Đừng bỏ lỡ những món ngon đặc sản Phú Thọ

Phú Thọ quê mình hóa ra cũng có nhiều món ngon lắm. Có nhiều món đã nức tiếng cả nước, có món gây thương nhớ cho bao người dù chỉ được nếm một lần. Hôm nay mình sẽ tổng hợp các đặc sản Phú Thọ khoe cả nhà luôn nha. 

1. Thịt chua Phú Thọ

Nhiều người hay nhầm lẫn thịt chua với nem chua, nhưng thực ra hai món này chỉ có điểm giống nhau là cùng có chữ chua và cùng làm từ thịt lợn, còn cách làm hoàn toàn khác nhau nhé.

Thanh Sơn là quê hương của món thịt chua nức tiếng này. Dần dần món ăn này đã lan ra khắp tỉnh và ai ai cũng biết tới. Ban đầu thịt thường được làm trong ống nứa, nhưng theo thời gian, để phù hợp với cuộc sống hiện đại, thịt đã được để trong hộp hoặc gói trong túi nilon, bọc giấy báo. 

Thịt có vị chua dịu nhẹ, có sắc hồng tươi tự nhiên, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Nếu để ngăn đá có thể giữ được cả tháng. Khi ăn thì cuốn với các loại lá như lá sung, lá dổi, lá mơ, đinh lăng… và chấm tương ớt. 

Mình đã có bài viết chi tiết về món ăn đặc sản Phú Thọ này, cả nhà cùng đọc thêm nhé: Thịt chua Phú Thọ, ăn một lần nhớ mãi.

Xem thêm video cách làm ở đây nha:

 

2. Cọ ỏm

Dân gian vẫn có câu truyền rằng: 

Dù ai đi ngược về xuôi
Cơm nắng lá cọ là người sông Thao

Hay:

Dù ai đi ngược về xuôi
Cơm nắm là cọ là người Phù Ninh

Sông Thao là đoạn sông Hồng chảy qua địa phận tỉnh Phú Thọ. Còn Phù Ninh là vùng đất trồng cọ nhiều ở Phú Thọ. Câu ca dao này chứng tỏ một điều rằng, Phú Thọ là thủ phủ của cọ. Nhà nhà đều biết tới cọ. Từ đây cũng bắt đầu sáng chế ra các món ăn từ cọ mà một trong các món nổi tiếng là cọ ỏm.

Từ khoảng đầu tháng 11 âm lịch, cọ bắt đầu vào mùa, kéo dài tới tầm tháng 3 âm lịch thì hết. Quả cọ nhìn qua khá giống quả trám đen, nhưng tròn hơn, to hơn, như ngón chân cái vậy. Cọ rửa sạch, có thể sát qua để bong bớt lớp vỏ bên ngoài. Đun nước đến khi thấy có các bọt bóng nổi lên thì tắt bếp, đổ cọ vào, rồi để om trong 15 đến 20 phút là được. Quả cọ được ỏm chín phải mềm, bóc được vỏ, bóc ra được, ăn bùi bùi, có vị hơi chan chát, nhưng càng ăn càng nghiện. Nếu quả cọ cứng đờ có nghĩa là om không được, gọi là cọ chết.

Khi ỏm cọ thì khâu quan trọng nhất chính là đun nước. Đun nước sôi sùng sục sẽ làm cọ chết, mà đun chưa tới độ nóng thì cũng không làm chín cọ được. Nên bạn phải canh nồi nước, thấy bắt đầu có sủi bọt lăn tăn dưới đáy là được nhé.

Đặc sản Phú Thọ
Cọ ỏm là món đặc sản Phú Thọ dễ gây nghiện

Ỏm cọ cũng là do tay người nữa. Có người chẳng bao giờ ỏm được mẻ cọ nào ngon. Nhưng có người làm một lần là được. 

Năm nào tới mùa cọ mình cũng phải về quê để mua cọ ăn cho đã. Nếu bận quá thì nhờ mẹ nhờ chị ở quê gửi lên. Vị có chát chát ấy sao mà gây nhớ vậy chứ?

3. Tằm rang lá chanh

Tằm nhả tơ thì ai cũng biết. Nhưng tằm rang lá chanh chắc ít người ăn. Đây là một trong các đặc sản Phú Thọ cực ngon. 

Cách làm cũng rất đơn giản: tằm rửa sạch, trần qua nước sôi với chút muối, cho lên rang cho ngấm gia vị. Khi tằm đã vàng, săn lại thì cho lá chanh thái nhỏ vào là được. Tằm chứa rất nhiều đạm nên món này bổ dưỡng lắm, nghe nói còn bổ như sâm vậy đó.



4. Rau sắn chua

Rau sắn chua là món ăn gắn liền với tuổi thơ mình. Thật may mắn là tới bây giờ mình vẫn được ăn nó thường xuyên và không hề thấy ngán. 

Rau sắn chua thường được nấu với cá, xương sườn hay chân giò. Vị chua kết hợp vị béo, bùi của thịt, xương và cá ngon vô cùng luôn.

đặc sản Phú Thọ
Canh rau sắn Phú Thọ thơm ngon

Bạn đọc thêm bài viết của mình về đặc sản Phú Thọ này nhé: Ngọt bùi rau sắn nấu canh

5. Bánh sắn

Bánh sắn Phú Thọ rất dễ làm và vị có nét khá giống với bánh nếp. Nguyên liệu chính là bột sắn, được dùng làm vỏ bánh. Nhân bánh là đậu xanh kèm thịt. Ăn vừa thơm vừa dẻo lại ngậy vị béo của thịt.

Ngày xưa nhà mình hay làm bánh sắn chay, còn gọi là bánh tu hú. Nhào kỹ bột sắn với nước. Đắp bột quanh cái đũa ăn cơm để được nắm nhỏ nhỏ hình bầu dục, sau đó rút đũa ra là được cái bánh tu hú có lỗ ở giữa. Bỏ bánh vào nồi nước sôi để luộc, khi bánh nổi lên là chín, giống như làm bánh trôi vậy. Bánh ăn kèm với đường hoặc mật. Ai không ăn ngọt thì có thể ăn không, nhưng sẽ không ngon như khi ăn với mật đâu nhé.

Bánh Sắn - Hoa Chio
Bánh sẵn nhân đỗ xanh kèm thịt

6. Trám kho

Mình thích món trám kho vô cùng, kho cá hoặc kho thịt đều ngon. Món này ăn với cơm nóng thì tốn cơm lắm. 

Quả trám rửa sạch, đập giập. Thịt/cá làm sạch. Nếu là thịt thì thái miếng vuông chì như thịt kho tàu. Cá cắt khúc. Rồi bỏ thịt/cá cùng trám đã đập giập vào nồi. Thêm gia vị, thêm nước và om cho tới khi chín mềm. Lưu ý không nên cho nhiều nước, để khi làm sao nước cạn thì nồi trám kho cũng chín. Thịt, cá săn lại, trám thì mềm.Vị chát của trám hòa quyện lẫn vị béo bùi của cá với thịt, ăn ngon khó tả. 

hoachio.com

Bài viết liên quan: Đông về lại nhớ trám quê

7. Bánh tai

Nhắc tới đặc sản Phú Thọ mà bỏ qua bánh tai thì thật là một thiếu sót vô cùng lớn. Ăn món này vài lần là nghiện lắm. Tên gọi của bánh có lẽ xuất phát từ hình dáng của bánh, tựa như một cái tai lớn vậy. 

Bánh được làm từ gạo tẻ dẻo, thơm, có nhân là thịt băm nhỏ ướp kỹ với hành khô và các loại gia vị, hạt tiêu. Bánh ngon nhất lúc ăn nóng, chấm với nước mắm pha chua ngọt tùy khẩu vị, thêm chút dưa chuột nữa thì tuyệt. 

bánh tai

8. Măng sặt xào

Măng sặt là loại măng nhỏ, dài, có nhiều nhất ở vùng Ấm Hạ, Hạ Hòa, Phú Thọ. Khi ăn thì bóc hết lớp vỏ bên ngoài để lấy ruột ngọn bên trong. Một cân măng bóc vỏ xong chắc chỉ được khoảng 3 lạng măng. Nhiều người hay luộc măng rồi chấm muối lạc, tuy nhiên ở quê mình thường xào măng với cà chua hoặc thịt và lòng mề gà.
Măng sặt xào cà chua có vị ngon rất riêng, càng đun lâu càng ngon. Trước khi xào phải đập dập ngọn măng thì khi nấu măng mới mềm, ngon đồng thời ngấm đều gia vị cộng với cà chua. Lưu ý là đập dập chứ không phải dùng dao chẻ đôi hay cắt măng thành miếng nhỏ nhé. 

Nếu bạn đi đâu về vùng đất Tổ, đừng quên những đặc sản Phú Thọ mình kể trên nhé. Hãy thưởng thức một lần để biết hương vị quê mình ra sao nha. 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *