không thể chờ em nổi một năm lẻ một tháng, anh cũng không thể chờ em đến hai mươi lăm tuổi, nhưng anh sẽ chờ em suốt đời.